Viện Sư phạm Kỹ thuật: Công nghệ thúc đẩy giáo dục đại học thay đổi

Thứ tư - 16/11/2022 04:10

Có một số lo ngại cho rằng các công nghệ như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo hay các hình thức giáo dục trực tuyến không thể dạy các kỹ năng sáng tạo và tư duy phản biện. Tuy nhiên, các diễn giả tham dự Hội thảo khoa học cấp quốc gia về “Giáo dục Kỹ thuật và Giáo dục Nghề nghiệp trong Kỷ nguyên số” do Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức vào ngày 04/11, đã chứng minh điều ngược lại. 

Hội thảo, do Viện Sư phạm Kỹ thuật tổ chức nhân dịp 25 năm kỷ niệm ngày thành lập, quy tụ các nhà khoa học, giảng viên, các nghiên cứu sinh, học viên cao học đang giảng dạy và học tập tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục kỹ thuật và nghề nghiệp, các viện nghiên cứu trong nước và nước ngoài.

“Đây là cơ hội để chúng ta cập nhật các chính sách của nhà nước về định hướng giáo dục đại học và đào tạo nghề nghiệp ở Việt Nam, cũng như thảo luận các kết quả nghiên cứu liên quan tới chuyển đổi số trong giáo dục và quản lý giáo dục,” PGS.TS. Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, nói. “Qua đây, chúng tôi có căn cứ về cả mặt khoa học và thực tiễn để Viện định hình chương trình đào tạo và hoạt động nghiên cứu trong thời gian tới.”

PGS.TS. Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, phát biểu tại hội thảo "Giáo dục Kỹ thuật và Giáo dục Nghề nghiệp trong Kỹ thuật Số". Ảnh: CCPR. 

Chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi lĩnh vực trên khắp thế giới, giáo dục đại học cũng không nằm ngoài xu thế đó. Theo PGS.TS. Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu 90% lực lượng lao động có kỹ năng công nghệ thông tin. Và dưới áp lực của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các trường đại học phải nâng mức độ đầu tư vào công nghệ kỹ thuật số lên một cấp độ hoàn toàn mới.

"Những thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ và kỳ vọng ngày càng cao của người học đang khiến các trường đại học buộc phải thay đổi,” Giáo sư Steffen Kersten, Đại học kỹ thuật Dresden, Đức, trình bày tham luận.

Ngay khi bắt đầu thí điểm tự chủ toàn diện vào năm 2016, Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị thích ứng với thời đại số. Trong chiến lược phát triển thời kỳ chuyển đổi số, Đại học Bách Khoa Hà Nội, thứ nhất, coi sinh viên là trung tâm và chủ thể; thứ hai, sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ mới đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu của người học thế hệ mới; thứ ba, thích ứng với thời đại số để giữ vững năng lực cạnh tranh; thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu và nâng cao năng lực phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định; và cuối cùng, xác định giá trị cam kết của Trường với các bên có lợi ích liên quan và các đối tác.

Giáo sư Steffen Kersten, Đại học kỹ thuật Dresden, Đức, trình bày tham luận "Giáo dục và Đào tạo nghê theo nhu cầu và sự đóng góp của các trường đại học". Ảnh: CCPR.  

Trong đó, việc nâng cao trải nghiệm của người học là nhiệm vụ cấp thiết. “Trong bối cảnh Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số, chúng tôi xác định sẽ tham gia nhiều hơn và chủ động hơn vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng áp dụng các công nghệ kỹ thuật số,” Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật nói.

Đây cũng là chủ đề thu hút nhiều các bài báo khoa học, tham luận, và thuyết trình. Ví dụ GS. Thomas Kohler đến từ Đại học kỹ thuật Dresden nêu mối tương quan giữa chất lượng dạy học và Trí tuệ Nhân tạo. Các diễn giả khác cũng đưa ra đánh giá về tác động của những xu hướng công nghệ giáo dục trong giáo dục đại học, như nhóm nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Huyền, Viện Sư phạm Kỹ thuật, báo cáo về ứng dụng Metaverse (không gian ảo) vào dạy học bộ môn khoa học.

Công nghệ giúp cá nhân hóa trải nghiệm học tập

Các bài tham luận về công nghệ giáo dục đều cho thấy người học thế hệ mới coi học tập là trải nghiệm mang tính cá nhân; vì vậy mục đích của việc áp dụng công nghệ số chính là cải tiến chương trình học theo hướng cá nhân hóa.

Trong phiên thảo luận về Tâm lý học và Tâm lý học trong Giáo dục Kỹ thuật, các nhà khoa học của Bách khoa Hà Nội công bố kết quả nghiên cứu sự hài lòng của sinh viên với việc học trực tuyến trong đại dịch covid-19, hay các yếu tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận blended-learning của sinh viên.

Các nghiên cứu này cho thấy sinh viên ngày nay, “thế hệ lớn lên trên YouTube”, thích các nội dung được trình bày theo đoạn video ngắn, thay vì các bài giảng dài hàng tiếng đồng hồ. Và quan trọng hơn, cá nhân người học có thể linh hoạt điều chỉnh thời lượng và tốc độ học tập theo khả năng mà không phải lo ngai bị bạn cùng lớp hoặc giảng viên đánh giá về mức độ tiếp thu. Ngược lại, những sinh viên có năng lực vượt trội có thể đẩy nhanh việc học, tránh sự nhàm chán. Tóm lại, mỗi người đều có thể cá nhân hóa trải nghiệm học tập.

Hội thảo “Giáo dục Kỹ thuật và Giáo dục Nghề nghiệp trong Kỷ nguyên số” đã nhận được sự quan tâm của hơn 80 các nhà quản lý, các nhà khoa học, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Ảnh: CCPR. 

Trái với những lo ngại cho rằng các công nghệ như thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo hay các hình thức giáo dục trực tuyến không thể dạy các kỹ năng sáng tạo và tư duy phản biện, các diễn giải đã chứng minh trước khi phát triển được tư duy sáng tạo, điều đầu tiên người học cần làm là nắm vững các khái niệm cơ bản. Nhờ giáo dục trực tuyến, đặc biệt là việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy, bước đầu tiên này được giải quyết một cách hiệu quả với chi phí thấp. Vì vậy, thầy và trò sau đó có thể dành hoàn toàn thời gian trên lớp cho các hoạt động tương tác nhằm thúc đẩy sự đào sâu tìm tòi và tăng cường năng lực sáng tạo.

Ngoài ra, ưu thế của việc giảng dạy và học tập trực tuyến so với phương pháp truyền thống nằm ở sức mạnh của dữ liệu. Nhờ công nghệ, giảng viên có thể biết chính xác những nội dung thu hút sinh viên xem nhiều lần, những vấn đề khiến người học phải nhấp chuột dừng lại để nghiên cứu thêm, hoặc những lỗi mà người học hay mắc. Tất cả những dữ liệu này là nguồn tài nguyên vô giá để giảng viên hiểu sâu sắc quá trình và trải nghiệm học tập của sinh viên, từ đó, đổi mới cách thức giảng dạy hiệu quả nhất.

Dù chỉ được thông báo trong một thời gian ngắn, Hội thảo “Giáo dục Kỹ thuật và Giáo dục Nghề nghiệp trong Kỷ nguyên số” đã nhận được sự quan tâm của hơn 80 các nhà quản lý, các nhà khoa học, giảng viên các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Hội thảo nhận được 5 báo cáo mời, 45 bản thảo là các công bố kết quả nghiên cứu, và 2 báo các thực hành xuất sắc từ các tổ chức đào tạo.

Các công bố tại hội thảo củng cố triết lý: “Giáo dục là thứ vũ khí mạnh mẽ mà chúng ta có thể sử dụng để thay đổi thế giới,” như lời Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi Nelson Mandela. Và nhờ có công nghệ giáo dục, chúng ta có thể thay đổi thế giới nhanh hơn.

Hồng Hạnh

Tin liên quan:

Bách Khoa Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số

Tác giả: Phạm Hồng Hạnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây