Sinh viên ĐHBK Hà Nội tiếp cận kiến thức công nghệ tiên tiến lò phản ứng hạt nhân nước sôi

Chủ nhật - 08/05/2016 22:34

Lò phản ứng hạt nhân nước sôi (BWR), hay còn gọi tắt là lò phản ứng nước sôi là lò phản ứng hạt nhân thuộc nhóm nước nhẹ được phát triển tại Hoa Kỳ vào giữa thập niên 1950 và hiện đang được sử dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhằm cập nhật một số kiến thức cơ bản về công nghệ của lò BWR trên phương diện công nghệ hoạt động và mức độ an toàn hạt nhân, ngày 09/05/2016, tại Hội thảo C2, Công ty GE Hitachi Nuclear Energy (GEH)– Hoa Kỳ phối hợp với Trường ĐHBK Hà Nội tổ chức Hội thảo ngành kỹ thuật hạt nhân “Thiết kế lò phản ứng hạt nhân nước sôi đơn giản tiết kiệm”.

Công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến của loại lò thế hệ thứ 3+ ESBWR (Economic Simplified Boiling Water Reactor) và những vấn đề liên quan đến tính chất an toàn trong hoạt động của loại lò này là những nội dung chính được giới thiệu trong bài thuyết trình của hai chuyên gia kỹ thuật hạt nhân của GEH và Việt Nam là TS Christer Dahlgren và TS Hoàng Xuân Hòa. Đây được coi là là sự phát triển mới nhất của công nghệ tiên tiến lò phản ứng hạt nhân nước sôi và đã được chứng minh bởi GEH.

TS Christer Dahlgren giới thiệu về công nghệ của Lò phản ứng hạt nhân nước sôi BWR
TS Christer Dahlgren giới thiệu về công nghệ của Lò phản ứng hạt nhân nước sôi BWR

Qua bài giảng này, sinh viên Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường (KTHN&VLMT), Trường ĐHBK Hà Nội đã được tiếp cận nhiều vấn đề về công nghệ của loại lò BWR, từ đó hoàn chỉnh hơn kiến thức về các loại công nghệ lò phản ứng hạt nhân nước sôi thông dụng hiện nay trên thế giới. Các chuyên gia đã trình bày nhiều tính năng, ưu điểm nổi bật và nhược điểm của lò BWR, đặc biệt là lò thế hệ 3+ ESBWR. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cung cấp thông tin về yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của lò, an toàn trong vận hành lò và an toàn hạt nhân nhằm nâng cao kiến thức và thái độ văn hóa an toàn hạt nhân cho sinh viên Việt Nam.

Kể từ khi thỏa thuận hợp tác giữa Trường ĐHBK Hà Nội và Công ty GEH chính thức được ký kết vào năm 2014, các bài giảng về công nghệ lò phản ứng hạt nhân đã trở thành một hoạt động thường niên đối với sinh viên Viện KTHN&VLMT nói riêng và Trường ĐHBK Hà Nội nói chung. Được biết, GEH là nhà cung cấp, sản xuất lò BWR và các dịch vụ công nghệ hạt nhân tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay với nhiểu năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này. Vì vậy, các chương trình đào tạo, bài giảng được thiết kế bởi các chuyên gia GEH sẽ cung cấp các kiến thức thiết thực cho hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học cũng như phát triển nghề nghiệp của sinh viên trong tương lai.

TS Trần Kim Tuấn – Viện trưởng Viện KTHN&VLMT tin tưởng: “Thông qua chương trình hợp tác đào tạo này, sinh viên Trường ĐHBK Hà Nội có cơ hội tiếp cận kiến thức và công nghệ của GEH trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và hạt nhân, góp sức vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tập trung ưu tiên việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ chiến lược phát triển năng lượng hạt nhân dài hạn tại nước ta”. 

Một số tính năng đặc biệt của lò ESBWR

  • Công suất: 1600MW
  • Có một vòng tuần hoàn tải nhiệt, khác với lò PWR có hai vòng tuần hoàn độc lập
  • An toàn hơn lò PWR do nhiệt độ và áp suất trong thùng lò nhỏ hơn so với PWR
  • Tận dụng nhiều cơ chế vật lý để ổn định quá trình hoạt động lò nên xác suất xảy ra sự cố thấp hơn, đặc biệt là các sự cố nặng.
  • Sử dụng hệ an toàn thụ động (Passive Containment Cooling System), nâng cao tính tin cậy của các hệ thống an toàn khi có sự cố xảy ra.
  • Không cần tắt lò khi có sự cố xảy ra lúc lò đang hoạt động, do đó tính kinh tế cao và ít thiết bị hơn so với công nghệ lò PWR.
 

Hoàng Anh
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: TT TT & QHCC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây