Bách khoa Hà Nội chú trọng đào tạo kỹ năng viết và thuyết trình bằng tiếng Anh cho sinh viên

Thứ sáu - 01/07/2022 15:49

Môn học Technical Writing and Presentation được xây dựng với mục đích cải thiện kỹ năng mềm cho người học và thiết kế dành riêng cho sinh viên khối ngành kỹ thuật.

Nhận thấy tầm quan trọng của Tiếng Anh và các kỹ năng mềm đối với sinh viên Bách khoa Hà Nội, nhà trường quyết định xây dựng và đào tạo môn học Technical Writing and Presentation từ năm 2019.

Lễ khai giảng lớp học bồi dưỡng cho các giảng viên đào tạo môn Technical Writing and Presentation được chính thức diễn ra vào sáng ngày 30/6. Cũng trong buổi lễ, các thông tin tổng kết và kinh nghiệm giảng dạy môn học trong 3 năm qua được trao đổi và bàn luận sôi nổi giữa các thầy cô phụ trách.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, hiểu được tầm quan trọng của các môn học kỹ năng đối với sinh viên Bách khoa Hà Nội: “Tập trung vào hai kỹ năng viết nghiên cứu và thuyết trình, môn học này đã trở thành một học phần quan trọng trong chương trình đào tạo của Trường. Chúng tôi cảm thấy vui mừng khi sinh viên nhận được những kiến thức cần thiết và sẵn sàng hơn trước khi bước vào thị trường lao động,” Phó Hiệu trưởng cho biết.

Theo khảo sát dành cho sinh viên theo học môn học của TS. Dương Thị Thuỳ Mai, giảng viên Viện Sư phạm Kỹ thuật, 95% sinh viên đánh giá thuyết trình và đọc bài báo khoa học, báo cáo thí nghiệm là những kỹ năng nhiều thách thức, và 96% sinh viên không có khái niệm về viết kỹ thuật.

Sau khi kết thúc mỗi khóa học, 100% sinh viên tham gia khảo sát cho rằng kỹ năng thuyết trình của bản thân được cải thiện. Nhìn chung, người học có đánh giá tổng quan rất tích cực đối với môn học và giảng viên phụ trách.

Buổi lễ thu hút đông đảo giảng viên phụ trách môn học. Ảnh: Kim Chi

Môn học được dạy bằng Tiếng Anh với khoảng 40 sinh viên một lớp. Trong 3 năm triển khai, 308 lớp học với 12.323 sinh viên đã tham gia khóa học dưới sự hướng dẫn của 62 giảng viên đến từ tất cả các trường, viện đào tạo.

Theo TS. Thuỳ Mai, điều quan trọng là giảng viên cần nắm được nhu cầu của từng lớp học để có điều chỉnh phù hợp và linh hoạt. Đối với mỗi lớp, TS. Thúy Mai đều có khảo sát trước khi tham gia môn để tìm hiểu các thông tin cơ bản về kiến thức và khả năng ngoại ngữ của sinh viên, đồng thời yêu cầu sinh viên làm khảo sát sau khóa học để đo lường mức độ hài lòng.

Trong bài thuyết trình “Phương pháp giảng dạy theo nhiệm vụ nhỏ (Task-based Learning) với cách tiếp cận phân tích thể loại (Genre-based approach)”, PGS. Nguyễn Công Tú, Viện Vật lý Kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong việc hướng dẫn sinh viên “với kỹ năng giao tiếp yếu” chinh phục môn học này.

Mỗi tiết học của PGS. Công Tú luôn bao gồm các bài thực hành nhỏ để sinh viên có thể thực hiện ngay những kiến thức mình đã học. Bên cạnh đó, giảng viên cung cấp các nguồn tài liệu đa dạng như email, video, hay các bài viết với cấu trúc của bài thi IELTS... tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với nhiều thể loại khác nhau. Với khối lượng lớn thực hành được đưa vào bài giảng của mình, PGS. Công Tú cho rằng, “chúng ta chưa thực sự học cho đến khi bắt đầu thực hành.”

Tại buổi lễ, ông Jerrold Frank, Giám đốc Văn phòng khu vực ngôn ngữ tiếng Anh, tin tưởng vào sự thành công của chương trình và hợp tác giữa hai bên. Tháng 9/2022, một Thạc sỹ ngôn ngữ từ Hoa Kỳ sẽ tới làm việc tại Bách khoa Hà Nội trong 10 tháng (theo chương trình English Language Fellow Program) nhằm phát triển môi trường học tập ngôn ngữ Anh và thúc đẩy trao đổi văn hóa Mỹ-Việt.

 Phòng TT&QTTH

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây