Chung kết SV STARTUP 2019: Sinh viên Bách khoa thành “giám đốc tay ngang”

Thứ tư - 02/10/2019 22:37

Với ý tưởng đột phá, sự tự tin, chuẩn bị kỹ lưỡng, 2 dự án của sinh viên Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã xuất sắc vượt qua gần 200 đội thi, lọt vào tốp 50 đội thi tốt nhất tham dự vòng chung kết Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia của Học sinh, sinh viên 2019 (SV STARTUP 2019) sẽ được tổ chức trên “sân nhà” vào ngày 4/10/2019.

Cuộc thi cho những “giám đốc tay ngang”

Kể về bài dự thi của nhóm mình, Nguyễn Khánh Tùng - thành viên Dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục" tự hào giới thiệu dự án hướng tới làm chủ công nghệ 3D để thiết kế, gia công vật liệu nhựa y sinh, chế tạo ra các mảnh vá khuyết xương, bộ phận thay thế phục vụ cấy ghép trong y tế có chất lượng và đặc tính cao hơn, ưu việt hơn để điều trị bệnh nhân tốt hơn, đồng thời cung cấp dịch vụ thiết kế và in 3D giáo cụ trực quan phục vụ giáo dục STEM. Lợi thế cạnh tranh chính là việc đi tiên phong trong lĩnh vực thiết kế, gia công chế tạo nhựa PEEK và PMMA y sinh ở Việt Nam. Làm chủ hoàn toàn công nghệ và kỹ thuật.

Nhóm sinh viên dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục”

Còn Hà Công Minh Hoàng – Thành viên nhóm dự án “Hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc” cho biết: Ý tưởng chính của dự án là chế tạo hệ thống đo quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc sử dụng mã gray kết hợp dịch pha phục vụ đo kiểm chất lượng bề mặt sản phẩm và thiết kế ngược. Sản phẩm là hệ thống may đo biên dạng 3D không tiếp xúc bề mặt đạt độ chính xác cao, thời gian đo quét nhanh, giải quyết được những vấn đề của các máy đo truyền thống để đo được biên dạng 3D bề mặt phức tạp. Hệ thống máy đo có kích thước gọn, dễ sử dụng và giá thành thấp hơn so với những máy đo 3D cùng loại trên thị trường. Sau khi thu được đám mây bề mặt điểm 3D, hoàn toàn có thể đo lường kiểm tra với bản thiết kế, kết hợp với máy in 3D để in ra sản phẩm có hình dạng và kích thước giống với vật mẫu ban đầu phục vụ cho thiết kế ngược.

Nhóm sinh viên dự án “Hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc”

Được biết, hai dự án đều được kế thừa từ các “tiền bối Bách Khoa”. Như dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục” được kế thừa từ PGS.TS Nguyễn Văn Vinh và TS Nguyễn Thị Kim Cúc – Phòng Thí nghiệm Quang cơ điện tử, còn đề tài “Hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc” được nhóm SV kế thừa từ các anh chị Nghiên cứu sinh của Trường, trong đó phần thực nghiệm đã được cô Thu Cúc thực hiện bảo vệ luận án tiến sĩ vào tháng 1/2019. Trước đó, hai đề tài đã từng “chinh chiến” tại cuộc thi Ý tưởng sáng tạo, xuất sắc giành 2 giải cao nhất. Có thể thấy sự tiếp nối các thế hệ tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã mang lại niềm hứng khởi, sự tự tin, tính hiệu quả cho mỗi đề tài nghiên cứu.

Thầy Vinh và cô Cúc đã dành nhiều thời gian, tâm sức để hướng dẫn hai nhóm sinh viên. Điều hai thầy cô trăn trở nhất chính là làm sao để sinh viên vừa giỏi nghiên cứu, vừa giỏi tính kinh tế, giỏi thuyết trình, làm sao dạy sinh viên biết nhìn chuyên môn kỹ thuật dưới góc nhìn kinh tế, biết trình bày hấp dẫn, thuyết phục người nghe! Bởi tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp lần này, mỗi sinh viên phải như một giám đốc doanh nghiệp, tính toán được “đầu vào”, “đầu ra” sản phẩm như thế nào để có lãi, bao nhiêu tiền cho nhân công, nguyên liệu, chi phí nhà xưởng sản xuất… Các đội thi không chỉ thuyết trình trước nhà khoa học mà còn phải thuyết phục được những giám khảo là doanh nghiệp. Đây chính là cơ hội để sinh viên thấm thía việc ứng dụng công nghệ và các sản phẩm cụ thể, bên cạnh công nghệ tốt còn phải biết phát triển sản phẩm, quảng bá, kêu gọi đầu tư.

Các  sinh viên cùng 2 giảng viên hướng dẫn: PGS.TS Nguyễn Văn Vinh và TS Nguyễn Thị Kim Cúc – Phòng Thí nghiệm Quang cơ điện tử

Tự hào thương hiệu “sinh viên Bách khoa”

Cả hai nhóm sinh viên dự thi đều rất tự hào khi được học tập và rèn luyện dưới mái nhà Bách khoa. Nguyễn Khánh Tùng đã tìm hiểu các “đối thủ” và nhận định: Đa số các đội đều lấy ý tưởng liên quan đến xu hướng CNTT, riêng dự án của sinh viên Bách khoa không chỉ dừng lại ở nghiên cứu mà đã ứng dụng công nghệ vào các sản phẩm cụ thể phục vụ cộng đồng. “Chúng em đang rất phấn khích, chỉ mong đến ngày để đi thi!” – Tùng hào hứng chia sẻ.

Trước giờ G, các sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang cố gắng tận dụng thời gian chờ để tìm hiểu thêm tài liệu, hoàn thiện dự án thi, tổng duyệt bài thuyết trình. Nhìn lại hành trình dài cùng nhau làm việc nhóm, cùng nhau nghiên cứu, nếm trải cả thất bại và trái ngọt thành công, thành viên nào cũng bồi hồi. Hán Thị Thu Thảo – cô gái duy nhất đội “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế, giáo dục” nhớ lại: Tuy là hai đội thi nhưng chúng em như người trong một gia đình, giúp đỡ lẫn nhau, các thầy cô bộ môn đều nhiệt tình hỗ trợ. Nhà trường còn tạo điều kiện mở cửa phòng lab đến 10h tối để hai nhóm nghiên cứu. Sinh viên Bách khoa làm hết sức, chơi hết mình, không bị áp lực đi thi phải giành giải, nhưng hy vọng chúng em sẽ giành giải nhất năm nay, giành phần thưởng 100 triệu đồng!

Điểm danh những “giám đốc tay ngang”

Nhóm sinh viên dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục”: Nguyễn Thành Quyết; Nguyễn Khánh Tùng; Ngô Văn Kiên; Hán Thị Thu Thảo; Bùi Đức Toàn,

Nhóm sinh viên dự án “Hệ thống quét 3D bằng ánh sáng cấu trúc”: Hà Công Minh Hoàng; Phan Khánh Ly; Trần Thị Huyền; Nguyễn Văn Hà; Nguyễn Việt Kiên.

Bật mí kế hoạch sử dụng nếu giành 100 triệu đồng tiền thưởng

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Vinh, phòng Thí nghiệm Công nghệ quang cơ điện tử đã có tuổi đời 20 năm, chứng kiến nhiều khóa sinh viên đoạt giải thưởng. Một điểm đặc biệt là nhiều trang thiết bị trong phòng lab do sinh viên giành giải trích tiền thưởng ra đầu tư, mong cho các em sinh viên khóa sau có điều kiện thực nghiệm, thực hành thuận lợi Vậy nên nếu giành giải cao cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên năm 2019, chắc chắn phòng lab sẽ lại có thêm thiết bị mới!

Nhà tài trợ bất ngờ

Trước thềm vòng thi chung kết, GS Yang Hi Sang – Chuyên gia hỗ trợ dự án Việt Nam – Hàn Quốc đã hỗ trợ các giảng viên hướng dẫn nhóm dự án “Ứng dụng công nghệ 3D chế tạo sản phẩm phục vụ y tế và giáo dục” số tiền 4.000 USD để đầu tư trang thiết bị.

 

Mỹ Linh

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây