Kiểm định AUN-QA và định hướng chọn trường đại học

Chủ nhật - 18/09/2022 20:10

Kết quả kiểm định chất lượng đào tạo của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á là một tiêu chí đáng tin cậy để phụ huynh và học sinh tham khảo trong quá trình đưa ra quyết định chọn trường.

Tại lễ khai mạc trực tuyến sáng nay, Bách khoa Hà Nội công bố 4 chương trình đào tạo tham gia đợt tái kiểm định chất lượng theo bộ tiêu chuẩn chung được công nhận giữa các trường đại học trong mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN).  

Các chương trình đào tạo được tái đánh giá chất lượng lần này bao gồm Kỹ thuật Cơ điện tử thuộc Trường Cơ khí; Kỹ thuật Điện tử viễn thông thuộc Trường Điện – Điện tử; Kỹ thuật Hóa học thuộc Viễn Kỹ thuật Hóa học và Kỹ thuật Vật liệu thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu.

Chất lượng đào tạo là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh và học sinh. Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo cũng chính là cam kết của Bách khoa Hà Nội với xã hội. Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2017 – 2025, Trường đặt mục tiêu nâng tầm giáo dục - đào tạo lên ngang chuẩn của khu vực và quốc tế.

Bách khoa Hà Nội là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam áp dụng hệ thống tiêu chuẩn ISO 21001:2018 để quản lý chất lượng giáo dục “toàn diện và công bằng”. Tiêu chuẩn ISO 21001:2018 giúp Bách khoa Hà Nội tối ưu hóa hoạt động giảng dạy và học tập và tinh giản các quy trình làm việc cho phù hợp với xu thế phát triển giáo dục trên thế giới và phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Học sinh và phụ huynh tìm hiểu thông tin về Đại học Bách khoa Hà Nội trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh 2022. Ảnh: CCPR.

Ngoài ra để đảm bảo tính khách quan, Bách khoa Hà Nội chọn các bộ tiêu chuẩn với các quy tắc kiểm định chất lượng khắt khe của quốc tế, bao gồm AUN-QA, để làm cơ sở khẳng định chất lượng của mình

Việc tham gia kiểm định quốc tế là cách một trường đại học chứng minh với doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng, và với phụ huynh cùng học sinh rằng: Nhà Trường đào tạo ra nguồn nhân lực theo chuẩn chất lượng được kiểm soát nghiêm ngặt.

Bộ tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức AUN giúp nâng cao và duy trì mức độ đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á. AUN-QA tạo ra sự liên thông và công nhận chất lượng đào tạo giữa các trường đại học trong và ngoài AUN.

Đây là bộ tiêu chuẩn với các quy tắc khắt khe. Mỗi quy tắc đều có các tiêu chí cụ thể và tập trung đánh giá những điều kiện đảm bảo chất lượng của toàn chương trình đào tạo. Theo đó, AUN đánh giá toàn diện các chương trình đào tạo ở nhiều khía cạnh bao gồm chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, kết nối giữa nhà trường, sinh viên, doanh nghiệp v…v…

“Bách khoa Hà Nội coi việc đánh giá và kiểm định chất lượng của các chương trình đào tạo là nhiệm vụ thường xuyên, minh chứng cho sự ổn định, tính hiệu quả trong quản trị, tự đánh giá và nâng cao chất lượng,” PGS. TS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng, phát biểu tại lễ khai mạc. Ông nhấn mạnh AUN-QA đã đóng góp một phần không nhỏ trong nỗ lực nâng cao chất lượng của Trường.

PGS. TS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởngBách khoa Hà Nội, phát biểu tại lễ khai mạc đợt tái kiểm định AUN-QA ngày 19/9. Ảnh chụp màn hình. 

Ông Prem Anand M Arjunan, trưởng đoàn công tác của đợt đánh giá lần thứ 295, cho biết do tác động của dịch COVID-19, các chuyên gia AUN-QA không thể đến Việt Nam để đánh giá trực tiếp. Thay vào đó, việc kiểm định được tiến hành theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, việc đánh giá và kiểm định vẫn diễn ra đúng tiến độ.

AUN-QA được thành lập năm 1998, trực thuộc Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á. Năm 2004, sáng kiến đánh giá chất lượng giáo dục tại các trường đại học trong khu vực Đông Nam Á đã được AUN xây dựng thông qua bộ tiêu chuẩn chung về chất lượng AUN-QA (ASEAN University Network – Quality Assurance).

Với quy trình kiểm định minh bạch, bộ tiêu chuẩn AUN-QA đánh giá toàn diện chất lượng đào tạo và được công nhận bởi hệ thống giáo dục của các quốc gia trong và ngoài trong khu vực Đông Nam Á.

Ngoài ra, kiểm định AUN-QA còn thúc đẩy trao đổi sinh viên. Sinh viên các trường thành viên có cơ hội chuyển đổi tín chỉ giữa chương trình đào tạo của các trường.

CCPR

TIN LIÊN QUAN:

Tổ chức kiểm định AUN-QA: ‘Chất lượng không phải là bề ngoài ấn tượng'

Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế về chất lượng đào tạo

Bách khoa Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng thông qua kiểm định quốc tế

Tác giả: Phạm Hồng Hạnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây