Bộ GD&ĐT giao Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức vòng sơ khảo Giải thưởng KH&CN dành cho sinh viên các trường đại học

Thứ ba - 23/11/2021 20:56

Sáng nay (24/11/2021), tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vòng sơ khảo Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học năm 2021 chính thức khai mạc theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. 

Năm 2021, Trường Đại học Bách khoa được Bộ GD&ĐT tin tưởng giao nhiệm vụ phối hợp với Đại học Nha Trang tổ chức vòng sơ khảo Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học. 

GS. Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Xét tặng giải thưởng - phát biểu tại buổi khai mạc

GS. Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Bộ GD&ĐT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Xét tặng giải thưởng - cho biết: Có tổng số 160 đề tài đáp ứng tính hợp lệ của hồ sơ Giải thưởng. Với sự hỗ trợ tích cực của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Nha Trang, Ban Chỉ đạo Giải thưởng đã chia thành 6 lĩnh vực với 9 Hội đồng khoa học được Bộ GD&ĐT thành lập ngày 16/11/2021 để đánh giá vòng sơ khảo.  

PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu tại buổi khai mạc

Phát biểu tại buổi khai mạc, PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – tự hào chia sẻ những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động khoa học công nghệ của sinh viên Bách khoa. Thời gian gần đây, các đề tài nghiên cứu của các em gần thêm với thực tế, gắn liền với những vấn đề thời sự xã hội, mang tính nhân văn cao; đồng thời chất lượng hoạt thuật cũng ngày một tốt hơn. 

Vượt qua 2 năm đại dịch, số công trình được triển khai trong năm học giữ mức ổn định trên 300 đề tài, với sự tham gia của khoảng 800 sinh viên, gần 400 giáo viên hướng dẫn. Trong đó, 60% đề tài được lựa chọn thuyết trình, 40% đề tài báo cáo poster. Tỷ lệ số đề tài tham dự có kết quả là bài báo đạt 15-20%, có kết quả là sản phẩm hữu hình đạt 30%. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cử 12 đề tài xuất sắc nhất trong số này tham dự Giải thưởng cấp Bộ. 

Nhóm BK Farmers - Đại học Bách khoa Hà Nội - cùng giảng viên hướng dẫn đạt giải Nhì Sáng tạo trẻ Bách khoa 2020

Song song với những hoạt động truyền thống, nhà trường tạo sân chơi mới Sáng tạo trẻ Bách khoa cho sinh viên phát huy học sâu, tương tác liên ngành thông qua sáng tạo sản phẩm phục vụ cuộc sống với khả năng khởi nghiệp.

Sau 4 năm triển khai và 2 năm mở rộng chào đón các ý tưởng sáng tạo từ các trường bạn khối kỹ thuật, Sáng tạo trẻ đã thu hút sinh viên từ các trường trong ba miền đất nước, từ các khối ngành kỹ thuật và xã hội nhân văn tham dự, trở thành sân chơi thú vị được các chuyên gia và sinh viên toàn quốc đánh giá cao. Các sản phẩm từ cuộc thi đã và đang tiếp tục được phát triển, ươm tạo bởi các đội ngũ chuyên gia để đưa sản phẩm tới xã hội. 

PGS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - làm Chủ tịch Hội đồng khoa học số 1

Tiếp nối những thành tựu đã đạt được, triển khai Thông tư về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đang nỗ lực xây dựng đề án mang tính chất đầu tư sâu cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo của sinh viên nhằm đổi mới và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và sáng tạo của sinh viên đạt hiệu quả hơn nữa, tạo điều kiện cho các nghiên cứu khoa học và sáng tạo phục vụ thực tiễn; đồng thời đưa các thành tựu khoa học Việt Nam gia nhập bản đồ khoa học thế giới thông qua các công bố chất lượng cao. 

12  ĐỀ TÀI SINH VIÊN BÁCH KHOA HÀ NỘI NCKH DỰ KHI CẤP BỘ 2021

1. Ứng dụng học sâu và tính toán di truyền trong dự đoán lưu lượng và mực nước trên một số sông ở Việt Nam;

2. Hình thức phát hiện tấn công đòi hỏi tính toán thấp sử dụng điện toán biên trong mạng IoT;

3. Xây dựng bộ thiết bị tương tác không dây và mô hình trò chơi 2D hỗ trợ phục hồi chức năng sớm chi trên cho trẻ bại não từ 2- 5 tuổi;

4. Xây dựng ứng dụng dự báo bức xạ mặt trời dựa trên phương pháp Deep Learning;

5. Các giải pháp cho mạch thu hoạch năng lượng từ sóng điện từ hiệu suất cao, phục vụ cho các cảm biến không dây tự chủ năng lượng;

6. Sử dụng giải thuật di truyền để lựa chọn thuộc tính và tối ưu siêu tham số cho mạng lstm bằng phương pháp Bayesian trong dự báo phụ tải ngắn hạn;

7. Đánh giá khả năng tương thích sinh học và tốc độ phân hủy sinh học của hợp kim AZ31 phủ Hydroxyapatite trên động vật;

8. Nghiên cứu làm ngọt hóa nước biển bằng vật liệu graphene trên nền bọt biển;

9. Nghiên cứu chế tạo vật liệu aerogel từ chất thải nông nghiệp ứng dụng cho xử lý nước nhiễm xăng, dầu;

10. Nghiên cứu phát triển que thử nhanh xác định đồng thời IgG và IgM đặc hiệu cho chủng Orientia tsutsugamushi;

11. Tối ưu hoá bài toán định tuyến xe có ràng buộc công suất bằng giải thuật di truyền;

12. Quan hệ kinh tế Việt Nam - Mozambique dưới góc nhìn từ chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.


Ảnh: Kim Chi - Duy Thành

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây