7 “từ khóa” ấn tượng về Tháng sinh viên Bách khoa NCKH và sáng tạo

Thứ năm - 23/06/2022 22:30
Tháng 6/2022, hơn 900 sinh viên Trường Bách khoa Hà Nội sôi nổi tham gia chuỗi hoạt động NCKH với 300 công trình khoa học đa dạng các đề tài như áp dụng AI để giải quyết các bài toán trong cuộc sống, hay các ứng dụng liên quan y tế, nông nghiệp, môi trường… Các đề tài nghiên cứu của sinh viên Bách khoa năm nay đều là những công trình có tính mới, sáng tạo, có giá trị khoa học và thực tiễn. Chất lượng đề tài của sinh viên ngày càng tốt hơn.
 
Cùng điểm lại những con số ấn tượng, những câu chuyện có "tính mới" xung quanh Tháng sinh viên Bách khoa NCKH và sáng tạo này.
 
Sinh viên Bách khoa tích cực tham gia chuỗi hoạt động sinh viên NCKH và sáng tạo
 
900
 
Tại Hội nghị Tổng kết chuỗi hoạt động sinh viên NCKH và sáng tạo sáng nay (24/6/2022), PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đã rất tự hàoc hia sẻ: 2 năm vừa qua, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, sinh viên bị hạn chế lên phòng thí nghiệm, hạn chế về thực tập – đặc biệt tại các doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, kết quả NCKH và sáng tạo của sinh viên Bách khoa năm nay rất khả quan, được thể hiện qua các con số đều tăng lên so với lần trước. 
 
Hơn 900 sinh viên từ năm nhất mới vào trường (K66) đến sinh viên năm cuối (K61) đã tích cực tham gia chuỗi hoạt động sinh viên NCKH và sáng tạo. 
 
Điều này cho thấy tính truyền thống và tính kế thừa, tiếp nối từ các lab nghiên cứu của sinh viên, các em đã chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng tham gia các phong trào NCKH của Nhà trường, sẵn sàng NCKH cùng bạn bè, thầy cô.
 
Một sản phẩm từ NCKH của sinh viên Bách khoa Hà Nội
 
300
 
Không chỉ ấn tượng về số lượng sinh viên tham gia, chất lượng đề tài NCKH của sinh viên cũng rất “chuẩn chỉ”. Gần 300 đề tài NCKH của sinh viên phong phú về nội dung, bám sát các vấn đề thời sự, đồng thời bám sát các trục nghiên cứu chính của nhà trường. 
 
PGS. Huỳnh Đăng Chính cho biết: Với lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội xác định tập trung vào 4 lĩnh vực: Dữ liệu, Chuyển đổi số; Vật liệu tiên tiến, Vật liệu mới; Năng lượng và Môi trường bền vững; Sức khỏe.
 
Chính vì Nhà trường có định hướng ngay từ ban đầu như vậy trong công tác nghiên cứu, đào tạo nên các đề tài nghiên cứu của Bách khoa Hà Nội từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước của các thầy cô đều xoay quanh 4 định hướng đó.
 
Từ đó, sinh viên nghiên cứu, tham gia các đề tài của thầy/cô trong NCKH nói chung, NCKH trong sinh viên nói riêng đều xoay quanh các trọng tâm này: Tập trung vào lĩnh vực khoa học – tự nhiên, một số đề tài liên quan đến Y Dược, Nông nghiệp, Xã hội – Nhân văn. 
 
Chất lượng khoa học và ứng dụng của các đề tài NCKH của sinh viên năm nay được phát triển đồng đều, thể hiện ở số lượng công bố chất lượng cao tăng lên trên 50% và số lượng sản phẩm thực tế giữ ổn định ở mức 70-80 sản phẩm trên toàn 22 phân ban.
 
“Rất đáng mừng là số lượng công bố chất lượng cao có sinh viên là tác giả chính, tác giả liên hệ đạt gần 20 bài, chiếm tổng số 25% trong tổng số trên 80 bài báo có sinh viên tham dự” – PGS. Huỳnh Đăng Chính chia sẻ. 
 
Sinh viên tham gia Hội nghị NCKH có cơ hội cọ xát, thực hành kỹ năng thuyết trình, trả lời phản biện, thuyết phục người khác về tính ưu việt, hiệu quả của công trình nghiên cứu. 
 
Q1
 
Chiếm một tỷ lệ lớn là các nhóm sinh viên có 81 công trình xuất bản quốc tế từ hội thảo quốc tế tới các tạp chí quốc tế, trong đó có 21 bài báo ISI; 16 bài báo Q1, 39 sinh viên là tác giả đầu tiên, tác giả liên hệ. 
 
Tại sân chơi NCKH uy tín với các chuyên gia giỏi chuyên môn là các thầy/cô giáo của Bách khoa, khi sinh viên mang đề tài, công trình nghiên cứu của mình ra thuyết trình trước các hội đồng, các em có dịp cọ xát, thực hành kỹ năng thuyết trình, trả lời phản biện, thuyết phục người khác về tính ưu việt, hiệu quả của công trình nghiên cứu. 
 
Các hội đồng chấm điểm sinh viên rất toàn diện, không chỉ đánh giá chất lượng công trình NCKH từ tiêu chí bài báo khoa học quốc tế mà còn chấm điểm tính ứng dụng thực tế của sản phẩm, mức độ đóng góp của sinh viên, sinh viên nắm bắt, hiểu vấn đề như thế nào, cách thuyết trình, trả lời câu hỏi ra sao…
 
Một số đề tài đã được ứng dụng trong thực tế, một số đề tài mang tính hàn lâm, là nghiên cứu lõi làm nền tảng cho xu hướng ứng dụng trong tương lai. 
 
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - lắng nghe sinh viên giới thiệu về sản phẩm NCKH của mình tại Triển lãm sinh viên Bách khoa NCKH và sáng tạo
 

Sáng tạo

Trong Tháng sinh viên Bách khoa NCKH và sáng tạo, Trường đã tổ chức triển lãm một số sản phẩm NCKH của sinh viên Bách khoa Hà Nội. Có thể thấy những sản phẩm rất gần gũi, cần thiết với cuộc sống hàng ngày trong các lĩnh vực Y học, Nông nghiệp, Vật liệu mới…: Nâng cao hiệu quả khoanh vùng tổn thương đường tiêu hóa trên ảnh từ nội soi; Nước rửa tay nguồn gốc thiên nhiên hương dưa lưới; Xà phòng thể rắn trong suốt; Hệ thống đo rung động tốc độ cao sử dụng hệ giao thoa kế; Vật liệu Nano Đa chức năng (vật liệu tiên tiến từ phế thải nông nghiệp); Cửa phân làn thông minh Smart Gate…
 
Với các công trình tham gia Tháng NCKH năm nay, các đề tài nghiên cứu của sinh viên Bách khoa  đều là những công trình có tính mới, sáng tạo, có tính liên ngành cao, có giá trị khoa học và thực tiễn.
 
Các sinh viên áp dụng AI để giải quyết các bài toán trong cuộc sống như ứng dụng AI vào công tác dự báo trong ngành điện; hay các ứng dụng liên quan y tế, nông nghiệp, môi trường như nghiên cứu chế tạo cảm biến khí và thiết bị đo ứng dụng trong giám sát nồng độ khí độc trong môi trường , nghiên cứu và ứng dụng mô hình học máy trong nhận diện và xác định kích thước một số sản phẩm nông sản…
 
Có nhóm sinh viên kỳ công theo đuổi những nghiên cứu công nghệ lõi, là nền tảng để phát triển những hướng nghiên cứu mới (đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, viễn thông) như giải pháp bảo mật cho nhà máy 4.0...
 
Các sinh viên, đại diện nhóm sinh viên Bách khoa đoạt giải Nhất Cuộc thi sinh viên NCKH và sáng tạo cấp Trường
Các sinh viên, đại diện nhóm sinh viên Bách khoa đoạt giải Nhất Cuộc thi sinh viên NCKH và sáng tạo cấp Trường
 
 
Start-up
 
Theo dõi các sinh viên Bách khoa thi NCKH, trực tiếp tham quan các sản phẩm được trưng bày tại Triển lãm sinh viên NCKH và sáng tạo, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - nhận định những kết quả NCKH ứng dụng của sinh viên nếu có đầu tư, hoàn toàn có thể triển khai thành những công ty Start-up hoặc những sản phẩm đứng vững trên thị trường. 
 
Được biết, để đỡ đầu cho các sản phẩm NCKH của sinh viên và giảng viên, ngôi trường kỹ thuật công nghệ số 1 Việt Nam có Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bách khoa, học tập mô hình sinh thái khởi nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới.
 
Nhà trường xây dựng cơ chế tài chính để giúp các thầy/cô có thể hình thành các công ty Spin-off, còn sinh viên có thể hình thành công ty Start-up; có những Quỹ như BK-Fund tập hợp nguồn tài chính từ các cựu sinh viên, các doanh nghiệp để đánh giá ý tưởng NCKH, coi như đầu tư mạo hiểm giúp cho các sinh viên có thể hình thành các doanh nghiệp.
 
PGS. Huỳnh Quyết Thắng kỳ vọng số lượng doanh nghiệp Start-up từ sinh viên và số lượng doanh nghiệp Spin-off từ các kết quả NCKH của các thầy/cô ngày một nhiều hơn. Những doanh nghiệp đó sẽ có hoạt động về tài chính đóng góp ngược lại cho hệ sinh thái của Bách khoa. Đó sẽ là mô hình thành công và càng ngày sẽ càng thu hút, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, NCKH của thầy và trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 
 
Kết thúc Hội nghị sinh viên NCKH, các hội đồng từ 22 phân ban đã lựa chọn 22 đề tài giải Nhất, 22 giải Nhì, 22 giải Ba. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chọn gửi 12 đề tài xuất sắc trong các lĩnh vực Kỹ thuật công nghệ, Y Dược, Nông nghiệp; đáp ứng yêu cầu đã công bố hoặc được ứng dụng trong thực tiễn ít nhất 1 năm theo quy định của Bộ GD&ĐT tham dự sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ.
 
Một số doanh nghiệp tham dự hội đồng tại Hội nghị sinh viên NCKH cấp Trường nhằm tiếp cận ý tưởng, hướng nghiên cứu mới,  tìm kiếm nhân lực tương lai cho đơn vị
 
Những vị khách đặc biệt
 
Đồng hành cũng thầy trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong Tháng NCKH là các doanh nghiệp. Nhiều đề tài NCKH của sinh viên Trường Cơ khí đã có sự hỗ trợ của doanh nghiệp ngay từ lúc NCKH cấp khoa.
 
Khi các sinh viên thi cấp Trường, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Tân Phát cũng chăm chú ngồi cùng hội đồng để lắng nghe các thuyết trình, trả lời câu hỏi của sinh viên. Một doanh nghiệp chia sẻ: Chúng tôi tìm thấy lợi ích của mình khi được tiếp cận nhiều ý tưởng mới của người trẻ, từ đó có cơ hội hợp tác, “săn đầu người” với những kỹ sư tương lai cùa Bách khoa.
 
Tại Hội nghị Tổng kết Tháng sinh viên NCKH sáng nay, người ta thấy ông Nguyễn Đức Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty Vietchem, doanh nghiệp chuyên cung ứng Hóa chất & Thiết bị, đa dạng lĩnh vực kinh doanh – chăm chú tham quan triển lãm các sản phẩm NCKH của sinh viên và dự sự kiện đến cuối buổi!
 
Hỏi ông: Ông tìm thấy gì ở buổi tổng kết hôm nay? doanh nhân Nguyễn Đức Việt vui vẻ cho biết: Tôi rất thích theo dõi các cuộc thi NCKH của sinh viên Bách khoa để động viên, hỗ trợ kịp thời các thầy cô giáo và sinh viên. Qua những dịp như thế này, chúng tôi tìm được các ý tưởng sáng tạo, đề tài khoa học công nghệ, biết đâu tìm được sản phẩm của sinh viên có thể thay thế cho sản phẩm của nước ngoài!
 
Bên cạnh đó, công ty sẽ tìm được những nguồn nhân lực tốt khi sinh viên ra trường. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là trường uy tín cả nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, có thể giải bài toán hay có những sản phẩm cụ thể, thương mại hóa và sử dụng được ngay!
 
Cùng các doanh nghiệp, Hội nghị Tổng kết sáng nay còn được đón đại diện các trường đại học đến tham quan và chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm Đại học Bách khoa trong tổ chức phong trào sinh viên NCKH.
 
Đại tá Lê Thanh Phong – Phó Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Học viện Kỹ thuật quân sự - rất ấn tượng về các con số của các chuỗi sự kiện sinh viên NCKH và sáng tạo năm nay và đặc biệt tự hào khi học viên Học viện được gửi đào tạo tại Bách khoa đoạt giải Nhất cuộc thi NCKH cấp Trường, được là 1 trong 12 đề tài được gửi tham dự cuộc thi sinh viên NCKH cấp Bộ. 
 
Đại tá Phong nhận định: “Nhìn số liệu tổng kết có thể thấy Trường Bách khoa triển khai phong trào NCKH trong sinh viên rất toàn diện. Bách khoa có nhiều vòng thi NCKH, tận dụng nhiều nguồn đầu tư để các đề tài đoạt giải cao được phát triển, “sống” được trong những bước tiếp theo.
 
Tôi rất muốn tham dự những buổi như thế này để có thể học hỏi kinh nghiệm, từ đó áp dụng để phát triển khoa học công nghệ cho sinh viên, giáo viên trẻ của Học viện làm sao để họ có được môi trường tốt nhất phát triển nghiên cứu của mình”. 
 
PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà  Nội (thứ ba từ trái qua) và đại diện các đơn vị Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn nút khởi động Cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022
 
Sáng tạo trẻ 2022
 
Tại Hội nghị tổng kết, PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - đã phát động Cuộc thi Sáng tạo trẻ 2022 có chủ đề “Smart up for life”, hướng tới các sản phẩm ứng dụng có khả năng khởi nghiệp phục vụ cho cuộc sống như giao thông, giáo dục, môi trường, biển đảo, công nghiệp, nông nghiệp, y tế… Giải Nhất cuộc thi trị giá 50 triệu đồng. 
 
Lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội kỳ vọng các sáng tạo khoa học, kết nối tư duy đa lĩnh vực của sinh viên từ cuộc thi Sáng tạo trẻ sẽ được phát triển, nuôi dưỡng bởi các dự án phát triển nghiên cứu chuyên sâu cũng như khởi nghiệp.
 
Sáng tạo trẻ Bách khoa là sân chơi trí tuệ được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên từ năm 2017. Từ năm 2019, cuộc thi đã mở rộng đối tượng dự thi tới khối các trường kỹ thuật và khối trường kinh tế - xã hội trong cả nước, là sân chơi sáng tạo mang tính toàn quốc. Các trường đại học khu vực phía Nam cũng rất hào hứng gửi sinh viên tham gia cuộc thi này.  
 
Các mốc thời gian nhận bài thi: Vòng ý tưởng: 20/7/2022, Vòng đề án: 15/9/2022; Vòng triển khai: 4/11/2022; Vòng chung kết: 12/2022 (thể lệ cuộc thi xem TẠI ĐÂY)
 
BTC cuộc thi hướng các sinh viên NCKH không chỉ trên hồ sơ mà còn khuyến khích các em có những trải nghiệm như một doanh nghiệp: Có thuyết trình, marketting, tính toán chi phí, khấu hao sản phẩm, tính toán lỗ - lãi khi kinh doanh… 
 

Sinh viên Bách khoa NCKH và sáng tạo 2022 qua những con số

927: Số lượng sinh viên tham dự;
359: Số lượt giáo viên hướng dẫn;
299: Số công trình tham dự;
168: Số báo cáo thuyết trình tại hội đồng;
81: Số bài báo khoa học quốc tế, trong đó có 21bài báo ISI; 16 bài báo Q1, 39 sinh viên là tác giả đầu tiên, tác giả liên hệ; 
76: Số lượng sản phẩm tham gia triển lãm;

Gia Hân. Ảnh: Duy Thành

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây