Thành lập Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ hàn và ghép nối

Thứ ba - 10/01/2023 05:31
z4029844222362 e9f22ee888e632b9837dd6b77780609a
Cắt băng khánh thành thành lập Trung tâm Nghiên cứu công nghệ hàn và ghép nối. Ảnh: Duy Thành
Lễ Công bố Quyết định Thành lập Trung tâm Nghiên cứu công nghệ hàn và ghép nối long trọng được tổ chức sáng nay, ngày 10/1, để khởi đầu chuỗi hoạt đầy ý nghĩa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam.

Thay mặt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, ông Furudate Seiki, Bí thư thứ nhất Nguyên trưởng Ban văn hóa ĐSQ Nhật tại Việt Nam đọc thư chúc mừng và đánh giá cao những đóng góp của Đại học trong lĩnh vực này khi là đơn vị duy nhất trong ASEAN có bộ môn Hàn và Công nghệ kim loại. Ông khẳng định vị thế Bách khoa Hà Nội là đại học kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam.
 
20230110 CBO 6856
Ông Furudate Seiki, Bí thư thứ nhất ĐSQ Nhật tại Việt Nam thay mặt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đọc thư chúc mừng thành lập Trung tâm. Ảnh: Duy Thành
Trung tâm Nghiên cứu công nghệ hàn và ghép nối trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực Hàn cho Đại học Bách khoa Hà Nội – Việt Nam” với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại là 550 triệu Yên từ Chính phủ Nhật Bản. Trung tâm được thành lập thuộc Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội với 3 Phòng thí nghiệm: Quá trình hàn, Luyện kim hàn và Vật lý hàn.

Hoạt động tập trung xoay quanh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo đại học và sau đại học. Kết quả đầu ra là các hoạt động chuyển giao công nghệ, tăng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, góp phần giữ vững và tăng vị trí xếp hạng quốc tế của Đại học Bách khoa Hà Nội trong khu vực và trên thế giới.

“Việc thành lập Trung tâm tại thời điểm này là rất đúng lúc và kịp thời, bởi nhu cầu rất lớn về nghiên cứu chuyên sâu hàn trong nước không được đáp ứng”, TS. Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Tổng hội Cơ khí Việt Nam khẳng định. Với đặc thù riêng, công nghệ hàn có thể tạo ra các sản phẩm siêu nhỏ, siêu nhẹ, đến siêu trường, siêu trọng trong nhiều môi trường bao gồm mặt đất, dưới nước, hay không gian vũ trụ. Đây là phương pháp ghép nối chính cho các kết cấu thép, được ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành dầu khí, ô tô, điện,...

Các công nghệ hàn được ứng dụng để sản xuất kết cấu cơ khí cho lĩnh vực năng lượng mới và bền vững như: Trụ điện gió, bồn chứa khí ga hóa lỏng... Bên cạnh đó, hàn vảy là một trong sáu công đoạn của quá trình chế tạo chip bán dẫn, và ghép nối các linh kiện điện tử vào bảng mạch. Có thể thấy, lĩnh vực hàn và ghép nối đã có mặt ít nhất ở hai trong bốn hướng ưu tiên phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn này.
 
222
Toàn cảnh Lễ Công bố Quyết định Thành lập Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Hàn và Ghép nối. Ảnh: Duy Thành
Theo Phó Hiệu trưởng PGS. Huỳnh Đăng Chính, việc đặt Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Hàn và Ghép nối tại Bách khoa Hà Nội được Chính phủ hai nước đầu tư hướng đến hỗ trợ phát triển công nghệ cốt lõi cho các ngành sản xuất và kiến tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Hàn và Ghép nối đạt chuẩn quốc tế.

PGS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kỳ vọng sự ra đời của Trung tâm sẽ tạo mối liên kết chặt chẽ giữa đại học hai nước với các doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề tồn tại thực tế trong lĩnh vực Hàn và Ghép nối ở Việt Nam và khu vực.

Cũng trong buổi lễ, Bản hợp tác Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa phương giữa Trường Cơ khí, Viện nghiên cứu Công nghệ Hàn và Ghép nối (Đại học Osaka), công ty Kobelco Steel và Thai Kobelco Welding và Bản hợp tác song phương giữa Trường Cơ khí và PV Gas cũng được ký kết.
 
20230110 CBO 6907
Hai Bản hợp tác Nghiên cứu khoa học và Chuyển giao công nghệ được ký kết trong buổi lễ. Ảnh: Duy Thành
Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Hàn và Ghép nối được công bố thành lập là kết quả quá trình hợp tác từ năm 2013 đến nay, giữa Bộ môn Hàn và Công nghệ kim loại, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Hàn và Ghép nối, Đại học Osaka. Hai Bên đã hợp tác đào tạo được 4 nghiên cứu sinh, tổ chức nhiều hội thảo khoa học hàng năm; đồng thời ký kết và thực hiện 4 hợp tác nghiên cứu với doanh nghiệp, 2 trong số đó đã hoàn thành và 2 đang tiếp tục triển khai.

Từ năm 2018, hai bên đã tích cực xúc tiến các thỏa thuận hợp tác thông qua các dự án nhỏ về nghiên cứu, tiêu biểu như: Thỏa thuận hợp tác “Nghiên cứu ảnh hưởng của hàn hồ quang TIG bằng dòng xoay chiều ứng dụng trong hàn hợp kim nhôm” với tập đoàn Nippon Sanso (TNSC) (27/12/2018); dự án hợp tác “Nghiên cứu hiện tượng hồ quang trong quá trình hàn MAG bằng dây lõi thuốc” với công ty Kobel Steel và Thai-Kobe Welding (1/4/2019); dự án hợp tác “Nghiên cứu ảnh hưởng sức cản của gió tới quá trình hàn MIG/MAG thép cacbon với tập đoàn Daihen và công ty OTC Daihen châu Á (1/10/2019).

Tháng 11/2018, Câu lạc bộ nghiên cứu hàn Việt Nam đã được thành lập để thúc đẩy phát triển hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Những kết quả hợp tác này là tiền đề quan trọng để phát triển và đẩy mạnh hợp tác về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ hàn và ghép nối giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Osaka lên một tầm cao mới.
Hà Kim

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây