Bách khoa Hà Nội trao tặng cáng cách ly cho hai bệnh viện lớn

Thứ tư - 14/10/2020 17:01

“Điều nghịch lý nhất với một nhà nghiên cứu khoa học là tạo ra sản phẩm nhưng không muốn ai phải sử dụng nó," PGS. Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học, Bách khoa Hà Nội, chủ nhiệm dự án cáng cách ly chia sẻ.

 

Chiếc băng ca chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm BK-IC 4.0 được trao tặng ngày 14/10. Ảnh: Trần Trang

 

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vừa trao tặng hai chiếc băng ca áp lực âm BK-IC 4.0 cho bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và bệnh viện Bạch Mai vào sáng ngày 14/10. Sản phẩm này được PGS. Phan Trung Nghĩa, Viện Kỹ thuật Hóa học thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, lên ý tưởng và cùng các sinh viên tiến hành lắp ráp và hoàn thiện chỉ trong vòng ba tháng với mục đích vận chuyển các bệnh lây nhiễm nói chung và bệnh nhân của dịch Covid-19 nói riêng. 

 

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trao tặng cáng cách ly áp lực âm cho bệnh viện Nhiệt đới Trung ương ngày 14/10. Từ trái qua phải: PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính, Ông Jean-Marc Lavest, Ông Nguyễn Trung Cấp Ảnh: Trần Trang

 

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trao tặng cáng cách ly áp lực âm cho bệnh viện Bạch Mai ngày 14/10. Ảnh: Trần Trang

 

PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu: “Với tư cách là một trường Đại học tiên phong về khoa học và kỹ thuật của đất nước, Nhà trường xác định một trong bốn trọng tâm nghiên cứu là Khoa học và Công nghệ Sức khỏe. Trong thời gian phòng chống dịch bệnh COVID-19, các cán bộ Bách khoa Hà Nội đã có nhiều nghiên cứu phục vụ cho công tác này. Nhờ có sự nỗ lực to lớn của tất cả các cán bộ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong một thời gian ngắn, Trường đã nộp thành công 7 đề tài nghiên cứu cho Chương trình kêu gọi sáng kiến nghiên cứu liên quan đến COVID-19 của AUF.”

 

PGS.TS. Huỳnh Đăng Chính, Phó hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại buổi Lễ trao tặng ngày 14/10. Ảnh: Trần Trang

 

Băng ca chuyên dụng vận chuyển bệnh nhân áp lực âm là một trong 4 sáng kiến của Việt Nam đã vượt qua gần 2.000 dự án từ 79 quốc gia để nhận được tài trợ của quỹ ứng phó COVID-19 thuộc tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) trị giá 1 triệu USD. Nhóm dự án đặt mục tiêu làm ra một sản phẩm thiết thực từ những vật liệu đơn giản, giá thành rẻ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, dễ sử dụng, phù hợp với người Việt Nam và có khả năng tái sử dụng.

 

Mô phỏng bệnh nhân nằm trong cáng cách ly áp lực âm. Ảnh: Trần Trang

 

Chia sẻ về nguyên lý vận hành của sản phẩm sáng tạo này, PGS. TS. Phan Trung Nghĩa giải thích: “Bệnh viện tập trung rất nhiều người bệnh và luôn là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Virus với kích thước rất nhỏ phần lớn nằm trên các giọt dịch bay lơ lửng trong không khí nên nguy cơ lây nhiễm chéo của các cán bộ y tế là rất cao. Với chiếc cáng áp lực âm, tất cả không khí phải đi qua màng lọc hiệu suất cao mới ra ngoài được. Nói cách khác, chiếc băng ca đặc biệt này tạo ra một chiếc “mặt nạ” ngăn giữa không gian nhiễm khuẩn nơi bệnh nhân nằm với không gian bên ngoài. Vì vậy không khí quanh cáng vận chuyển bệnh nhân hoàn toàn là không khí sạch. Cáng cũng được thiết kế khéo léo nhằm đem lại cho bệnh nhân cảm giác dễ chịu, thoải mái. Để có thể cho ra đời được một sản phẩm hoàn thiện trong thời gian gấp rút 3 tháng, nhóm nghiên cứu đã nhận được rất nhiều tư vấn về chuyên môn từ các bác sỹ thuộc bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Viện Trang thiết bị và Công trình Y tế thuộc Bộ Y tế.”

 

PGS. TS. Phan Trung Nghĩa, Chủ nhiệm dự án cáng cách ly phát biểu tại buổi Lễ trao tặng ngày 14/10. Ảnh: Trần Trang

 

Nhận được món quà ý nghĩa đúng lúc dịch bệnh hoành hành, ông Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương trân trọng phát biểu: “Không chỉ có chiếc cáng cách ly này, mà cả bộ trang bị phòng hộ cá nhân cũng là một thiết bị mà chúng tôi mơ ước từ lâu. Chúng tôi đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn, mất nhiều tiếng đồng hồ sát cánh cùng bệnh nhân để điều trị, cũng như phải đi hỗ trợ để giải cứu công dân Việt Nam bị nhiễm Covid-19 ở nước ngoài về trong chuyến bay rất chật hẹp suốt mười mấy tiếng. Chính vì vậy, những thiết bị như thế này đảm bảo được an toàn cho chúng tôi, giúp chúng tôi giữ vững được nguồn nhân lực, đảm bảo đội ngũ y bác sĩ không vướng vào dịch bệnh trong giai đoạn tới.”

 

Ông Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương phát biểu tại buổi Lễ trao tặng ngày 14/10. Ảnh: Trần Trang

 

Tiếp đón cán bộ trường Đại học Bách khoa Hà Nội và đại diện AUF khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, ông Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, xúc động: “Khi dịch bùng lên từ bệnh viên bạch Mai, viện đã đóng cửa trong vòng 3 tuần, tuy nhiên, khoa Cấp cứu vẫn luôn làm việc, là lá chắn sống cho cả bệnh viện để phòng tránh dịch Covid-19. Khi ấy, các thầy cô giáo trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã sản xuất và tặng cho chúng tôi những chiếc mũ, hộp để bảo vệ chúng tôi trong quá trình điều trị cho bệnh nhân. Ngày hôm nay, tôi rất ấn tượng với chiếc băng ca này, tôi mong sản phẩm này sớm được đưa ra thị trường để phục vụ cộng đồng.”

 

Ông Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai phát biểu tại buổi Lễ trao tặng ngày 14/10. Ảnh: Trần Trang

 

Ông Jean-Marc Lavest, Giám đốc AUF khu vực Châu Á, Thái Bình Dương cũng bị thuyết phục bởi chiếc băng ca áp lực âm. Ông nhận định: “Tại nhiều quốc gia, vai trò của trường đại học chưa được đánh giá đúng mức. Với nhiệm vụ thúc đẩy các sáng kiến nghiên cứu và đổi mới của các trường đại học, chúng tôi cho rằng Đại học thực sự là động lực phát triển của xã hội, có thể tham gia cung cấp giải pháp cho các thách thức toàn cầu. Đóng góp thiết thực của những dự án được chúng tôi lựa chọn tài trợ trong khuôn khổ quỹ ứng phó COVID-19 là minh chứng sống động cho vai trò của khối Đại học trong sự phát triển toàn cầu.”

 

Ông Jean-Marc Lavest, Giám đốc AUF khu vực Châu Á, Thái Bình Dương phát biểu tại buổi Lễ trao tặng ngày 14/10. Ảnh: Trần Trang

 

Chủ nhiệm dự án cáng cách ly áp lực âm, PGS. TS. Phan Trung Nghĩa chia sẻ: “Thực tình, dù các thành viên nhóm nghiên cứu đã nhiều lần nằm hàng giờ trong chiếc Băng ca đặc biệt này khi nghiên cứu và chế tạo nhưng lại không hề mong muốn có nhiều người phải sử dựng sản phẩm này trong tương lai ngay cả khi sẽ là mặt hàng dự trự nhà nước. Đây có lẽ là điều nghịch lý nhất với một nhà nghiên cứu khi tạo ra sản phẩm hữu ích với nhiều ứng dụng của công nghệ 4.0 cho sản phẩm và phù hợp với môi trường, khí hậu và con người Việt Nam nhưng lại không muốn ai phải sử dụng. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi luôn mong thế giới bình an, Việt Nam an bình.”
 

Trần Trang

 

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây