Bách khoa Hà Nội và EVN hợp tác đưa hai dự án nghiên cứu vào thực tiễn

Thứ năm - 22/10/2020 21:52

Bách khoa Hà Nội cùng Tổng công ty phát điện 1 lần đầu tiên triển khai hai dự án nghiên cứu cho nhà máy điện về ổn định công suất và xử lý chất thải không khí, với tổng kinh phí lên đến 5,6 tỷ đồng.

Bách khoa Hà Nội và Tổng công ty phát điện 1, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tham gia ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ vào ngày 21/10 nhằm chính thức triển khai hai đề tài hai đề tài của PGS. Nguyễn Hồng Quang về “Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống kiểm nghiệm bộ ổn định công suất PSS ứng dụng cho nhà máy điện” và TS. Lương Xuân Điển về “Nghiên cứu tái chế vật liệu xúc tác xử lý các khí oxit nitơ gây ô nhiễm không khí tại Tổng công ty Phát điện 1”.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Tổng giám đốc, khẳng định đây là những đề tài cụ thể, hỗ trợ tăng năng suất, hiệu quả cho các nhà máy điện của Tổng công ty và giải quyết được những vấn đề nóng hổi trong công nghiệp về xử lý chất thải môi trường.

Ông Nguyễn Hữu Thịnh, Tổng giám đốc Tổng công ty phát điện 1, chia sẻ kỳ vọng về hai dự án tại Lễ ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ ngày 21/10/2020. Ảnh: Kim Chi

Theo PGS. Nguyễn Hồng Quang, cả hai dự án đều xuất phát từ những nhu cầu rất thực tế. Xu hướng tăng mạnh của các nhà máy năng lượng tái tạo tại Việt Nam đặt áp lực lên hệ thống lưới điện quốc gia, yêu cầu các nhà máy điện cần có công suất hoạt động ổn định. Thông tư số 25 của Bộ Công thương quy định các tổ máy phát điện có công suất trên 30 MW đều phải trang bị thiết bị PSS để đảm bảo ổn định hệ thống điện.

Tuy nhiên, xét trên thực trang hiện nay, ông cho rằng nhiều nhà máy điện ở Việt Nam chưa nắm được cách đánh giá chất lượng PSS và hướng thay đổi trong trường hợp không đạt chất lượng. Chủ nghiệm đề tài cũng cho biết đã bắt đầu nghiên cứu về chủ đề này từ 4-5 năm, và kỳ vọng sẽ có thể đưa ra những hướng đi cụ thể để giải quyết nhu cầu của doanh nghiệp.

PGS. Nguyễn Hồng Quang, Chủ nhiệm đề tài, phát biểu tại Lễ ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ ngày 21/10/2020. Ảnh: Kim Chi

Bên cạnh đó, đề tài thứ hai của TS. Lương Xuân Điển về xử lý các chất thải không khí có thể sẽ tiết kiệm cho Tổng công ty hàng chục tỷ đồng trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng nhà trường, kỳ vọng sự hợp tác lần này là cơ hội để Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát triển các dự án nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ. Ngoài hai đề tài trên, ba đề tài của Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cũng đã đi đến những vòng thẩm định cuối cùng của tập đoàn EVN.

Trong khuôn khổ Thỏa thuận đã ký vào ngày 17/12/2019 giữa hai bên, sự hợp tác của hai đơn vị đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận về đào tạo. Theo đó, Viện Điện đã triển khai một khóa đào tạo về “Phân tích, đánh giá và chẩn đoán, xử lý bất thường sự cố hệ thống máy phát điện” cho cán bộ của Tổng công ty với kinh phí là 86 triệu đồng. 4 khóa đào tạo về kỹ thuật cho các nhà máy thủy điện dự kiến sẽ được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng và triển khai trong thời gian tới.

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây