Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực hóa học giữa Việt Nam và CHLB Đức

Thứ tư - 19/09/2018 21:39

Từ ngày 17/09 đến 21/09/2018, tại Trung tâm Việt Đức, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Đại học Rostock và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội tổ chức Hội thảo “Catalysis toward sustainable chemical industry” – “Xúc tác – con đường dẫn tới công nghiệp hóa học bền vững” trong khuôn khổ dự án RoHan DAAD SDG.

Hội thảo có sự hiện diện của PGS Lê Minh Thắng – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHBK Hà Nội, GS Udo Kragl - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Rostock; ông Stefan Hase Bergen – Giám đốc DAAD khu vực Nam Á, PGS Nguyễn Văn Nội – Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội và các cán bộ, học viên thạc sỹ, nghiên cứu sinh của các trường đối tác đã tham gia trao đổi nghiên cứu trong khuôn khổ chương trình RoHan.


PGS Lê Minh Thắng phát biểu tại Hội thảo

Dự án RoHan (Rostock – Hà Nội) là một chương trình mới của Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) do Bộ hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, về việc triển khai thực hiện chương trình SDG. Trường ĐH tổng hợp Rostock, Viện nghiên cứu xúc tác Leibniz, Trường ĐHBK Hà Nội, Trường ĐH KHTN – ĐHQG Hà Nội sẽ cùng hợp tác để thực hiện chương trình SDG từ năm 2016 đến 2020. Mục đích của dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển và thiết lập công nghệ và quy trình xúc tác thông qua đào tạo các nhà khoa học Việt Nam trình độ cao có khả năng đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo trong ngành công nghiệp và giáo dục. Tập trung vào đào tạo chất lượng cao và thúc đẩy cơ hội học tập suốt đời, cũng như tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ có quyền tác động mạnh mẽ nhằm đạt được các thành tựu trong mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Phát biểu khai mạc, PGS Lê Minh Thắng nhấn mạnh: “Lần thứ hai được tổ chức tại Trường ĐHBK Hà Nội, Hội thảo lần này là cơ hội để các cựu sinh viên RoHan gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt cho thấy kết quả tốt đẹp đạt được từ sự hợp tác giữa Trường ĐHBK Hà Nội và các trường ĐH của CHLB Đức trong khuôn khổ chương trình RoHan. Hội thảo cũng tạo cơ hội cho các nhà khoa học có thể tăng cường và thiết lập quan hệ hợp tác mới; đồng thời chia sẻ những kết quả nghiên cứu với các nhà khoa học đến từ các viện nghiên cứu, tập đoàn lớn tại Việt Nam và quốc tế như Trường ĐH Công nghệ Nanyang, Viện dầu khí Việt Nam...

Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung chia sẻ những kết quả nghiên cứu tập trung vào 7 chủ đề chính trong lĩnh vực hóa học gồm: xúc tác bền vững, đặc tính xúc tác, quang xúc tác, xúc tác công nghiệp, xúc  tác trong chất thải sinh học, xúc tác oxy hóa khử, xử lý không khí... Trong đó, nhiều kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn được trình bày bởi nhà khoa học có uy tín trên thế giới. 


Cũng trong khuôn khổ chương trình RoHan DAAD SDG, 18 sinh viên Hóa dầu K59 Viện Kỹ thuật hóa học đã xuất sắc hoàn thành khóa học ngắn hạn về “xúc tác đồng thể”  được nhận chứng chỉ của RoHan. Đây là khóa học ngắn hạn do TS Esteban Mejia và TS Jola Pospech - Viện LIKAT, ĐH Rostock, Đức giảng dạy bằng tiếng Anh.

Hội thảo đã tạo cơ hội cho các nhà khoa học, chuyên gia không chỉ giao lưu trao đổi học thuật, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, xu hướng đổi mới trong lĩnh vực hóa học đang diễn ra trên quy mô cầu mà còn thúc đẩy mạng lưới hợp tác nghiên cứu giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu nhằm phục vụ sự phát triển KH&CN của Việt Nam hiện nay./

Một số kết quả của Chương trình RoHan DAAD SDG

Sau hai năm triển khai, chương trình RoHan hợp tác giữa Trường ĐHBK Hà Nội và các trường ĐH của CHLB Đức đã phát triển nhanh chóng và đạt được những kết quả tốt dẹp, giúp sinh viên và nhà khoa học Việt Nam tiếp cận các tri thức khoa học trong lĩnh vực hóa học, góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị Việt – Đức. Đến nay đã có 40 nhà khoa học và sinh viên trao đổi giữa các viện nghiên cứu đối tác, trao đổi 25 nhà khoa học và sinh viên từ Trường ĐHBK Hà Nội tới Trường ĐH tổng hợp Rostock, 3 sinh viên từ các nước Malaysia, In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ đến làm việc tại Phòng thí nghiệm Rohan được đặt tại Trường ĐHBK Hà Nội. Chương trình đã thiết lập thành công một phòng thí nghiệm tại Trường ĐHBK Hà Nội với trang thiêt bị và cơ sở vật chất hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho các sinh viên đến thực hành và nghiên cứu. Đây là phòng thí nghiệm có thiết bị EPR đầu tiên tại Việt Nam và có thể chia sẻ kết quả thử nghiệm với các nghiên cứu hợp tác tại Rostock.

Hoàng Anh

Tác giả: Trần Ngọc Nam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây