6 dấu ấn Đại học Bách khoa Hà Nội 2020

Thứ tư - 13/01/2021 22:00

Năm 2020 là một năm nhiều thách thức của Việt Nam, đặc biệt là những khó khăn, bất cập cho kinh tế, xã hội, văn hóa giáo dục tới từ dịch bệnh Covid-19. Cùng với cả nước, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã nỗ lực phấn đấu để vượt qua những trở ngại, đạt nhiều thành tựu trong công tác tổ chức, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

  1. Ứng phó kịp thời với đại dịch Covid-19 và lũ lụt miền Trung

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chủ động có kế hoạch giảng dạy và học tập trong điều kiện phòng chống dịch, vừa đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe và ổn định đời sống cho người học, cho cán bộ, giảng viên. Việc giảng dạy trực tuyến trong học kỳ II năm học 2019-2020 đã được tổ chức kịp thời và hiệu quả, chỉ trong thời gian ngắn, hơn 4000 lớp lý thuyết, bài tập được chuyển sang giảng dạy online. Những hỗ trợ từ nhà trường và các doanh nghiệp là cựu sinh viên của trường đã được kịp thời gửi tới sinh viên: Gần 400 sinh viên được hỗ trợ máy tính để học trực tuyến; gần 6000 sinh viên có gia đình bị ảnh hưởng kinh tế bởi dịch Covid-19 được miễn giảm học phí.

Gần 400 sinh viên Bách khoa Hà Nội được hỗ trợ máy tính để học tập

Đảm bảo sức khỏe cho sinh viên, cán bộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Nhà trường tổ chức sản xuất dung dịch sát khuẩn trao tặng dung dịch sát khuẩn cho các khu vực cách ly chống dịch, tích cực chung tay bảo vệ sinh viên, bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cùng đó, từ đóng góp của cán bộ viên chức, người lao động, Nhà trường ủng hộ Quỹ phòng chống Covid19 200 triệu đồng thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trao tặng dung dịch sát khuẩn do nhà trường sản xuất

Nhà trường cũng tổ chức các hoạt động quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung và trao tặng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học với tổng trị giá gần 500 triệu đồng cho 2 trường học ở QUảng Trị trong đợt lũ lịch sử cuối tháng 10 năm 2020, chuyển 50 triệu đồng tới Đảng ủy khối các Trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội hưởng ứng đợt phát động ủng hộ đồng bào miền Trung, hơn 300 sinh viên có gia đình bị thiệt hại nặng bởi lũ lụt đã được hỗ trợ miễn giảm học phí.

Đoàn công tác Trường ĐHBK Hà Nội trao tặng trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

  1. Tổ chức thành công các sự kiện chính trị nội bộ

Ban chấp hành Đảng ủy Trường khóa XXX, nhiệm kỳ 2020-2025

Trong một năm nhiều khó khăn, biến động, do dịch bệnh, thiên tai, bão lụt, Bách khoa Hà Nội đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Trường lần thứ 30, Hội nghị đại biểu bầu thành viên Hội đồng trường nhiệm kỳ 2020-2025, Lễ bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng và Chủ tịch Hội đồng trường, Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội lần thứ 22 nhiệm kỳ 2020 – 2023, và Lễ ra mắt Hội đồng trường. Đây là minh chứng rõ nét cho sự đoàn kết, đổi mới, đột phá trong công tác tổ chức của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng trở thành Hiệu trưởng thứ 13 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; PGS. Hoàng Minh Sơn lên nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường, sau đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

  1. Tổ chức hiệu quả kỳ thi tuyển sinh đại học 2020

Về công tác tuyển sinh, Nhà trường đã thể hiện tự chủ mạnh mẽ, tổ chức thành công kỳ thi Tuyển sinh đại học năm 2020 an toàn, hiệu quả với hình thức và các giải pháp cải tiến, được dư luận xã hội đánh giá cao, thu hút được nhiều học sinh tài năng trên toàn quốc. Trường tiếp tục nhận nhiệm vụ chủ trì nhóm xét tuyển miền Bắc, thể hiện được vai trò dẫn dắt của Đại học Bách Khoa Hà Nội trong khối các trường ĐH tại Việt Nam

Kỳ thi tuyển sinh tại Trường được tổ chức chu đáo trong mùa COVID-19

  1. Triển khai chuyển đổi số trong quản trị đại học

Bắt nhịp xu thế phát triển, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chủ động bước đầu Triển khai Chuyển đổi số trong công tác quản lý. Việc chuyển đổi số trong quản trị ĐHBKHN như: Mở cổng thông tin một cửa cho sinh viên, giảng viên/cán bộ, triển khai chấm điểm rèn luyện điện tử iCTSV, xây dựng các mô-đun quản trị Cơ sở vật chất, nghiên cứu khoa học, tiến hành xây dựng và triển khai chương trình Blended Learning đã và đang được triển khai mạnh mẽ, tạo đà cho quá trình chuyển đổi số Đại học Bách Khoa trong năm 2021 và 2022 (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).

Hội nghị tập huấn về chiến lược phát triển của Đại học Bách Khoa Hà Nội trong thời kỳ chuyển đổi số

  1. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Điểm sáng khoa học công nghệ của Đại học Bách Khoa Hà Nội trong năm 2020 là các nghiên cứu khoa học gắn liền với triển khai ứng dụng trong thực tiễn, phục vụ đời sống xã hội, xây dựng các mô hình và thúc đẩy sáng tạo khởi nghiệp. Các thầy cô giáo của nhà trường đã chủ động nghiên cứu, cho ra mắt các thiết bị, giải pháp giúp hạn chế lây lan, phòng chống dịch Covid-19 như: Kit thử nhanh viruscáng cách ly áp lực âmbuồng áp lực dươngmũ thở khí tươibuồng khử khuẩn toàn thân di độngmáy thở... Bên cạnh đó, Trường còn triển khai xây dựng Quỹ đổi mới sáng tạo BKFund, tổ chức thành công nhiều chương trình sáng tạo khởi nghiệp…, bước đầu xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Nhà Trường, khẳng định vị trí số 1 về đổi mới sáng tạo trong các trường ĐH Việt Nam (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).

Buổi toạ đàm về Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo Bách khoa Hà Nội - BK Fund

  1. Chuẩn hóa các chương trình đào tạo

Năm 2020, Trường đã tiến hành chuẩn hóa các chương trình đào tạo theo đúng luật giáo dục đại học 2019 và nghị định 99 đối với các chương trình cử nhân, kỹ sư, kỹ sư 180 tín chỉ và thạc sỹ. Đặc biệt, Lễ công bố chung của Đại học Bách Khoa Hà Nội về chương trình đào tạo kỹ sư của 7 trường Kỹ thuật Hàng đầu ngày 27/06/2020 là cam kết của Trường về chất lượng đào tạo, luôn sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực hàng đầu, chất lượng cao cho nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức của đất nước. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).

Lễ ký kết công bố về chương trình đào tạo Kỹ sư giữa 7 trường đại học kỹ thuật nhóm đầu

Trong năm 2021, Trường ĐHBK Hà Nội sẽ luôn vững vàng tinh thần chủ động, tiên phong, quyết liệt, phát huy tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình quản trị làm cơ sở cho quá trình tái cấu trúc để phát triển thành một Đại học nghiên cứu đa lĩnh vực, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động, như phương châm của nhiệm kỳ Đảng bộ 2020-2025 đã đề ra: “ĐOÀN KẾT - ĐỔI MỚI - ĐỘT PHÁ”.

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây