Sinh viên Bách khoa Hà Nội NCKH - Sáng tạo - Khởi nghiệp

Thứ hai - 13/06/2022 17:07

Sáng nay (14/6/2022), sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hồ hởi tham gia Hội nghị sinh viên NCKH lần thứ 39, mang các đề tài NCKH của các nhóm nghiên cứu, của cá nhân thuyết trình trước các thầy cô giáo về tính độc đáo, sáng tạo và những ứng dụng thực tế trong cuộc sống hàng ngày.  Đây là hoạt động thường niên của Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên toàn trường.

1. Năm nay, có gần 800 sinh viên Bách khoa - từ các em năm cuối K61 đến sinh viên năm nhất mới vào trường K66 - tham dự chuỗi hoạt động NCKH & sáng tạo: Thuyết trình tại các hội đồng; triển lãm các sản phẩm; Hội nghị tổng kết hoạt động…

Ban Tổ chức đã nhận được gần 300 công trình NCKH của sinh viên thuộc 22 phân ban. Số lượng sinh viên tham gia tại phân ban Cơ khí, Lý luận chính trị rất đông đảo: Hơn 100 sinh viên/ban. Gần 300 lượt giáo viên hướng dẫn sinh viên tham gia chuỗi hoạt động NCKH và sáng tạo năm nay. 

Các giảng viên Trường Cơ khí ngồi hội đồng đặt câu hỏi cho sinh viên

PGS. Phạm Văn Sáng – Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội – phấn khởi cho biết: Có hơn 400 sinh viên Trường Cơ khí với 70 đề tài NCKH tham gia chuỗi hoạt động NCKH – sáng tạo lần này.

Đây là năm đầu tiên Trường Cơ khí “chào” sân chơi NCKH của Trường. Con số 70 đề tài đã nói lên sức trẻ, khỏe, khả năng sáng tạo của sinh viên Trường Cơ khí. Sau một thời gian dài ảnh hưởng dịch Covid, hoạt động NCKH vẫn được triển khai thể hiện niềm đam mê rất lớn của sinh viên Cơ khí nói riêng, sinh viên Bách khoa Hà Nội nói chung. Đây cũng là tiềm năng để nhà trường đặc biệt chú ý phát triển. 

Sinh viên thuyết trình đề tài NCKH tại phân ban Kỹ thuật Cơ khí

Chất lượng NCKH năm nay trong lĩnh vực Cơ khí được các thầy/cô giáo đánh giá rất cao. Bên cạnh các sản phẩm hữu hình vật lý như các hệ thống máy móc, tự động hóa, còn có các sản phẩm bài báo NCKH chất lượng cao.

Các sản phẩm phần cứng có sự đan xen vừa lĩnh vực cơ khí, vừa lĩnh vực liên ngành khác như điều khiển tự động, cơ điện tử, ứng dụng AI, phần nào cho thấy sinh viên đã được học chương trình đào tạo có tính liên ngành rất cao, không chỉ phát huy năng lực trong chuyên ngành sâu của mình mà các em còn biết tìm tòi, gắn kết các kiến thức liên ngành khác vào trong NCKH của mình để có kết quả cao nhất. 

Nhiều đề tài NCKH của sinh viên Trường Cơ khí đã có sự hỗ trợ của doanh nghiệp ngay từ lúc NCKH cấp khoa. Trong sáng nay, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Tân Phát cũng chăm chú ngồi cùng hội đồng để lắng nghe các thuyết trình, trả lời câu hỏi của sinh viên.

Một doanh nghiệp chia sẻ: Chúng tôi tìm thấy lợi ích của mình khi được tiếp cận nhiều ý tưởng mới của người trẻ, từ đó có cơ hội hợp tác, “săn đầu người” với những kỹ sư tương lai cùa Bách khoa. 

2. Điều đặc biệt về chất lượng đề tài NCKH, tính độc đáo, sáng tạo của sinh viên năm 2022 chính là sự khẳng định về mặt học thuật trên quốc tế khi có nhiều em đã có công bố khoa học, là tác giả đứng thứ nhất những tạp chí có xếp hạng cao như ISI-Q1, hệ số ảnh hưởng lớn.

Sinh viên thuyết trình đề tài NCKH tại phân ban Viễn thông

Tại phân ban Viễn thông, Lab nghiên cứu Future Internet Lab do PGS. Trương Thu Hương - Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật truyền thông - Trường Điện – Điện tử - hướng dẫn có 3 nhóm sinh viên K63 có NCKH về chủ đề An ninh mạng và Truyền dẫn thực tế ảo VR đều là đồng tác giả 3 bài báo thuộc danh mục ISI-Q1, trong đó có 1 nhóm sinh viên có bài báo trên tạp chí có chỉ số tác động của tạp chí IF  >7.6, thuộc top 3% của tạp chí tốt nhất trong lĩnh vực Khoa học máy tính; 2 nhóm còn lại có bài báo ISI-Q1, chỉ số IF là 3.367.

Với thành tích trên, các em đã có ít nhiều 1 tấm vé đảm bảo có thể nâng mức trần điểm đồ án tốt nghiệp lên 10 theo quy định nội bộ của ngành Điện tử Viễn thông, đồng thời có CV đủ tốt để thuyết phục được các Quỹ học bổng du học hoặc tìm việc tại các trụ sở R&D của doanh nghiệp. 

Sinh viên trong quá trình học đại học đã cùng đứng tên nghiên cứu với thầy cô giáo tại các xuất bản lớn, vừa thể hiện năng lực của một sinh viên Bách khoa Hà Nội, vừa là một đặc điểm riêng của ngôi trường kỹ thuật công nghệ số 1 Việt Nam.

Các lab nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Hà Nội luôn kỳ vọng hỗ trợ sinh viên tham gia NCKH với thầy cô và các nhóm nghiên cứu tại nước ngoài, giúp các em có thể chuẩn bị CV hành trang đủ về kiến thức, thể hiện mình tốt và có cơ hội tốt hơn về việc làm và đi học cao học tiếp có học bổng.

3. Từ việc chuẩn bị nghiêm túc, chỉn chu, tâm huyết đầu tư thời gian, chất xám dành cho mỗi đề tài nghiên cứu của các sinh viên, có thể thấy ngọn lửa đam mê NCKH của sinh viên Bách khoa. Nhưng sâu xa nhất chính là mong muốn phát triển bản thân của các em. Đó chính là cơ sở khởi nguồn cho tinh thần khởi nghiệp sau này của mỗi sinh viên.

Nhóm sinh viên mang sản phẩm NCKH thuyết trình trước các thầy/cô giáo trong hội đồng

Bên cạnh việc đam mê NCKH và học hỏi, sinh viên Bách khoa luôn ý thức về sự phát triển nghề nghiệp sau này. Ngay giảng viên cũng rất chú ý định hướng sinh viên thiết kế các hệ thống, nghiên cứu các vấn đề có tính ứng dụng thực tiễn làm nền tảng cho các sáng tạo – khởi nghiệp trong tương lai.

Hoàng Duy Tính – Sinh viên năm cuối bộ môn Thiết bị Điện – Điện tử, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đề tài ước lượng vị trí ban đầu cho động cơ nam châm vĩnh cửu gắn trên bề mặt.

Tính theo đuổi đề tài khá lâu rồi, thời gian trước Tính đầu tư làm thiết kế, khoảng 3 tháng gần đây thì chuyển sang phần điều khiển. Hiện tại với đề tài này, Tính vẫn làm việc hàng ngày với giáo viên hướng dẫn là TS. Phùng Anh Tuấn – Phó Trưởng khoa Điện. Tính dự định học tiếp lên cao học với đề tài này, quyết tâm theo đuổi đề tài đến cùng. 

“Em nghĩ việc nghiên cứu và phát triển ứng dụng trong thực tế rất quan trọng. Nếu nghiên cứu xong chỉ để đăng báo, lấy thành tích thì không có lợi về khoa học và ứng dụng cuộc sống của con người. Em sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu này theo hướng ứng dụng cho quạt trần dân dụng”. 

Nhóm sinh viên chờ đến lượt thuyết trình đề tài trước các thầy cô hội đồng

Còn Nguyễn Văn Quảng – Sinh viên năm 4 Viện Vật lý Kỹ thuật -theo đuổi đề tài trong lĩnh vực hình sự, sử dụng vật liệu mới lấy dấu vân tay tại hiện trường vụ án. Nhóm cùa Quảng đã miệt mài nghiên cứu trong 14-15 tháng dưới dự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Lan – Viện ITIMS.

Đề tài Quảng theo đuổi có tính ứng dụng cao nhưng cơ hội thương mại hóa lại hẹp hơn các đề tài khác. Tuy nhiên, Quảng vẫn kiên trì theo đuổi đề tài này. Quảng kể: Có những lúc cũng em cũng thấy nản, thời gian chờ đợi để lấy một mẫu vân tay có khi 5-7 ngày, nếu không thành công lại làm lại từ đầu. Nhưng em quyết không bỏ cuộc mà theo đuổi hướng nghiên cứu về vật liệu mà mình đã lựa chọn ngay từ ban đầu. Hy vọng sau này, khi đạt được những thành công nhất định, đề tài của chúng em sẽ được áp dụng trong thực tiễn”. 

Quảng tham gia chuỗi hoạt động NCKH của Trường với mong muốn qua cuộc thi có thể rút được nhiều kinh nghiệm thuyết trình thuyết phục được lãnh đạo, các chuyên gia và mọi người. Những phản biện, nhận xét, góp ý của các thầy/cô trong hội đồng sẽ cho Quảng và các bạn thấy cần bổ sung những thiếu sót hoặc các hướng mở trong nghiên cứu. 

Được biết, chuỗi hoạt động NCKH và sáng tạo sinh viên Bách khoa Hà Nội năm 2021-2022 diễn ra từ 14/24/6. Cụ thể: 14-16/6: Hội nghị sinh viên NCKH lần thứ 39; 23-24/6: Triển lãm sản phẩm NCKH và sáng tạo; 24/6: Hội nghị Tổng kết hoạt động NCKH và sáng tạo và phát động cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022.

Kết thúc chuỗi hoạt động NCKH và sáng tạo sinh viên Bách khoa Hà Nội năm 2021-2022, Ban tổ chức sẽ họp Hội đồng xét giải cấp Trường và duyệt, đề xuất các công trình gửi dự thi cấp Bộ dự kiến vào ngày 20/6/2022. 

PGS. Huỳnh Đăng Chính - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: “Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn quan tâm đến công tác NCKH của sinh viên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của đào tạo. Đây là sân chơi học thuật uy tín, qua đó Nhà trường tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, đóng góp giải quyết những vấn đề thực tiễn và phục vụ cộng đồng.

Thông qua cuộc thi NCKH, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tích lũy kinh nghiệm, học hỏi phương pháp tư duy khoa học, ý tưởng khoa học, ứng dụng kiến thức đã học vào công việc thực tế sau này. Từ những kiến thức, kết quả nghiên cứu đạt được, các sinh viên đam mê NCKH – những kỹ sư Bách khoa tương lai -  sẽ có cơ hội phát triển, mở rộng hơn nữa các đề tài, kết nối, vươn tầm và từng bước hội nhập thế giới học thuật quốc tế.”

Gia Hân. Ảnh: Duy Thành

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây