Ngày hội khoa học và công nghệ năm 2019:” Năng lượng hạt nhân cho cuộc sống tươi đẹp hơn” tại Đại học Bách Khoa Hà Nội

Thứ sáu - 11/10/2019 14:41

Nhân dịp kỷ niệm 63 năm ngày thành lập trường Đại học Bách Khoa Hà Nội 15/10/1956 – 15/10/2019, trong ba ngày từ 11 đến 13/10/2019, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (Trung tâm Thông tin Năng lượng nguyên tử - ICONE) đã phối hợp với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) tổ chức thành công ngày hội KH&CN với chủ đề “Năng lượng hạt nhân cho cuộc sống tươi đẹp hơn”. Ngày hội đã thu hút hàng ngàn người tham dự từ học sinh phổ thông trung học, sinh viên đại học,  chuyên gia, giảng viên các trường Đại học trong và ngoài nước và các viện nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Tham dự Lễ khai mạc có ông Vadime V. Bublikov – Tham tán công sứ, Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam, Bà Natalia V. Shafinskaya, bí thư thứ nhất Đại sứ quán CHLB Nga kiêm giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Việt Nam, TS. Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN (VINATOM), GS. Đinh Văn Phong, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng đại diện các đơn vị thuộc Trường, Viện NLNTVN, Đại sứ quán CHLB Nga tại Việt Nam. Ngày hội cũng được đông đảo nhà báo từ các đơn vị báo, chí, truyền hình đến đưa tin.

Phát biểu tại phiên khai mạc và khi trả lời truyền hình, GS. Đinh Văn Phong cho biết: Năng lượng nguyên tử không những được ứng dụng cho mục đích phát điện mà còn được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống vì mục đích hòa bình như trong y tế, trong nông nghiệp, công nghiệp... Mục đích tổ chức sự kiện này cũng như hoạt động của Trung tâm TTNLNT là giới thiệu và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp tới sinh viên và đặc biệt học sinh phổ thông, giới thiệu các hoạt động đào tạo và nghiên cứu về ứng dụng phi năng lượng của công nghệ hạt nhân, về phát triển năng lượng bền vững, về môi trường và biến đổi khí hậu.

Ngày KH&CN năm nay bao gồm chuỗi bài giảng, tọa đàm về các ứng dụng rộng rãi  của công nghệ hạt nhân trong đời sống, như “Ứng dụng phi năng lượng của Công nghệ hạt nhân” do TS Alla Udalova,  Trường đại học Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga (MEPHI) trình bày; “Năng lượng hạt nhân – một nguồn năng lượng sạch” của TS Olga Momot tại MEPHI, “Chương trình giáo dục và hoạt động nghiên cứu về kỹ thuật hạt nhân tại Việt Nam” do  TS. Nguyễn Văn Thái, Viện VLKT trình bày và “Biến đổi khí hậu: tin thật và tin giả” do TS Yulia Kuznetsova, Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow giảng. Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra buổi triển lãm ảnh và chiếu phim Wild Edens – dự án nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, sự nóng lên toàn cầu, biến đổi khí hậu và mối đe dọa của biến đổi khí hậu gây ra cho hệ sinh thái trên toàn thế giới.

Ngoài ra, học sinh, sinh viên còn được trải nghiệm các hoạt động hướng nghiệp bổ ích và những trò chơi tìm hiểu kiến thức khoa học, công nghệ như “Du hành qua thời gian” giải đố về các mốc thời gian của các phát minh khoa học quan trọng, “Chơi cờ nguyên tử “- câu hỏi về NLNT và cờ vây; “Mũi tên phonton – khám phá ứng dụng công nghệ hạt nhân trong chữa bệnh; “Ném vòng” trả lời câu hỏi về tương tác hạt nhân.

Trong ngày chủ nhật, có gần 300 học sinh trường THPT Lương Văn Can, Hà Nội và trường PTTH Trần Hưng Đạo tham gia bài giảng và hoạt động hướng nghiệp bổ ích và những trò chơi khoa học lý thú. Học sinh đã được trải nghiệm đo phóng xạ, công nghệ in 3D, tham gia giải đố “Bức xạ - Tin thật, tin giả” hay chơi trò “giả thuyết hạt nhân” rất sôi nổi. Kết thúc ngày hội, các em học sinh đều muốn có dịp quay lại Trung tâm để trải nghiệm các hoạt động tương tự để tìm hiểu thông tin Khoa học, công nghệ nói chung và công nghệ hạt nhân nói riêng.

Sự kiện cũng góp phần thiết thực vào việc xây dựng và vun đắp mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và CHLB Nga, nhiều trường Đại học CHLB Nga mong muốn cơ hội hợp tác, xúc tiến trao đổi học thuật với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây