Mạng lưới cựu sinh viên: Nhịp cầu gắn kết Nhà trường và Doanh nghiệp

Thứ ba - 15/02/2022 19:44

Một bài thơ rất hay về tình cảm thầy – trò – mái trường có câu kết: “Ơn trời biển khắc vào tim ghi nhớ/Hẹn ngày gần… em trở lại.. Thầy ơi!”. Câu thơ chứa đựng nhiều tình cảm sâu sắc và lời hứa sẽ tìm cơ hội kết nối lại của những cô cậu học trò dành tặng nơi mình đã từng gắn bó. Đúng như những gì mà các cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – những người đã đến và đi, rồi thành đạt, quay trở lại góp sức mình cho sự phát triển của Bách khoa Hà Nội. 

HABECO – Bách khoa Hà Nội: Hợp tác toàn diện, lâu dài 

Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (HABECO) là một trong những đối tác doanh nghiệp quan trọng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện nay, hơn 100 cán bộ tại HABECO là cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội. Họ là những kết nối tích cực cho các hoạt động đào tạo, thực tập, … của sinh viên, giảng viên Bách khoa Hà Nội và HABECO. 

Ngay từ năm 2016, Tổng Công ty HABECO và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký văn bản hợp tác trong hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. 

Năm 2018, HABECO đã tài trợ xây dựng Phòng thí nghiệm Phân tích chất lượng thực phẩm đặt tại Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm. Hai bên đã thường xuyên triển khai các khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ và chất lượng bia; xây dựng các đề tài, dự án nghiên cứu phát triển sản phẩm nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm bia. 

Năm 2021, nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, HABECO là nhà tài trợ Kim cương với mức tài trợ trị giá hơn 2 tỷ đồng nhằm nâng cấp sảnh Toà nhà B1; gói thiết bị phân tích nâng cấp Phòng thí nghiệm phân tích chất lượng thực phẩm thuộc Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm và hiện vật cho Nhà trường. 

Lãnh đạo hai đơn vị đều bày tỏ mong muốn đồng hành phát triển nghiên cứu khoa học, làm ra những sản phẩm mới, đưa mối quan hệ giữa hai bên lên tầm cao mới. 

Quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và HABECO “thân càng thêm thân” khi ông Ngô Quế Lâm – Tổng giám đốc HABECO – là thành viên Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm 2020 – 2025 và PGS. Quản Lê Hà – Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – là thành viên Hội đồng Quản trị HABECO. 

Chất Bách khoa trong lòng FPT 

Các cựu sinh viên Bách Khoa Hà Nội đã đóng góp phần lớn cho sự phát triển hơn 30 năm qua của FPT, đưa FPT từ một công ty nhỏ, chỉ với 13 người thành một tập đoàn lớn mạnh hơn 37.000 nhân sự. Chất Bách khoa trong FPT rất đậm đặc. Hơn 30% lãnh đạo chủ chốt của 8 công ty thành viên thuộc Tập đoàn FPT có xuất thân là sinh viên Bách khoa Hà Nội. 

FPT là Tập đoàn tiên phong thành lập Ban liên lạc Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội tại doanh nghiệp, với mục đích thắt chặt tình đoàn kết giữa các cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội tại FPT. 

Với sự góp sức, đoàn kết của mạng lưới Người Bách khoa, FPT kỳ vọng thời gian tới sẽ đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới. Hợp tác toàn diện giữa FPT và Bách khoa Hà Nội là dấu mốc cho sự phát triển mạnh mẽ giữa một trường đại học hàng đầu Việt Nam và một tập đoàn dẫn đầu về công nghệ thông tin. 

PVN – Bách khoa Hà Nội: Thỏa thuận hợp tác chiến lược 

Mối quan hệ giữa Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vô cùng khăng khít. Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN, cựu sinh viên Viện Kỹ thuật Hoá học, nguyên thành viên Hội đồng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Số lượng cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm việc tại Tập đoàn rất đông đảo, nhiều người hiện đang giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong tập đoàn và các đơn vị trực thuộc. 

Lãnh đạo Tập đoàn PVN luôn trăn trở việc hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội có điều kiện tốt hơn để đào tạo, nghiên cứu. Đồng thời, Tập đoàn cũng bày tỏ mong muốn về việc kết nối mạng lưới các cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội tại PVN; kéo gần khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn, đào tạo để sinh viên có tính thực hành, không bị bó buộc bởi một chuyên ngành hẹp… 

Năm 2020, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tài trợ 5,33 tỉ đồng cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đầu tư trang bị cơ sở vật chất các phòng thí nghiệm công nghệ Hàn, mô phỏng kinh doanh và in sách giáo trình. Năm 2021, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí tài trợ 1 tỉ đồng nâng cấp phòng thí nghiệm Quá trình – Thiết bị CN Hóa học, PV GAS tiếp tục tài trợ 800 triệu đồng cho Quỹ học bổng Trần Đại Nghĩa. 

Trong thời gian tới, PVN sẽ phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai ký lại bản Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Trường; Hợp tác trong việc hỗ trợ sinh viên thực tập, tài trợ học bổng, đưa sinh viên đến các cơ sở dầu khí để trải nghiệm thực tiễn; Các lãnh đạo Tập đoàn và đơn vị thành viên sẵn sàng tham gia thuyết trình, hướng dẫn, trao đổi với sinh viên và các thầy cô Bách khoa Hà Nội. 

Mốc son trong lịch sử phát triển của Viettel và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội 

Tại Viettel, cứ 4 lãnh đạo chủ chốt lại có 1 người là cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội. Hiện nay, hơn 3000 cán bộ, nhân viên là cựu sinh viên Nhà trường. 

Đại tá Tào Đức Thắng, cựu sinh viên K35 Trường Điện – Điện tử, là tân Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội. Ông chia sẻ: “Tôi rất tự hào khi đang làm việc tại một tập đoàn viễn thông quân đội lớn nhất Việt Nam, càng tự hào hơn là một cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội”. 

Viettel luôn hỗ trợ tích cực những sinh viên Bách khoa Hà Nội thực tập, tuyển dụng tại Tập đoàn. Năm 2021, hai đơn vị đã triển khai Chương trình Sinh viên tài năng (Viettel Digital Talent Program) cho 23 sinh viên giỏi của Trường. Chương trình này được thiết kế bởi những chuyên gia hàng đầu của Viettel trong các lĩnh vực An toàn thông tin, Khoa học dữ liệu & Trí tuệ nhân tạo, mang lại nhiều kiến thức và trải nghiệm thực tế cho sinh viên. 

Viettel sẵn sàng hỗ trợ Nhà trường thực hiện chuyển đổi số, xây dựng phòng thí nghiệm chung… Bên cạnh đó, hai bên hứa hẹn sẽ cùng hợp tác trong nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Điện tử – Viễn thông, Công nghệ thông tin, Năng lượng, Vật liệu để có thể giải quyết những nhiệm vụ khoa học lớn, có quy mô và tầm vóc, giải quyết những bài toán thiết thực của thực tế. 

Nguồn: Hust

 

Tác giả: Nguyễn Kim Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây