Giám đốc NAVIS được chỉ định làm tân Đồng Chủ tịch tổ chức MultiGNSS Châu Á

Thứ tư - 16/11/2016 20:22

 Ngày 15/11/2016, tại Hội thảo Đa hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu Châu Á (MultiGNSS Asia) lần thứ 8 tại Ma-ni-la, Phi-lip-pin, Ban Điều hành của Tổ chức MultiGNSS Châu Á (MGA) đã thống nhất bổ nhiệm PGS Tạ Hải Tùng trở thành tân đồng Chủ tịch của tổ chức này cùng với GS Teruyuki Kato (ĐH Tokyo - Nhật Bản).

MGA là tổ chức chuyên môn về công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (satellite navigation) lớn nhất tại khu vực Châu Á và Châu Đại Dương. Hiện tại, MGA có 52 thành viên, bao gồm các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu, các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế có liên quan đến lĩnh vực này đến từ 15 quốc gia trên thế giới. Với sự hỗ trợ  từ Cơ quan Thám hiểm Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), MGA hướng đến thúc đẩy việc khai thác và sử dụng môi trường định vị đa hệ thống (GPS/GLONASS/Galileo/Beidou/QZSS/IRNSS) trong khu vực Châu Á và Châu Đại Dương. Hàng năm, MGA tổ chức hội thảo thường niên thu hút các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, nhà nghiên cứ trên toàn thế giới, nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về công nghệ đang ngày càng trở nên quan trọng trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội như định vị sử dụng vệ tinh. Năm nay, Hội thảo lần thứ 8 của MGA được tổ chức tại Ma-ni-la, Phi-lip-pin, với sự tham dự của 254 đại biểu đến từ 23 quốc gia.

GS Chris Rizos (thứ 5 từ trái sang) nguyên đồng Chủ tịch của MGA chụp ảnh lưu niệm chúc mừng PGS Tạ Hải Tùng (thứ 6 từ trái sang) - tân Đồng Chủ tịch MGA

Việc PGS Tạ Hải Tùng được bổ nhiệm làm Đồng Chủ tịch là một vinh dự và thành tựu lớn đối với bản thân PGS, cũng như đối với toàn bộ nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS) thuộc Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Được thành lập năm 2010, và chuyển đổi theo mô hình đồng giám đốc Việt Nam – Italia từ năm 2012, kể từ đó, cùng với sự hợp tác quốc tế hiệu quả, đặc biệt là với các đối tác Châu Âu, Trung tâm NAVIS đã và đang có nhiều cống hiến đáng kể cho sự phát triển của công nghệ định vị sử dụng vệ tinh, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn khu vực.

Hy vọng rằng trong tương lai, với trọng trách mới, PGS Tùng cùng nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm NAVIS sẽ ngày càng phát huy tính chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, cũng như đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực định vị sử dụng vệ tinh, để qua đó thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Nguồn: Trung tâm NAVIS 

Tác giả: TT TT & QHCC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây