Đào tạo liên kết quốc tế: Cơ hội và thách thức

Thứ bảy - 24/03/2018 20:12

Đây là chủ đề của tọa đàm do Viện Đào tạo Quốc tế (SIE), Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức ngày 23/3/2018 tại phòng Hội thảo C2 nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập. Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của các trường đại học như ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, đại diện lãnh đạo các Khoa, Viện, Phòng, Ban, Trung tâm Trường ĐHBK Hà Nội cùng các thầy cô giáo, cựu sinh viên, học viên và sinh viên Viện SIE.

Điểm lại quá trình xây dựng và phát triển trong 15 năm qua, PGS Trần Trung Kiên – Viện trưởng Viện SIE cho biết: Kiên định với mục tiêu chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế, qua 15 năm xây dựng và phát triển, Viện đã trở thành cơ sở đào tạo hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực liên kết đào tạo quốc tế bậc đại học và sau đại học. Viện đã và đang triển khai các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học uy tín của CHLB Đức, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Niu-Di-Lân, CH Pháp, Úc, Séc,… thuộc các chuyên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, Công nghệ thông tin, Điện tử - Viễn thông, Khoa học máy tính, Quản trị kinh doanh,… Từ khi thành lập đến nay, Viện SIE có hơn 4500 sinh viên theo học, trong đó hơn 400 sinh viên chuyển tiếp sang trường đối tác nước ngoài, trên 2000 sinh viên tốt nghiệp đại học và hơn 350 người được cấp bằng thạc sĩ. Hiện nay, Viện duy trì quy mô khoảng 1400-1500 sinh viên/học viên.

PGS Hoàng Minh Sơn phát biểu tại buổi Tọa đàm

Thay mặt Lãnh đạo Trường, PGS Hoàng Minh Sơn – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng đã gửi lời chúc mừng và đánh giá cao những kết quả đạt được của Viện SIE trong 15 năm qua. Đồng thời, thầy Hiệu trưởng nhấn mạnh: “Hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển. Nhận thức được điều đó, Trường ĐHBK Hà Nội là một trong những đơn vị tiên phong trong đào tạo quốc tế. Những ngày đầu dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, đến nay Viện SIE đã trở thành địa chỉ tin cậy trong đào tạo quốc tế. Nhiều sinh viên tốt nghiệp từ chương trình này đang nắm giữ các vị trí quan trọng và thành công của họ đã làm nên thương hiệu, uy tín của các chương trình đào tạo quốc tế, Trường ĐHBK Hà Nội”.

Cũng trong buổi tọa đàm, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội và thách thức trong đào tạo liên kết quốc tế, các cán bộ, giảng viên ĐHBK Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Xây dựng, ĐH Ngoại thương đã cùng nhau trao đổi, thảo luận xung quanh các nội dung như: Đào tạo quốc tế tại ĐHBK Hà Nội trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; Tăng cường trao đổi sinh viên và các chương trình hợp tác đào tạo thông qua đào tạo quốc tế; Cơ hội và thách thức trong việc phát triển và nâng cao chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế - kinh nghiệm tại ĐH Xây dựng; Ứng dụng mô hình hoạt động doanh nghiệp trong đào tạo quốc tế; Làm thế nào để quốc tế hóa các trường đại học Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa?...

PGS Hoàng Minh Sơn và PGS Trần Trung Kiên tặng hoa cảm ơn các cựu lãnh đạo Viện, Điều phối viên và Trường đoàn điều hành

Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn trao đổi, tọa đàm “Đào tạo liên kết quốc tế: Cơ hội và thách thức” là diễn đàn để các cán bộ, giảng viên chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi những mô hình, chương trình đào tạo, cách thức tổ chức, hoạt động hiệu quả đào tạo quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Viện Đào tạo Quốc tế (SIE) tiền thân là Chương trình hợp tác đào tạo quốc tế (ITP) với mục tiêu hợp tác với các trường đại học trên thế giới trong đào tạo đại học và sau đại học. Khóa đầu tiên được khai giảng vào ngày 10/3/2003.

Tháng 12/2009, trước sự phát triển và yêu cầu đòi hỏi về một đơn vị quản lý các chương trình hợp tác đào tạo quốc tế, Viện SIE chính thức được thành lập.

Đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy tại Viện SIE là các giảng viên của trường đại học đối tác nước ngoài, Trường ĐHBK Hà Nội và giảng viên thỉnh giảng trong nước và quốc tế. Các giảng viên đều có trình độ chuyên môn cao, thông thạo ngoại ngữ và đáp ứng các yêu cầu của trường đối tác nước ngoài và ĐHBK Hà Nội.

Thông tin chi tiết về Viện xem tại: www.sie.hust.edu.vn.

 

Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi 

Tác giả: Trần Ngọc Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây