Cô giáo Bách khoa viết sách Hệ thống thông tin quản lý giảng dạy ở nhiều trường ĐH Việt Nam

Thứ năm - 17/11/2022 03:32
Mỗi sáng lướt Internet cập nhật các tin tức, thấy truyền thông trường đưa tin sinh viên Bách khoa Hà Nội đoạt giải Olympic Vật lý hay chiến thắng một cuộc thi, giành giải cao nhất trong các hoạt động tập thể, giảng viên Bách khoa có NCKH, sáng chế mới… PGS. Phạm Thị Thanh Hồng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – lại thấy rộn rã, vui như chính mình là người đạt giải vậy! “Mỗi khi nghe cái tên Bách khoa Hà Nội được vinh danh, tôi thấy niềm tự hào dâng lên trong lòng. Thật hạnh phúc khi được là một thành viên trong ngôi nhà thân yêu đấy!” – PGS. Hồng cảm xúc chia sẻ.  
20221117
20221117

Bước ngoặt để thấy Toán đẹp hơn! 

PGS. Phạm Thị Thanh Hồng là cựu sinh viên Bách khoa ngành Toán ứng dụng K34. Hồi đó, lớp chị có 12 sinh viên. Lớp vắng nên các thầy nhớ mặt hết học trò, thậm chí nhớ cả nét chữ nữa! 

Có một kỷ niệm mà chị Hồng vẫn nhớ đến bây giờ: “Học kỳ đầu tiên, chúng tôi học Toán đại cương thầy Nguyễn Cảnh Lương. Thầy dạy vài buổi rồi sau đó đi nước ngoài. Chúng tôi biết nhiều đến thầy khi học năm cuối, làm đồ án tốt nghiệp, ấn tượng nhất là trí nhớ và cách quan sát của thầy rất tuyệt vời.

Tôi nhớ hồi đó bọn tôi viết code mà quên mất không ghi tên, nhưng sau thầy đọc mà nhận được code của sinh viên nào ngay. Tôi rất khâm phục chuyện đấy, vì viết một chương trình máy tính thì chỉ có các câu lệnh giống hệt nhau, nhưng không biết thầy nhìn ký hiệu nào mà phân biệt được”.  

Đam mê học Toán, tốt nghiệp cử nhân Toán Bách khoa, nhưng có một cú rẽ khiến chị Hồng “quay xe” học Kinh tế. Chuyện là lúc chị Hồng bắt đầu học cao học Toán tại Bách khoa, chính phủ Thụy Sỹ trao học bổng du học cho một số học viên cao học của Trường với cam kết học viên nhận học bổng sẽ học Kinh tế và trở về Viện Kinh tế và Quản lý Bách khoa giảng dạy.  

Trước cơ hội này, chị Hồng rất cân nhắc. Được sự động viên của người thân, các thầy giáo, thêm cả sự nhiệt huyết của tuổi trẻ muốn khám phá cái mới, chị quyết định thử sức chinh phục lĩnh vực trước nay chưa bao giờ nghĩ sẽ theo đuổi.  

Với chị Hồng, Toán là kiến thức nền tảng với nhiều công thức, khi học Toán, chị được học những ví dụ thực tế nhưng kiến thức Toán phải ứng dụng mới thấy được hết cái hay của nó. Khi chuyển sang học Kinh tế, chị thấy rất hứng thú vì đó là những kiến thức rất gần gũi cuộc sống hàng ngày, là mảnh đất để chị ứng dụng chuyên ngành Toán học hồi đại học. Đặc biệt hơn, với tư duy của “dân Toán”, chị Hồng tiếp cận Kinh tế theo các góc độ phân tích, dự báo, thống kê… để rồi chị lại càng hiểu hơn những bài toán ngày xưa, thấy Toán rõ ràng hơn, đẹp hơn.  

Môn Toán cần ứng dụng kết hợp môn Kinh tế phải nghiên cứu mang lại cho chị Hồng cảm hứng chinh phục rất mãnh liệt. “Tôi may mắn khi có nền tảng Toán tốt rồi chuyển sang một ngành mới” – chị Hồng nhận định. 

2
Các cô giáo Viện Kinh tế và Quản lý lưu lại khoảng khắc đẹp trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội

Chất Bách khoa ngấm vào trong tôi 

Sau 2 năm du học, tân thạc sỹ ngành Kinh tế - Phạm Thị Thanh Hồng – trở về Việt Nam, nhận nhiệm vụ làm giảng viên tại Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Quay trở về Bách khoa một phần là cam kết khi nhận học bổng, nhưng hơn cả là tình yêu với ngôi trường, với thầy cô chị gắn bó hồi học đại học.  

Những thầy giáo dạy chị đại học năm xưa, giờ lại là những người động viên, khuyến khích chị theo nghề để rồi say nghề lúc nào không biết. Như thầy Cảnh Lương – lúc đó là Phó Hiệu trưởng Trường - sau bao nhiêu năm gặp lại vẫn nhớ tên chị Hồng, ân cần hỏi thăm cô sinh viên giỏi Toán năm nào có khỏe không, công việc thế nào…

Hay đơn giản thầy trò gặp nhau đi cùng một đoạn hành lang, chỉ nói chuyện đôi câu nhưng với chị Hồng – học trò cũ, đồng nghiệp mới của thầy – chị rất cảm động, thấy được sự quan tâm, khích lệ và cũng tự tin hơn vì nếu có khó khăn, sẽ có thầy mình giang tay dìu dắt. 

Những bài giàng, phong cách giảng dạy của các thầy khi xưa cứ ngấm dần vào chị Hồng, như chị gọi đó là chất Bách khoa! Giống thầy Lương và các thầy ở Bách khoa, khi giảng bài chị Hồng cố gắng viêt bảng khoa học, chỉn chu; rồi những ứng xử thân thiện, tôn trọng sinh viên, chia sẻ, hỗ trợ với đồng nghiệp như người thân trong gia đình… Chị Hồng khẳng định: “Tôi đúc rút kinh nghiệm từ các thầy ở Bách khoa, từ môi trường Bách khoa để tạo nên con người mình hôm nay”.  

Với tinh thần học hỏi không ngừng của Người Bách khoa, chị Hồng tự hào là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam tiếp cận môn Hệ thống thông tin quản lý theo cách rất mở, viết thành sách, giáo trình quy chuẩn, được nhiểu trường cao đẳng, đại học triển khai dạy sinh viên khối ngành Kinh tế. Chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2005 và được phong học hàm Phó giáo sư ngành Kinh tế năm 2016. 

3
PGS. Phạm Thị Thanh Hồng (thứ hai từ trái qua) và các cựu sinh viên Viện Kinh tế và Quản lý Bách khoa Hà Nội

Nhiều lần dự các hội thảo, hội nghị, tọa đàm, các giảng viên từ các trường đại học trên cả nước tìm đến chị - tác giả cuốn sách Hệ thống thông tin quản lý họ đang dạy sinh viên - để chia sẻ, nhờ gỡ rối vấn đề gặp phải khi giảng dạy bộ môn này; hay có những cuộc điện thoại từ thành phố khác gọi chị, hỏi xin tài liệu về môn Hệ thống thông tin quản lý … Chị lại thêm cảm hứng để tiếp tục hướng nghiên cứu mới. “Tôi nghĩ đó là đóng góp của mình cho việc giảng dạy. Khả năng lan tỏa của nghiên cứu cũng làm tôi rất tự hào.” – Khuôn mặt rạng rỡ, chị Hồng chia sẻ. 

Gắn bó với Bách khoa gần 40 năm, càng giảng dạy, chị Hồng càng thêm yêu nghề giáo, tình yêu đó chưa bao giờ vơi bớt mà được làm đầy hơn sau mỗi tiết học. Hàng ngày lên lớp, nhìn những khuôn mặt trẻ trung, sáng láng của các sinh viên Bách khoa, được nhận những lời giải bài tập sáng tạo, ý tưởng đột phá của các em mà cảm thấy lòng vui xốn xang, chị Hồng như được tiếp thêm năng lượng, thấy công việc của mình thú vị quá, muốn trải nghiệm này cứ kéo dài mãi mãi.  

Mỗi ngày ở Bách khoa Hà Nội của PGS. Phạm Thị Thanh Hồng chỉ cần như thế đã thấy hạnh phúc đến vô cùng! 

“Bệnh nghề nghiệp” của nữ Phó Viện trưởng 

“Tôi rất thích thống kê, cứ thấy sự việc gì là có tôi có ngay thống kê trong đầu. Như đợt đón sinh viên mới K67 vào Viện, tôi đã thầm thống kê xem có bao nhiêu sinh viên nữ, ngành nào nhiều nữ nhất…Có lẽ đó là bệnh nghề nghiệp của người học Toán!” – PGS. Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Bách khoa Hà Nội. 

Tuấn Phong

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây