Nhóm 7 trường kỹ thuật hàng đầu hợp tác trong kiểm định quốc tế

Thứ hai - 19/12/2022 04:17
Nhóm 7 trường kỹ thuật hàng đầu hợp tác trong kiểm định quốc tế
7 trường đại học khối kỹ thuật (nhóm G7) vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết hoạt động hợp tác giai đoạn 2021 – 2022, xây dựng định hướng hoạt động năm 2023 đồng thời ký kết hợp tác trong lĩnh vực kiểm định quốc tế đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ngày 16/12 tại TP Đà Lạt, nhóm G7 gồm 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã ký kết hợp tác trong lĩnh vực quốc tế hóa giáo dục với nội dung kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng quốc tế. Đây là lần thứ năm, 7 trường đại học gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Bách khoa - ĐHQG TP. HCM, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, Trường đại học Xây dựng Hà Nội, Trường đại học Giao thông vận tải, Trường đại học Thủy lợi và Trường đại học Mỏ - Địa chất ký kết hợp tác.

Hiệu trưởng 7 Trường trong nhóm đã cùng ký biên bản ghi nhớ hợp tác về hoạt động kiểm định và đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế trước sự chứng kiến của Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học và các thành viên tham gia Hội nghị.

Hoạt động hợp tác gồm: Tổ chức tự đánh giá, kiểm định, đánh giá ngoài; Văn bản, tài liệu phục vụ hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong; Cung cấp nguồn lực triển khai công tác bảo đảm chất lượng, nâng cao chất lượng đào tạo; Triển khai các quy trình bảo đảm chất lượng đào tạo; Chuyển đổi số trong bảo đảm chất lượng và kiểm định; Công tác đo lường, đánh giá và dự báo, cải tiến.
 
DSC8338
PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu tại buổi Lễ Ký kết ngày 16/12
PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong đo lường và kiểm định. Hiện nay, Bách khoa Hà Nội có 175 quy trình khác nhau và đang chuẩn hóa việc chuyển đổi số để đảm bảo chất lượng nội bộ. Theo ông, Bách khoa Hà Nội sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm của Trường trong quy trình quản trị đại học cùng chuyển đổi số, như ứng dụng eHUST, phiên bản Kỳ thi tư duy mới, nền tảng học liệu số - bài giảng điện tử...

Hội nghị cũng trình bày báo cáo về những kết quả tốt đẹp đạt được thông qua hợp tác giữa các Trường trong các lĩnh vực Đào tạo các chương trình kỹ sư, Truyền thông – Tuyển sinh, Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo và các hoạt động khác trong 2 năm qua.

Đối với hoạt động đào tạo, nhóm G7 đã xây dựng các chương trình đào tạo theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn chương trình tương đương với trình độ ThS và đạt bậc 7 theo khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Chương trình tích hợp Cử nhân – Kỹ sư chuyên sâu đặc thù có khối lượng 180 tín chỉ, được xây dựng dựa trên kế thừa những ưu điểm của chương trình kỹ sư truyền thống và nâng cao chất lượng để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Tháng 8 vừa qua, ba trường Bách khoa cũng vừa ký kết để thúc đẩy trao đổi sinh viên học tập, nghiên cứu trong khối ba trường với tối đa 15 tín chỉ.

Trong lĩnh vực truyền thông và tư vấn tuyển sinh, các trường lập trang Facebook 7 trường để cùng nhau phối hợp tuyên truyền về các hoạt động chung của Nhóm, đặc biệt là các hoạt động tuyển sinh và thay đổi về phương thức tuyển sinh riêng của mỗi đơn vị qua các năm.

Về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, các trường trong nhóm thường xuyên duy trì hoạt động kết nối chuyên gia, trao đổi chuyên môn, cùng tham gia các hội thảo, hội nghị khoa học có chuyên môn liên quan, duy trì website CLB các trường kỹ thuật với nòng cốt là 7 trường. Các trường thống nhất cùng phối hợp để ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản trị, giảng dạy, nghiên cứu.

Bên cạnh đó, nhóm các trường luôn thường xuyên trao đổi thông tin về các hoạt động như tuyển sinh, kiểm định chất lượng, hợp tác quốc tế và doanh nghiệp.
 
DSC8235
Lễ ký kết giữa 7 trường đại học kỹ thuật về hoạt động kiểm định và đảm bảo chất lượng tại Đà Lạt, ngày 16/12
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học nhấn mạnh, nhóm G7 là nhóm gồm những trường đại học tiêu biểu, vì vậy cần lan tỏa nhiều hơn những giá trị mà G7 đang hướng tới, đặc biệt là những kinh nghiệm trong việc kiểm định để mang lại giá trị cộng hưởng.

Có thể nói, quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế tất yếu, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay. Với quá trình này, ngành giáo dục Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc bởi việc tham gia kiểm định mang lại rất nhiều lợi ích cho cả phụ huynh, sinh viên và các trường đại học.

Hợp tác giữa 7 trường trong nhóm sẽ giúp chia sẻ nguồn lực về kiểm định quốc tế và bảo đảm chất lượng đáp ứng yêu cầu đào tạo tạo nhân lực chất lượng quốc tế với các trường kỹ thuật, góp phần đào tạo ra những thế hệ công dân toàn cầu đồng thời nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây