Thi Đánh giá tư duy 2023: 3 đợt thi, 9 cụm thi, hơn 19.000 lượt thi, 32 trường ĐH, học viện sử dụng kết quả

Thứ sáu - 09/06/2023 23:22
4 học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy
4 học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội tham dự kỳ thi Đánh giá tư duy
Sáng nay (10/6/2023), tại 9 cụm thi: Hà Nội (10 trường đại học, học viện); Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, hơn 7.300 thí sinh đã tham dự đợt thi Đánh giá tư duy đầu tiên do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì tổ chức. Tiếp sau đợt thi này, Bách khoa Hà Nội tiếp tục tổ chức 2 đợt thi Đánh giá tư duy vào ngày 17/6 và ngày 8/7. 32 trường ĐH, học viện sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển thí sinh.

Điểm thi Đại học Bách khoa Hà Nội: Con đi thi, bố mẹ đi thăm trường!


Các con thi ở tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, các ông bố bà mẹ tìm nơi mát mẻ quanh đó để ngồi đợi. Hỏi các anh chị sao không đi về nghỉ ngơi nhận được câu trả lời chung: Chúng tôi ngồi đây để… ngắm Bách khoa!
20230610 CBO 9001
Các học sinh được gọi vào phòng thi
20230610 CBO 8985
Các ông bố, bà mẹ ngồi ngắm... Bách khoa!
Chị Tạ Thị Huế đưa con gái đi thi Đánh giá tư duy Bách khoa. Con chị Huế học Trường THPT Quang Trung (Hải Dương), đã trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội theo diện XTTN 1.3 vào Viện Toán ứng dụng và Tin học, nhưng hôm nay vẫn thi Đánh giá tư duy để trải nghiệm kỳ thi. “Cháu nhà tôi con gái mà thích học Bách khoa. Cháu nó bảo Bách khoa là trường tốp đầu, ra trường có việc làm luôn. Tôi chỉ cần con học xong có việc làm là mừng lắm rồi” – Chị Huế chia sẻ.

Còn chị Phạm Thị Thanh và con trai – học sinh Trường THPT chuyên Lam Sơn - đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội từ hôm qua. Ở Thanh Hóa có cụm thi Trường Đại học Hồng Đức nhưng hai mẹ con nhất quyết chọn thi ở “trụ sở chính” Đại học Bách khoa Hà Nội để con đi thi, mẹ tham quan trường! “Anh chị của cháu học Bách khoa hết, tốt nghiệp xong đi làm toàn lương trăm triệu. Vậy nên con tôi chỉ mong muốn được học tại Bách khoa Hà Nội”. Con chị Thanh có giải Toán của Hội Toán học, cứ tiếc vì không trong diện XTTN do kỳ thi không nằm trong hệ thống của Bộ GD&ĐT. “Tiếc lắm, nếu được công nhận là cháu chắc chân luôn ở Bách khoa giống con chị Huế rồi. Cháu chỉ thích mỗi Đại học Bách khoa Hà Nội thôi” – Chị Thanh tiếc nuối nói.
20230610 DSC 6927
Từ trái sang: Chị Tạ Thị Huế, Phạm Thị Thanh và một bà mẹ ở Hà Nội "tám" chuyện trong lúc chờ con thi
20230610 DSC 6924
Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Vinh và con trai nhỏ ngồi ngoài Thư viện Tạ Quang Bửu chờ con thi xong
Còn thí sinh Nguyễn Đức Anh được cả bố mẹ cùng em trai “tháp tùng” đi thi Đánh giá tư duy. Bố của em - anh Nguyễn Ngọc Vinh, làm xây dựng và vợ là giáo viên chia sẻ: Nhà tôi ở Giao Thủy, Nam Định. Cháu nhà tôi học lớp chọn, Trường THPT Giao Thủy B. Con tôi mơ ước học ở Bách khoa – trường tốp đầu về khoa học kỹ thuật. Bạn bè cháu cũng đều thế. Con tôi vào phòng thi rồi mà quên mang tẩy. Tôi đang hồi hộp lắm, không biết có ảnh hưởng đến việc con làm bài không…

Biết thông tin con làm bài thi 100% trên máy tính, không cần dùng tẩy, vợ chồng anh Vinh mới yên tâm.

Các bà mẹ vừa ngồi “tám” chuyện thi cử, con cái, vừa ngồi… xoa bóp chân. Chị Thanh chỉ mấy chỗ ở chân đang dán urgo nói với chị Huế: Bách khoa xanh, sạch đẹp và rộng thật. Em đi chơi Bách khoa từ sáng, chân rộp cả lên mà mới đi một góc thôi. Chị Huế đồng tình: “Bách khoa bao la ý!”

Thí sinh thích thi trên máy tính, nội dung đề thi đặc trưng riêng Đại học Bách khoa Hà Nội

Sau 150 phút làm bài, ra khỏi phòng thi, các thí sinh đều bày tỏ sự ủng hộ việc tổ chức thi trên máy tính của Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhận xét chung là bài thi thiết kế đẹp, phông chữ to, rõ ràng, thiết kế các nút bấm tiện lợi cho thí sinh, đặc biệt có thể quay lại để làm các câu chưa làm; được nhìn tổng thể đề thi, đánh giá mức độ khó dễ từ đó lựa chọn câu dễ làm trước, câu khó làm sau; giúp học sinh tiếp cận được hình thức thi hiện đại của thế giới.

Thí sinh Lê Quốc Anh – Trường THPT HES, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội đi thi một mình và coi kỳ thi như một lần thử sức mình. Quốc Anh đăng ký thi 2 đợt kỳ thi Đánh giá tư duy: “Anh trai em học ngành Hệ thống Điện, Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh kể nhiểu về Bách khoa với em, nơi có các thầy cô giáo rất giỏi chuyên môn. Anh trai em học năm thứ 4 và đã đi làm rồi. Anh lưu ý em nếu học Bách khoa không được lơ là môn Giải tích và Đại số”. Được biết, cậu học sinh cao 1m83 cũng lựa chọn NV1 là Hệ thống Điện, ngành học giống anh trai.

Ra khỏi phòng thi, Quốc Anh nhận xét phần thi Toán khá khó, em làm không kịp thời gian. Phần thi Khoa học và Đọc hiểu vừa sức. Quốc Anh thích nhất câu hỏi về cối xay nước. "Em nhớ câu hỏi là phần ống lấy nước của cối xay nước cách mặt nước bao nhiêu thì lấy được nhiều nước nhất. Em ấn tượng câu hỏi này và cũng làm được, chỉ không biết đúng hay sai. Đợt thi sau em sẽ rút kinh nghiệm phân bổ thời gian làm bài tốt hơn. Đợt thi này em chỉ làm được khoảng 65%" - Quốc Anh nói. 
20230610 CBO 9227
Thí sinh Dương Trọng Tuấn Anh – Lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Bắc Ninh
 Dương Trọng Tuấn Anh – Lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT chuyên Bắc Ninh thể hiện tình yêu với Bách khoa khi có nhận xét: Giao diện bài thi có màu đỏ. Nhìn thôi là em liên tưởng ngay đến Bách khoa Hà Nội rồi. Đề thi đúng tính chất đánh giá tư duy của học sinh. 

Tuấn Anh vốn đã đỗ Bách khoa Hà Nội theo diện XTTN 1.3 với thành tích thi học sinh giỏi đạt giải Ba môn Vật lý cấp tỉnh và học sinh trường chuyên. Lần này Tuấn Anh muốn trải nghiệm xem thi Đánh giá tư duy là như thế nào. Cậu học sinh Bắc Ninh “siêu thích thú” những dạng bài môn Toán hay thấy trong bài tốt nghiệp THPT, nhưng ở kỳ thi này đã được biến tấu không theo những dạng bài đã được học và phải dùng tư duy để làm, như câu hỏi thực tế về cái gàu nước pha trộn giữa Vật lý và Toán hay bài toán liên quan đến bán quạt. “Đây đúng là kỳ thi đặc trưng của Đại học Bách khoa Hà Nội” – Tuấn Anh nói.  

Đã từng chia sẻ với các thầy cô trong vòng phỏng vấn XTTN 1.3, Tuấn Anh tự hào kể lại với mọi người lý do thích Đại học Bách khoa Hà Nội: Gia đình em chưa có ai học Bách khoa nhưng sắp tới sẽ có một sinh viên Bách khoa là em! Em rất thích ngành Kỹ thuật tự động hóa. Và Bách khoa Hà Nội là đại học số 1 cả nước trong đào tạo ngành này. Môi trường học tập ở đây rất kỷ luật. Con người Bách khoa rất giỏi chuyên môn, tận tâm với học trò; Sinh viên Bách khoa chăm chỉ, sáng tạo, chịu khó học hỏi. Em sẽ cố gắng học tại Bách khoa để có cơ hội làm sinh viên trao đổi, giao lưu với các bạn quốc tế!
20230610 CBO 9208
Thí sinh Lăng Hồng Nguyệt Anh – 12A2 Toán, Trường THPT chuyên KHTN, ĐHQG Hà Nội
Giống với Tuấn Anh, bạn cùng phòng thi Lăng Hồng Nguyệt Anh – 12A2 Toán, Trường THPT chuyên KHTN, ĐHQG Hà Nội đã đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội theo diện XTTN 1.3 với thành thích IELTS 7.0 và giải Ba học sinh giỏi Toán cấp Trường. Thi xong, Nguyệt Anh khá hài lòng với bài thi của mình khi làm được 85-90%. Em cho biết kỳ thi Đánh giá tư duy giúp em thể hiện sự toàn diện về khả năng tư duy, không chỉ gói gọn trong việc học các kiến thức trên trường.

Nhận xét về đề thi, nữ sinh trường chuyên Nguyệt Anh chia sẻ: “Em đang hướng đến ngành kỹ thuật ứng dụng và Bách khoa là điểm đến lý tưởng khi là trường là số 1 về đào tạo khoa học kỹ thuật. Em thi ĐGTD để kiểm tra kiến thức bản thân và để có một lần trong đời trải nghiệm kỳ thi đại học. Em thích câu hỏi về bài thi Đánh giá khoa học, phần Vật lý. Bài toán ứng dụng thực tế về mạch điện xe ô tô gây ấn tượng nhất với em. Em làm khoa học kỹ thuật ở trường, có thực hành luôn nên có thể giải quyết bài này mà không phải tính toán nhiều. Bài thi môn Toán mất thời gian làm bài của em nhất. Em từng thi IELTS nên phần Khoa học và Đọc hiểu em làm khá dễ dàng”.
20230610 CBO 9200
Thí sinh Lương Lan Anh – Trường THPT Việt Đức - chia sẻ cảm xúc sau khi thi với Trang Thông tin điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội
Còn Lương Lan Anh – Trường THPT Việt Đức nhận xét bài thi là một thử thách cho em. Cô gái đăng ký thi vào ngành Truyền thông số đa phương tiện và Kỹ thuật In, Trường Vật  liệu. “Lớp em có rất nhiều bạn thi Bách khoa Hà Nội. Hôm nay có một mình em thi ở đây, các bạn đều thi ở địa điểm khác. Em làm được khoảng 80%. Em thích nhất các câu hỏi về Hóa ở bài Đọc hiểu. Đây là môn học em giỏi nhất!”

Nhiều thí sinh thi xong đặt quyết tâm sẽ bổ sung thêm kiến thức về môn Toán để đợt thi sau sẽ làm bài tốt hơn.

Cận cảnh cấu trúc bài thi và hình thức thi ĐGTD

Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định chuyển từ hình thức thi truyền thống (thi giấy, bài thi trắc nghiệm + tự luận) những năm trước bằng hình thức thi trực tuyến trên máy tính tại các phòng máy của cơ sở tổ chức thi.
20230610 CBO 9151
PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc đại học, PGS. Ngô Chí Trung - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế đại học và các cán bộ kiểm tra các phòng thi đầu giờ thi
Theo PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, sau 4 năm tổ chức kỳ thi Đánh giá tư duy, Nhà trường có nhiều cải tiến theo hướng tiện lợi hơn cho thí sinh, nâng cao chất lượng kỳ thi. Thời lượng thi rút ngắn còn 150 phút, các thao tác thi trên máy tính. Ngoài ra còn một loạt phương án về ra đề, nội dung thi, điểm thi… theo nguyên tắc khảo thí hiện đại.

Hình thức thi trắc nghiệm với nhiều loại hình câu hỏi: Chọn phương án đúng; Chọn câu trả lời đúng hoặc sai; Điền đáp án; Kéo/thả đáp án. Bài thi ĐGTD đã được điều chỉnh theo hướng gọn nhẹ (150 phút), với 3 phần thi: Tư duy toán học (60 phút), Đọc hiểu (30 phút) và Tư duy khoa học/giải quyết vấn đề (60 phút). Câu hỏi được thiết kế theo thang đo tư duy với 3 mức: Mức 1 – Tư duy tái hiện; Mức 2 – Tư duy suy luận; Mức 3 – Tư duy bậc cao.

Việc cải tiến hướng tới mục tiêu đánh giá tốt hơn năng lực tư duy của thí sinh, đảm bảo thí sinh được chọn đáp ứng được yêu cầu về năng lực học tập trong các trường đại học, đặc biệt là Bách khoa Hà Nội. “Chúng tôi đã tham vấn đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước cũng như tham khảo các phương pháp khảo thí hiện đại của thế giới như SAT, ACT, từ đó quyết định ra phương án thi có một cái nhìn tổng quan hơn, đánh giá kỹ lưỡng hơn về thí sinh trong quá trình làm bài. Cùng chuyên gia, Bách khoa Hà Nội đã xây dựng một nền tảng thi, kiểm tra đánh giá nhiều lần thông qua các lần thi thử, thử nghiệm, đánh giá nhiều lần, đánh giá chất lượng câu hỏi cũng như chất lượng của nền tảng thi này. Đến nay, cá nhân tôi hoàn toàn yên tâm về nền tảng thi này” - PGS. Nguyễn Phong Điền cho biết.

Việc kiểm soát thí sinh trước khi vào phòng thi cũng rất hiện đại, thí sinh chỉ cần quét căn cước công dân là hiện đầy đủ thông tin cá nhân. “Phương án kiểm soát người thi đảm bảo đúng người sẽ trở nên phổ biến ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Công nghệ không mới nhưng giúp Nhà trường ngay lập tức có thông tin trên hệ thống dữ liệu, cập nhật trực tuyến”. – PGS. Nguyễn Phong Điền khẳng định.
20230610 CBO 9171
TS. Nguyễn Hồng Phương - Giảng viên Trường CNTT&TT - kiểm tra kỹ thuật cho các thí sinh trước giờ thi
20230610 CBO 9135
Toàn cảnh một phòng thi tại Đại học Bách khoa Hà Nội
Về công tác giám sát kỳ thi, theo PGS. Trần Trung Kiên – Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh thi trực tuyến trên máy tính, giám thị sẽ sử dụng phần mềm giám sát thi trong suốt thời gian thí sinh đăng nhập vào phần mềm thi và làm bài thi.

Các giám thị Kỳ thi Đánh giá tư duy Đại học Bách khoa Hà Nội tại 9 cụm thi đều được tập huấn kỹ các tình huống có thể xảy ra trong phòng thi và cách xử lý; tập huấn kiểm soát các vật dụng được phép mang vào phòng thi; phòng ngừa việc thí sinh cố tình gian lận, chụp ảnh đề thi.

Trước đó, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức các đợt thi thử nghiệm (ngày 25/2, 2/4, 13/5 và 21/5) và đợt thi online ngày 9/4/2023, chuẩn hóa quy trình tổ chức thi, đảm bảo an toàn, an ninh, bảo mật theo đúng quy định. Đại học Bách khoa Hà Nội cũng phối hợp với VTV7 ra mắt chuỗi bài giảng “chinh phục Kỳ thi Đánh giá tư duy” để thí sinh có thể tự ôn tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
20230610 CBO 9139
Các thí sinh rất tập trung trước giờ thi
“Điểm danh” 32 trường ĐH, học viện sử dụng kết quả thi ĐTGD để xét tuyển

Ngày 1/6/2023, Hội đồng tuyển sinh Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2023. Theo đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đai học chính quy là 7.985 sinh viên, trong đó 15-20% cho phương thức xét tuyển tài năng, 85-90% xét tuyển theo điểm thi (Tốt nghiệp THPT và Đánh giá tư duy).

Đến cuối tháng 5/2023, tổng số thí sinh đăng ký dự thi Đánh giá tư duy (ĐGTD) là 10.211 (với 19.225 lượt thi). Thí sinh sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có giá trị trong 2 năm để đăng ký xét tuyển và 32 cơ sở giáo dục đại học trên cả nước (Xem danh sách 32 trường, học viện sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá tư duy để xét tuyển TẠI ĐÂY)

Chi tiết địa điểm tổ chức thi xem TẠI ĐÂY
 
Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Kỳ thi Đánh giá tư duy trên máy tính.  Nhà trường đã phối hợp với các cơ sở tổ chức thi chuẩn bị rất kỹ về cơ sở vật chất, như: Rà soát số lượng máy tính, phòng máy tính, cấu hình theo yêu cầu; Đảm bảo về đường truyền internet; Cài đặt phần mềm thi, phần mềm giám sát thi; Chuẩn bị các thiết bị kiểm tra Căn cước công dân, rà soát an ninh; Các phòng thi đảm bảo có máy tính dự phòng; Những phòng thi chưa có vách ngăn sẽ bố trí giãn cách.

Trong trường hợp thí sinh mắc Covid-19, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thực hiện theo những hướng dẫn của Bộ Y tế do hiện tại, Covid-19 đã được coi như bệnh cúm mùa thông thường.

Tại các điểm thi, Đại học Bách khoa Hà Nội bố trí cán bộ y tế trực trong suốt thời gian thí sinh tham gia thi. Chính vì vậy những thí sinh có vấn đề về sức khỏe sẽ được kiểm tra và xử lý theo quy trình.
Gia Hân
Ảnh: Kim Chi - Kiên Phạm - Duy Bách
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây