Nhà khoa học đầu tiên của Bách khoa Hà Nội được trao Huân chương Công trạng Italia tước hiệu Hiệp sỹ

Thứ ba - 13/04/2021 22:23

PGS. TS. Tạ Hải Tùng, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, hôm nay được Đại sứ Italia tại Việt Nam trao tặng Huân chương Công trạng Italia, tước hiệu Hiệp sỹ.

Dự buổi lễ có Đại sứ Italia tại Việt Nam - Ngài Antonio Alessandro, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Viện CNTT&TT, Trung tâm Quốc tế nghiên cứu và Phát triển Công nghệ Định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS. Tạ Hải Tùng giới thiệu về các dự án của NAVIS với Đại sứ Italia ngày 14/4. Ảnh: Duy Thành.

Tại buổi lễ, ngài Đại sứ Antonio Alessandro bày tỏ vinh dự khi được trao Huân chương Công trạng tước hiệu Hiệp sỹ do Tổng thống Italia Sergio Mattarella tặng PGS. Tạ Hải Tùng; đồng thời nhấn mạnh đây là phần thưởng cao quý nhất của Italia dành tặng người nước ngoài đã có công đóng góp vào các quan hệ giữa Italia và các quốc gia khác.

Ngài Antonio Alessandro khen ngợi những cống hiến của PGS. Tạ Hải Tùng trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, ngài nhận xét đây là “công cụ để đẩy mạnh sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống ở Việt Nam và tại những quốc gia mà PGS hợp tác.”

Bày tỏ sự vinh dự và cảm ơn Nhà nước Italia và Đại sứ Antonio Alessandro vì được nhận Huân chương Công trạng Italia, PGS. Tạ Hải Tùng cho biết: “Việc được trao Huân chương Công trạng Italia đối với cá nhân tôi là một vinh dự đặc biệt. Được sống, học tập và làm việc tại đất nước Italia xinh đẹp giúp tôi cảm nhận được tình cảm của đất nước, con người Italia, cũng như thấy được sự đồng điệu giữa hai quốc gia trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là văn hóa và giáo dục. 

Khi về nước, cùng với các cộng sự của mình tại Đại học Bách khoa Hà Nội và các cộng sự tại Đại học Bách khoa Torino, chúng tôi đã và đang nỗ lực hết sức, phát triển mạnh mẽ các hoạt động hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học trình độ cao, vì sự phát triển của mỗi bên, góp phần tô thắm thêm mối quan hệ nồng ấm, chân tình giữa hai quốc gia.”

 

Đại sứ Italia trao tặng huân chương cho PGS. Tạ Hải Tùng ngày 14/4. Ảnh: Duy Thành

Chúc mừng PGS. Tạ Hải Tùng được nhận Huân chương Công trạng Italia, PGS. Huỳnh Quyết Thắng đánh giá, PGS. Tạ Hải Tùng và cộng sự Việt Nam và Italia trong những năm qua đã rất tâm huyết và nỗ lực phát triển nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực định vị sử dụng vệ tinh nói riêng và lĩnh vực CNTT&TT. Hiệu trưởng phát biểu: “PGS. Tạ Hải Tùng, với vai trò quản lý Viện Trưởng Viện CNTT-TT, lĩnh vực cốt lõi, phát triển vũ bão, tinh thần “hiệp sỹ” này lại cần được nhân rộng, lan tỏa rộng rãi.”

Sự ra đời và phát triển lớn mạnh của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), đơn vị được Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa Torino cùng thành lập và hoạt động liên tục suốt từ năm 2011 đến nay với uy tín được khẳng định trong khu vực, là một minh chứng rõ nét cho sự thành công trong hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước Việt Nam và Italia. 

PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh: “Không chỉ trong lĩnh vực định vị sử dụng vệ tinh, mà còn trong các lĩnh vực rộng hơn như điện-điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học – thực phẩm, tài nguyên – môi trường, sự hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo – nghiên cứu tại Việt Nam với các đối tác Italia nói chung luôn là một hình mẫu tốt đẹp trong hợp tác quốc tế góp phần phát triển nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. 

Đại sứ Italia phát biểu tại buổi lễ ngày 14/4. Ảnh: Duy Thành

Việc Nhà nước Italia trao tặng huân chương công trạng cho PGS. Tạ Hải Tùng không chỉ ghi nhận công lao của cá nhân PGS. Tùng mà còn là sự ghi nhận đối với sự hợp tác ngày càng hiệu quả giữa cộng đồng khoa học hai nước. Đại học Bách khoa Hà Nội luôn trân trọng và sẽ nỗ lực hơn nữa để bồi đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai quốc gia”. 

 

Thông tin tham khảo:

Về PGS.TS Tạ Hải Tùng: 

PGS.TS Tạ Hải Tùng nhận bằng Tiến sỹ từ Chương trình đào tạo Tiến sỹ trình độ cao liên trường, do Đại học Bách khoa Torino, Đại học Bách khoa Milano và Đại học Bách khoa Bari cấp năm 2010. 

Từ năm 2011 đến năm 2018, ông là Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS), cùng với Đồng Giám đốc, GS. Gustavo Belforte (Đại học Bách khoa Torino). 

Từ năm 2018 đến nay, PGS. Tạ Hải Tùng là Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội). 

Ông là đồng Chủ tịch Tổ chức định vị châu Á, tổ chức chuyên môn về định vị sử dụng vệ tinh lớn nhất châu Á và châu Đại dương, từ năm 2016 đến năm 2019. 

PGS. Tạ Hải Tùng đạt giải Quả Cầu vàng cho 10 tài năng trẻ Khoa học Công nghệ do Trung ương Đoàn và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng, năm 2013. 

 

Về Trung tâm NAVIS

Trung tâm NAVIS được xây dựng và quản lý bởi Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Bách khoa Torino theo mô hình Trung tâm Quốc tế Hỗn hợp, là một đơn vị nghiên cứu về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (satellite navigation) hàng đầu khu vực. 

NAVIS được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) - 1 trong 50 đơn vị đầu tiên trên thế giới - chế tạo thành công bộ thu tín hiệu Galileo của Châu Âu. Trung tâm cũng là một trong các đơn vị đầu tiên trên thế giới (ngoài Trung Quốc) chế tạo thành công bộ thu tín hiệu Beidou. 

Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ của NAVIS trong lĩnh vực định vị đang được sử dụng ở nhiều lĩnh vực đặc thù trong và ngoài nước, như: thiết bị giám sát hành trình cho các hàng hóa đặc biệt, thiết bị mô phỏng tín hiệu vệ tinh, thiết bị định vị độ chính xác cao… 

Năm 2015, NAVIS đạt Giải Nhất Nhân tài Đất Việt cho bộ giải pháp định vị độ chính xác cỡ cm/mm. 

Hợp tác cùng với các đối tác Italia, NAVIS thực hiện hàng chục đề tài, dự án nghiên cứu khoa học quốc tế liên quan đến công nghệ định vị được tài trợ bởi các tổ chức và cơ quan uy tín, như: Chương trình khung KH&CN Châu Âu FP7, Horizon 2020, các dự án được tài trợ bởi Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không Vũ trụ Nhật Bản JAXA, Trung tâm Nghiên cứu Hỗn hợp của Ủy ban Châu Âu JRC, Chương trình Hợp tác theo Nghị định thư về KHCN giữa Việt Nam và Italia… Trong hầu hết các dự án này, Trung tâm NAVIS được ghi nhận như là một cầu nối về công nghệ định vị giữa châu Âu và các nước trong khu vực Đông Nam Á. 

Viện CNTT&TT

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây