Tiến sĩ Hóa học chọn Bách khoa Hà Nội vì “môi trường làm việc hàng đầu”

Thứ hai - 13/06/2022 20:26

Ngừng làm việc tại Khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), TS. Phan Văn Hòa quyết định nộp hồ sơ vào Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội theo đề án thu hút giảng viên xuất sắc. Gặng hỏi lý do mãi, anh Hòa mới trả lời: “Quê hương mình thì về phục vụ thôi!”.

“Môi trường làm việc hàng đầu có nhiều lợi thế”

Sau khi hoàn thành nghiên cứu sinh tại Đại học Florida State, TS. Phan Văn Hòa làm nghiên cứu sau tiến sĩ (postdoc) tại Đại học Northwestern (NU), Mỹ, trước khi chuyển qua Khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Vị trí postdoc tại Đại học Quốc gia Singapore và thành tích nghiên cứu tốt là một bàn đạp tốt cho TS. Hòa có nhiều cơ hội hơn ở các trường danh tiếng khác trên thế giới nhưng anh lại chọn quay về Việt Nam.

Gặng hỏi lý do mãi, anh Hòa mới trả lời: “Quê hương mình thì về phục vụ thôi!”. Một lý do giản đơn nhưng đầy ý nghĩa.

Khi trở về quê hương, TS. Phan Văn Hòa chỉ đặt mục tiêu đơn giản: Có đóng góp nhỏ bé cho khoa học nước nhà. “Một số đơn vị liên hệ tuyển dụng tôi với mức lương thưởng cao, tôi cũng đã suy nghĩ nhiều nhưng tôi muốn có một môi trường tốt để phát triển khoa học”, anh Hòa chia sẻ.

Lựa chọn Bách khoa Hà Nội là bến đỗ, anh Hòa giải thích: “Môi trường làm việc hàng đầu có nhiều lợi thế. Đó là là thiết bị khoa học tốt, đồng nghiệp chuyên tâm, và nhất là sinh viên chất lượng cao”.

Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng ở Bách khoa Hà Nội thu hút giảng viên là chương trình giảng viên xuất sắc. “Chương trình cho thấy sự thay đổi tư duy, cũng như tính cầu thị của ban lãnh đạo Nhà trường, cho tôi nhiều niềm tin và hy vọng”, TS. Hòa cho biết thêm.

“Muốn thành công phải đặt ra mục tiêu và kiên trì thực hiện” 

Là một Tiến sĩ trẻ sở hữu chỉ số H-index cao (30) nhưng vẫn có những lúc anh Hòa gửi bài báo đi mà lập tức bị từ chối. Điển hình như một bài đăng trong tạp chí Journal of American Chemical Society (JACS) năm 2013. Ban đầu, nhóm anh Hòa gửi bài báo đến tạp chí Science nhưng bị từ chối nên sau đó đành chuyển xuống JACS. 

TS. Phan Văn Hòa, giảng viên Viện Kỹ thuật Hóa học theo đề án thu hút giảng viên xuất sắc. Ảnh: CCPR

Khi được hỏi về số lần sửa kỷ lục một bài báo, TS. Hòa tự hào chia sẻ: “Thường chỉ sửa một lần. Hội đồng phản biện có những yêu cầu gì thì mình sửa, hoặc nêu ý kiến bảo vệ luận điểm của mình thôi. Còn các bài báo sau này thì cơ bản được nhận hết theo nguyện vọng đầu tiên của mình”.

Quan điểm của TS. Hòa về nghiên cứu: Dù làm khoa học hay bất kỳ lĩnh vực nào, muốn đạt được thành quả thì phải vượt qua thử thách, cố gắng nhiều. Nghiên cứu là tìm kiếm, sáng tạo ra được những tri thức mới, quan trọng nhất là muốn thành công phải đặt ra mục tiêu và kiên trì thực hiện nó.

Ban đầu khi tiếp cận một vấn đề, anh sẽ dành thời gian tìm hiểu kỹ tổng quan, biết được khúc mắc ở đâu, lý do là gì, … Từ cơ sở đó, vận dụng kiến thức và tư duy của bản thân để đề ra các giải pháp. Khi thực hiện cần sự kiên trì, lần một không được, ta học được một số thứ, hiểu thêm một số vấn đề. Thực hiện lần hai chưa được, ta lại học tiếp, đề ra giải pháp mới để thực hiện lần ba”, anh nói.

Đối với những dự án cứ mãi đâm vào ngõ cụt, anh chỉ nghĩ: “Làm nghiên cứu, thất bại là bình thường! Mình đã học được khối thứ từ đó”, rồi tặc lưỡi mà tiếp tục nghiên cứu những đề án khác, vận dụng kiến thức trau dồi được để gặt hái quả ngọt.

Các nghiên cứu của TS. Phan Văn Hòa chủ yếu về lĩnh vực vật liệu từ phân tử. Mảng cụ thể là tổng hợp vật liệu với hướng ứng dụng là để làm bộ nhớ dung lượng cao, nam chân vĩnh cửu trên nên tảng carbon, hoặc ứng dụng để phát hiện sớm các bệnh như ung thư dùng kỹ thuật MRI.

Có người nghĩ rằng Hóa học là một ngành “độc hại”, quan điểm của anh Hòa lại khác: “Tốt hay xấu tùy vào con người thôi, để bảo vệ môi trường, để xử lý các chất thải, … đều cần ngành Hóa. Hóa học là một ngành rất rộng, những thứ xung quanh ta đang dùng, từ quần áo, cho đến điện thoại, máy tính, … đều ít nhiều phải cần ngành Hóa”.

TS. Phan Văn Hòa giải thích thêm: “Hóa là một trong những ngành về khoa học vật chất nên nó gắn liền với cuộc sống. Ví dụ, trong các công nghệ xanh hiện nay, hóa học đóng vai trò cốt lõi như: Tạo ra pin mặt trời, chế tạo pin điện để tích trữ năng lượng, công nghệ bắt giữ khí CO2, tái chế các chất thải, … hay như nhóm tôi đang làm là tổng hợp vật liệu từ vĩnh cửu trên nền tảng carbon để hạn chế sự phụ thuộc vào nguyên tố hiếm”.

Trần Trang

Tác giả: Trần Thu Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây