“Những con đường mới trong xúc tác - Mở đường cho một tương lai bền vững”

Thứ sáu - 11/11/2022 04:30
Ông Stefan Hase Bergen – Giám đốc DAAD khu vực Đông Nam Á  phát biểu khai mạc Hội thảo
Ông Stefan Hase Bergen – Giám đốc DAAD khu vực Đông Nam Á  phát biểu khai mạc Hội thảo
Đây là chủ đề của buổi hội thảo về các mục tiêu phát triển bền vững RoHan DAAD lần thứ 6 được tổ chức tại Bách khoa Hà Nội.

Từ ngày 07/11 đến 10/11/2022, tại thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Đại học Rostock, Viện xúc tác Leibniz (LIKAT) và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia Hà Nội tổ chức Hội thảo về các mục tiêu phát triển bền vững RoHan DAAD lần thứ 6 năm 2022 với chủ đề “Những con đường mới trong xúc tác - Mở đường cho một tương lai bền vững”.

Dự án RoHan (Rostock – Hà Nội) là một chương trình được Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) do Bộ hợp tác và phát triển kinh tế Liên bang Đức (BMZ) tài trợ, về việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Mục đích của dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển khoa học và công nghệ thông qua đào tạo các nhà khoa học Việt Nam trình độ cao tại các trường đại học tham gia dự án phía Đức và Việt Nam. Dự án kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu về phát triển bền vững vào năm 2030.

Trong khuôn khổ Hội thảo thuộc dự án diễn ra từ ngày 07/11 đến 10/11/2022, 60 bài thuyết trình và Poster với các ý tưởng mới và các chủ đề nghiên cứu bền vững trong xúc tác đã được trình bày tại sự kiện này.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung chia sẻ những kết quả nghiên cứu tập trung vào các chủ đề chính trong lĩnh vực hóa học gồm: xúc tác hóa học bền vững, quang xúc tác, xúc tác công nghiệp, xúc  tác trong chuyển hóa chất thải sinh học, xúc tác xử lý môi trường không khí và nước... Trong đó, nhiều kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn được trình bày bởi nhà khoa học có uy tín trên thế giới. 

Hội thảo đã tạo cơ hội cho các nhà khoa học, chuyên gia không chỉ giao lưu trao đổi học thuật, tiếp cận với công nghệ tiên tiến, xu hướng đổi mới trong lĩnh vực hóa học đang diễn ra trên quy mô cầu mà còn thúc đẩy mạng lưới hợp tác nghiên cứu giữa các trường ĐH, viện nghiên cứu nhằm phục vụ sự phát triển KH&CN của Việt Nam hiện nay.
TS. Esteban Mejia trình bày nghiên cứu vật liệu xúc tác phát triển từ vỏ trấu Việt Nam
Trường Đại học tổng hợp Rostock, Viện nghiên cứu xúc tác Leibniz, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội là các đối tác tham gia dự án RoHan. Dự án được thực hiện trong hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 từ năm 2016 đến 2020 đã kết thúc thành công, góp phần đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ cho Đại học Bách khoa Hà Nội, khoảng trên 20 cán bộ sang trao đổi và hợp tác nghiên cứu tại Rostock trong thời gian từ 1 tháng đến 3 năm.

Giai đoạn 2 từ năm 2021 đến năm 2025 nhằm tiếp tục phát triển những kết quả đã đạt được từ giai đoạn 1. Trong giai đoạn này, dự án tập trung thúc đẩy sự phát triển của Phòng thí nghiệm RoHan được đầu tư trong giai đoạn 1 thành trung tâm xúc tác Việt Đức (GeViCat center). Đây sẽ là nơi để đào tạo các NCS, ThS của chương trình RoHan, nơi nghiên cứu của các sinh viên sau đại học từ Đức và các nước trong khu vực châu Á, cũng như từ các trường đại học tại Việt Nam, các đơn vị khác của Đại học Bách khoa Hà Nội cùng trao đổi, hợp tác nghiên cứu.
Các nhà khoa học tham quan Trung tâm xúc tác Việt Đức
Với trọng tâm này, dự án kỳ vọng sau khi giai đoạn 2 kết thúc, trung tâm sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu quốc tế độc lập, thu hút cán bộ khoa học trong và ngoài nước đến trao đổi hợp tác.

Bên cạnh đó, dự án cũng thúc đẩy sự phát triển của chương trình Double Degree Thạc sỹ Hóa học giữa đại học Rostock và Đại học Bách khoa Hà Nội, đã được ký kết cuối giai đoạn 1, để phát triển thành 1 chương trình thường xuyên và liên tục giữa 2 trường ngay cả sau khi giai đoạn 2 kết thúc.

Xem thêm thông tin về chương trình RoHan tại: http://www.rohan-sdg.com/index.php/home.html.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây