Triết lý “một Bách khoa”: Sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng Bách khoa Hà Nội

Chủ nhật - 06/02/2022 19:10

 

Dịp kỷ niệm 65 năm phát triển và sự kiện thành lập 3 trường thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, lãnh đạo Nhà trường luôn nhấn mạnh triết lý “một Bách khoa”. Để hiểu thêm về quá trình hình thành, việc đảm bảo thực hiện và những ý nghĩa ẩn sâu sau triết lý “một Bách khoa”, Đặc san Bách khoa đã có cuộc trò chuyện cùng PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Những giá trị được bao thế hệ Người Bách khoa bồi đắp, vun xới 

Thưa thầy, triết lý “một Bách khoa” được hình thành như thế nào? 

Trong suốt 65 năm phát triển, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự tin tưởng đặc biệt của xã hội cũng như sự giúp đỡ chân tình quý báu của các đơn vị đối tác, bạn bè thân thiết trong và ngoài nước, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tự hào đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh để trở thành một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm khoa học – công nghệ hàng đầu của đất nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà trường luôn kiên định giữ vững chất lượng đào tạo, giữ vững những giá trị truyền thống tốt đẹp đã làm nên thương hiệu Bách khoa Hà Nội.  

Điều gì đã làm nên sự khác biệt của Đại học Bách khoa Hà Nội? Chúng ta có thể tự hào trả lời rằng đó là con người Bách khoa, là các thế hệ nguyên giảng viên, cựu sinh viên, giảng viên và sinh viên ngày nay của Bách khoa Hà Nội. Phẩm chất của Người Bách khoa luôn mộc mạc, giản dị, chân thành, luôn làm việc với sự tôn trọng cá nhân, với sự đoàn kết, với tinh thần tận tâm, tận lực, đổi mới, khát vọng sáng tạo và đột phá chính là những giá trị cốt lõi đã giúp Nhà trường phát triển bền vững.  

Triết lý “một Bách khoa” được hình thành từ truyền thống tốt đẹp, từ những thế hệ Người Bách khoa, từ những giá trị cốt lõi và văn hoá Bách khoa luôn được thế hệ Người Bách khoa hiện tại vun đắp, xây dựng và phát triển. 

Hội Sinh viên Trường chúc mừng các thầy, cô nhân ngày 20/11

Chân dung các đại sứ cho thương hiệu “Bách khoa”, “chất Bách khoa” và triết lý “một Bách khoa” 

– Triết lý “một Bách khoa” chắc chắn được quán triệt trong đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Vậy với đối tượng sinh viên thì sao, thưa thầy? Làm thế nào để sinh viên cũng thấm nhuần triết lý này? 

Tôi rất ấn  tượng với hai câu nói, một là của một bạn tân kỹ sư phát biểu trong lễ nhận bằng tốt nghiệp sau 5 năm học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “5 năm là sinh viên Bách khoa, một đời là Người Bách khoa” và câu thứ hai là của Thầy Thái thanh Sơn, người thầy giảng dạy từ khóa 0 (năm 1956) và là người thầy của nhiều thế hệ sinh viên Bách khoa: “Mai đây đi trọn đường đời, hồn tôi vẫn mãi là Người Bách khoa“.  

Với sinh viên Bách khoa, việc giáo dục truyền thống của nhà trường, giáo dục những giá trị cốt lõi, giáo dục văn hóa Bách khoa để các em hoàn thiện nhân cách là rất quan trọng. Những môn học qua trải nghiệm, những hình thức ngoại khóa, những hoạt động Đoàn/Hội thiết thực sẽ hình thành “chất Bách khoa” trong các em: Mộc mạc, giản dị, chân thành, làm việc với sự tôn trọng cá nhân, với sự đoàn kết, với tinh thần tận tâm, tận lực, đổi mới, khát vọng sáng tạo và đột phá. 

Quan điểm “Một Bách khoa” thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn Đại học Bách khoa Hà Nội. Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất trong toàn Đại học Bách khoa Hà Nội với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định.  

Phương thức tuyển sinh đầu vào cũng được áp dụng thống nhất trong toàn Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự cân đối và phù hợp về quy mô và năng lực đào tạo các ngành, lĩnh vực chuyên môn. Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Khi tốt nghiệp, đi làm việc ở các nơi, các em sẽ chính là đại sứ cho thương hiệu “Bách khoa”, cho “chất Bách khoa” và triết lý “một Bách khoa”. 


                                                                                              Các thế hệ cán bộ, sinh viên dự Lễ Kỷ niệm 65 năm thành lập Trường

Hình dung mô hình tổ chức quản trị đảm bảo triết lý “một Bách khoa” 

– Có lo lắng rằng nếu các trường phát triển thì e lại khó liên kết với nhau, tài chính mạnh ai nấy lo và sử dụng, tuyển sinh sẽ cạnh tranh nhau.Vậy lúc đó, làm thế nào để đảm bảo được triết lý “một Bách khoa”, thưa thầy? 

Mô hình tổ chức quản trị, phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đảm bảo mô hình quản trị tiên tiến, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, phát huy tối đa các thế mạnh và hiệu quả quyền tự chủ, đảm bảo trách nhiệm giải trình với các bên liên quan, theo phương châm “Nhà trường làm nền tảng – Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển – Người học làm trung tâm”. Nhà trường sẽ áp dụng quản trị theo chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) kết hợp mục tiêu và kết quả then chốt (OKR), đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, giảng viên phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả công tác, năng động, sáng tạo.  

Mỗi trường trong Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ được phân cấp tự chủ cao hơn trong tổ chức hoạt động. Việc hình thành các trường dựa trên quy hoạch phát triển các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững, đáp ứng phát triển của khoa học công nghệ thế giới, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ nước nhà, gắn kết chặt chẽ với thực tiễn.  

Mỗi trường sẽ có trách nhiệm đảm bảo tái cấu trúc và phát triển các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu: Xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm đào tạo đảm bảo tính tinh gọn hiệu quả; xây dựng hệ thống các phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu theo các lĩnh vực quy hoạch, thúc đẩy các nghiên cứu liên ngành/liên lĩnh vực, theo sát các chủ trương và chính sách về KHCN của Nhà nước, theo sát nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp. Mỗi trường có trách nhiệm thúc đẩy tính tự chủ, tích cực, chủ động của các trường và đóng vai trò quan trọng hơn trong phát triển kinh tế – xã hội.  

Hệ thống tài chính được hoàn thiện thông qua cơ chế lập kế hoạch tài chính, giám sát tài chính, kiểm toán nội bộ và kiểm toán độc lập. Nhà trường thực hiện tập trung thống nhất nguồn lực tài chính, phân bổ theo cơ chế thống nhất, có xác định ưu tiên cho các chương trình mục tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng các quỹ. Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện phân cấp cho các đơn vị thuộc Trường quyền chủ động sử dụng nguồn kinh phí được giao hiệu quả, đúng mục đích, đúng quy định  để đảm bảo hệ thống quản lý thu chi minh bạch, hiệu quả và đúng pháp luật.  

                                                                                Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội

Trong tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng và cẩn trọng từ năm học 2019 – 2020 để áp dụng cho giai đoạn 2021 – 2025. Các phương thức tuyển sinh chính sẽ là: (i) Xét tuyển theo hồ sơ năng lực; (ii) Xét tuyển theo kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy; (iii) Xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm về cơ bản được điều chỉnh tăng nhẹ, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một số ngành đào tạo mới sẽ được mở, dựa trên kết quả quy hoạch lĩnh vực đào tạo của các trường mới thành lập.  

Nhà trường đã nghiên cứu và chọn lọc những mô hình quản trị giáo dục đại học tiên tiến của thế giới và bài học các mô hình đại học ở Việt Nam để xây dựng mô hình phù hợp cho Đại học Bách khoa Hà Nội. Trường thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội Hà Nội vẫn đảm bảo cơ chế tự chủ, được phân cấp trách nhiệm để hoạt động hiệu quả. 

 Trong giai đoạn 2021-2025, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển với mô hình tổ chức quản trị đảm bảo triết lý “một Bách khoa”, với phương châm trở thành một đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo với mô hình quản trị tiên tiến, cơ cấu tổ chức tinh gọn, tạo động lực cho đổi mới và phát triển.  

Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi! 

Tại sao không phải là nguyên tắc, quy định về “một Bách khoa” mà lại là triết lý? 

“Triết lý thể hiện tư tưởng của con người, được đúc kết từ thực tiễn của cuộc sống. Triết lý “một Bách khoa” cũng vậy, hình thành từ thực tế phát triển Nhà trường, là động lực phát triển của “người Bách khoa” một cách hết sức tự nhiên và thể hiện quan điểm xuyên suốt phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội.  

Nguyên tắc, hay quy định ít hay nhiều có mang tính áp đặt, mà triết lý “một Bách khoa” thì không. Như vậy, triết lý “một Bách khoa” tự nhiên ngấm vào mỗi con người Bách khoa, thể hiện một “chất Bách khoa”. – PGS. Huỳnh Quyết Thắng 

Gia Hân (thực hiện). Ảnh: Kim Chi – Duy Thành. Nguồn: Hust

Tác giả: Nguyễn Kim Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây