Hậu phương vững chắc của các “nữ tướng” Bách khoa 

Thứ sáu - 10/03/2023 20:00
Hậu phương vững chắc của các “nữ tướng” Bách khoa 
Tự tin, năng động, bản lĩnh ngoài xã hội, đảm đang, quán xuyến chu đáo việc gia đình…, đó là chân dung những nhà quản lý nữ Đại học Bách khoa Hà Nội. Càng thêm cảm phục khi biết rằng các cô không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là người phụ nữ khéo giữ lửa gia đình, có “một nửa” rất tâm lý, sẻ chia chung tay xây dựng tổ ấm hạnh phúc. Cùng nghe những tâm sự của họ về hậu phương vững chắc của mình – động lực để các “nữ tướng” Bách khoa phấn đấu đóng góp cho Đại học Bách khoa Hà Nội. 
 
PGS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Đại học Bách khoa Hà Nội: 

“Gia đình hoà thuận - Nền tảng để phụ nữ phấn đấu tốt hơn trong sự nghiệp” 

Chị Tuyết và gia đình

“Tôi luôn tâm niệm rằng, sư cân bằng giữa công việc và gia đình là điều rất quan trọng. Phụ nữ là người giữ lửa trong gia đình và gia đình yên ấm là nền tảng để người phụ nữ phấn đấu tốt hơn trong sự nghiệp. 

Với tôi, cân bằng giữa công việc và gia đình là một quá trình tự điều chỉnh. Từ lúc ra trường, đi làm, lập gia đình, có con, và nuôi con khôn lớn, mỗi giai đoạn đều đòi hỏi mình phải có sự điều chỉnh phù hợp.  Khi nhận công tác quản lý, tôi đã đắn đo suy nghĩ rất nhiều bởi sẽ phải làm việc Viện và Trường nhiều hơn và rất cần sự ủng hộ từ phía gia đình. Chồng tôi đã để tôi quyết định còn các con thì chúng vui vẻ lựa chọn hộ tôi. Ông xã cũng làm công tác quản lý nên thông cảm mỗi khi vợ gặp áp lực trong công việc. Đặc biệt là anh sẵn sàng chia vui khi vợ có những thành công nho nhỏ - điều này rất có ý nghĩa với tôi, khuyến khích tôi tiếp tục công việc. 

Xin kể một kỷ niệm của gia đình. Trước đây, chồng tôi hầu như không nấu nướng. Sau khi có bé thứ hai, việc nhiều, tôi cũng ôm đồm nên đã bị một trận ốm và phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng một thời gian. Ông xã “giác ngộ” và bắt đầu chia sẻ việc nhà bằng cách mua các tập san dạy nấu ăn để có thể vào bếp. Buồn cười là với món ăn đơn giản nhưng khi nấu thì anh mô tả cứ như đang thi “MasterChef”, khiến mấy đứa nhỏ thấy thú vị và ăn uống rất ngon miệng. Sau đợt đó, tủ sách trong nhà có hẳn một ngăn chứa toàn tập san dạy nấu ăn, tự dưng thấy biết ơn ông xã vô cùng! Anh có vẻ thích nấu ăn, đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn vào bếp trổ tài “cải thiện” bữa ăn cho cả nhà”. 
 
PGS. Phan Thanh Thảo – Viện trưởng Viện Dệt may, Da giày và Thời trang: 

“Sự cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc là giá trị to lớn nhất người phụ nữ tạo ra mỗi ngày” 

Chị Thảo và gia đình

“Ai cũng có 24 giờ mỗi ngày, quan trọng nhất là giá trị của thời gian mà mình tạo ra là gì! Theo tôi, sự cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc chính là giá trị to lớn nhất người phụ nữ tạo ra mỗi ngày. Là bà mẹ của 3 con, tôi nhận thấy người mẹ trong gia đình như trung tâm điều phối. Vợ chồng tôi cùng quan điểm tôn trọng nhau, không câu nệ, rạch ròi trong phân công việc nhà nhưng luôn ý thức giúp nhau việc nhà, động viên nhau làm tốt công việc, nhất là khi cần đầu tư thời gian, đầu tư công sức. Và bản thân người phụ nữ phải nỗ lực rất nhiều. 

Với cá nhân tôi, việc luôn có kế hoạch rõ ràng và duy trì “kỷ luật thép” để hoàn thành tiến độ công việc là bảo bối giúp tôi vừa làm tốt công việc, vừa chủ động cùng chồng chăm con, vun vén gia đình cũng như tham gia công tác xã hội, đoàn thể. Chồng tôi là trưởng phòng một bộ phận của Công ty Giấy Việt Nam. Anh bận công việc nên cũng đi công tác, họp hành suốt. Cả hai vợ chồng cùng đam mê công việc nên rất thông cảm, chia sẻ với nhau. 

Thật lòng, tôi rất cảm ơn chồng vì luôn đồng hành cùng tôi chăm lo các công việc của bốn bên gia đình nội ngoại lẫn công việc giản dị hàng ngày để tôi có thể dành nhiều thời gian hơn công việc chuyên môn và quản lý của mình. Ngày cuối tuần, anh dành thời gian cùng vợ đi chợ, rồi hai vợ chồng cùng vào bếp sơ chế thực phẩm, bàn nhau nấu món gì để tiện lợi nhất, vừa vẫn an toàn thực phẩm “chuẩn cơm mẹ nấu” mà thời gian chuẩn bị là nhanh nhất. 

Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có một người chồng biết thông cảm, chia sẻ và được bố mẹ gia đình hai bên ủng hộ!” 
 
PGS. Phạm Thị Thanh Hồng – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý: 

“Sự ủng hộ của gia đình rất quan trọng khi mình làm nhiều công việc một lúc” 

Chị Hồng và chồng

“Bản thân tôi luôn quan niệm người phụ nữ làm công tác quản lý chỉ thực sự thành công khi thành đạt về sự nghiệp và chu toàn trong cuộc sống gia đình. Chính vì vậy dù đảm nhiệm vị trí lãnh đạo nho nhỏ với công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian bên gia đình. Sự ủng hộ của gia đình là điều rất quan trọng khi mình làm nhiều công việc một lúc. Tôi luôn cảm thấy mình may mắn, có một gia đình hạnh phúc, được những người thân ủng hộ và khuyến khích.  

Chồng tôi công tác tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Công việc của hai vợ chồng tôi khá giống nhau, chồng tôi nghiêng về nghiên cứu, tôi thì nghiêng về giảng dạy. Tôi chia sẻ được với anh nhiều điều trong chuyên môn. Nếu cơ quan tổ chức hội thảo, anh lại như một “trợ lý” đặc biệt, giới thiệu cho tôi các chuyên gia bên ngoài. Chúng tôi tâm đầu ý hợp cả trong cuộc sống và công việc! 

Tôi rất cảm ơn chồng và các con vì sự thấu hiểu, thông cảm để tôi được theo đuổi đam mê và dành thời gian cho công việc. Như nhiều hôm họp hành về muộn, chỉ cần nhắn chồng một câu: “Em về muộn nhé” là anh vui vẻ đồng ý. Mấy bố con tự lo cơm nước, các con tự giác học hành, sắp xếp việc nhà, vui vẻ đón chờ tôi về. Đây là nguồn động viên lớn lao để tôi tiếp tục phấn đấu và đóng góp một phần nào đó trong sự phát triển chung của Viện Kinh tế và Quản lý, của Đại học Bách khoa Hà Nội.” 
Mỹ Linh (ghi) 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây