Cận cảnh quản lý tài sản trí tuệ ở Bách khoa Hà Nội

Thứ hai - 18/07/2022 20:56

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh NCKH trong Nhà trường bằng các dự án đặt hàng, các cơ chế lương thưởng… cho các công trình được công bố, khuyến khích đội ngũ giảng viên đầu tư cho các NCKH. Việc xây dựng chiến lược khoa học và công nghệ một cách bài bản đã được Bách khoa đầu tư mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy hoạt động NCKH, trở thành nguồn lực và động lực cho các thầy/cô giáo thực hiện.

Mới đây, trả lời phỏng vấn báo chí, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - đã rất cởi mở chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm của Nhà trường liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ và quản lý tài sản trí tuệ trong các trường đại học nói chung và tại Bách khoa Hà Nội nói riêng. 

PGS. Huỳnh Quyết Thắng tham quan Triển lãm các sản phẩm NCKH của sinh viên Bách khoa Hà Nội năm 2022

3 tăng trưởng vẽ bức tranh quản lý tài sản trí tuệ tại Bách khoa 

PV: Thưa PGS, ông đánh giá như thế nào về vai trò của hoạt động sở hữu trí tuệ với các trường đại học hiện nay?

PGS. Huỳnh Quyết Thắng: Tài sản trí tuệ hình thành từ các hoạt động tư duy và sáng tạo của con người. Trong các trường đại học, tài sản trí tuệ được hình thành trong quá trình đào tạo và nghiên cứu của nhà trường một cách hết sức tự nhiên: Các sản phẩm NCKH, các bài báo, đồ án, các giải pháp hữu ích, các bằng độc quyền sáng chế.

Từ đó, có thể thấy vai trò của sở hữu trí tuệ rất quan trọng trong một trường đại học. Hai khía cạnh đặc biệt của việc quản lý sở hữu trí tuệ ở các trường đại học: 

Tài sản trí tuệ là một khâu không thể thiếu trong quản lý. Xét một cách toàn diện, trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của nhà trường đó là một bộ phận rất quan trọng. Làm thế nào để quản lý được tài sản trí tuệ của các thầy, cô, các em sinh viên là một việc rất quan trọng của mỗi nhà trường, là động lực để thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu của các thầy/cô.

Bên cạnh đó, việc quản lý các tài sản trí tuệ của nhà trường sẽ là điều kiện pháp lý để đảm bảo cho hoạt động NCKH của các thầy/cô đúng theo Luật Sở hữu trí tuệ. Các thầy/cô và các em sinh viên có thể thành lập các công ty start-up, công ty spin-off, lúc đó, quyền của các thầy/cô sẽ được bảo hộ thông qua Luật Sở hữu trí tuệ. 

Sinh viên Bách khoa Hà Nội thuyết trình về NCKH của mình trước Hội đồng các thầy/cô giáo (6/2022)

PV: PGS đánh giá thế nào về hiệu quả các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ tại các trường đại học nói chung và tại Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng?

PGS. Huỳnh Quyết Thắng: Nhận thức được tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong trường đại học, trong thời gian qua, các trường đại học – đặc biệt là các trường đại học kỹ thuật công nghệ - đã rất chú trọng phát huy năng lực của các thầy/cô trong NCKH. Nhiều trường đại học đã phát huy rất tốt việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu để có nhiều hơn nữa sản phẩm về sở hữu trí tuệ. Cụ thể như các kết quả nghiên cứu tốt có thể đưa vào thực tế; có thêm nhiều bằng độc quyền sáng chế; có nhiều giải pháp hữu ích… Từ đó, sáng tạo ra các sản phẩm, tài sản sở hữu trí tuệ;

Cùng đó, các trường đại học đã chú ý đến việc khai thác các nguồn tư liệu sở hữu trí tuệ mở, đưa được những kết quả nhân loại đã có vào các nghiên cứu của các thầy/cô một cách đúng luật. 

Theo tôi, các trường đại học trong giai đoạn vừa rồi đã phát huy rất tốt những điều này.

Với riêng Đại học Bách khoa Hà Nội, có 3 điều nói lên tính hiệu quả của các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ. 

Thứ nhất, tăng trưởng các bài báo công bố quốc tế theo đúng tinh thần của liêm chính khoa học; 

Thứ hai, tăng trưởng số lượng các giải pháp hữu ích, độc quyền sáng chế của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn vừa qua;

Thứ ba, tăng trưởng số lượng các kết quả đề tài được chuyển giao vào thực tế thông qua ngân sách mà nhà trường thu được và số lượng các công ty start-up, spin-off của Nhà trường được mở ra. 

Theo tôi, đó là sự tiến bộ vượt bậc trong việc áp dụng, ứng dụng và quản lý sở hữu trí tuệ ở các trường đại học kỹ thuật nói chung và của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng.

Giảng viên Bách khoa Hà Nội làm việc trong phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hỗ trợ nghiên cứu do SAHEP tài trợ

3 giải pháp nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ trong trường đại học

PV: Trường Đại học Bách khoa luôn tự tin là đơn vị dẫn đầu trong các hoạt động sở hữu trí tuệ trong khối các trường đại học ở Việt Nam: 2 năm liền được Giải thường Innovation Award của Clarivate về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Được biết, tính đến thời điểm này, Trường có 22 bằng độc quyền sáng chế và 40 bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Từ kinh nghiệm của Bách khoa Hà Nội, theo PGS, để nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ cho các trường đại học, theo ông, cần triển khai các giải pháp gì?

PGS. Huỳnh Quyết Thắng:  Từ kinh nghiệm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cũng là kinh nghiệm chung của các trường khoa học kỹ thuật, chúng tôi thấy có một số nội dung sau có thể coi như là bài học để nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ:

Từ phía các trường đại học, có 3 giải pháp rất quan trọng:

1. Truyền thông tới các thầy/cô để hiểu rõ về sở hữu trí tuệ, liêm chính khoa học, Luật Sở hữu trí tuệ. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, sáng tạo, phải giữ đúng quy định về sở hữu trí tuệ.

2. Nhà trường phải tìm ra các nguồn lực để có thể thúc đẩy việc nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của các thầy/cô. Nhà trường có kinh phí, việc triển khai các đề tài, sáng tạo, sở hữu trí tuệ sẽ được đẩy mạnh hơn, giúp cho các thầy/cô hoạt động được một cách đầy đủ.

3. Các trường đại học cần phải hình thành những đơn vị, tổ chức như các phòng/ban để hỗ trợ, hướng dẫn các thầy/cô, các nhà khoa học các thủ tục xin đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ cho các giải pháp hữu ích hay bằng độc quyền sáng chế; đồng thời hỗ trợ các thầy/cô trong việc đảm bảo tính pháp lý cho nghiên cứu của mình. 

Song song với đó, việc phối hợp giữa các trường đại học và Cục Sở hữu trí tuệ trong toàn bộ hoạt động về NCKH của trường đại học cũng rất quan trọng. Từ những kinh nghiệm của Trường Đại học Bách khoa, theo chúng tôi, để đảm bảo nhà trường và doanh nghiệp có động lực thúc đẩy tốt hơn các tài sản trí tuệ, quyền sở hữu trí tuệ,  về phía các cơ quan nhà nước như Cục Sở hữu trí tuệ, các bộ phận chuyên ngành cần: 

1. Có những giải pháp để đảm bảo không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đảm bảo việc thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. 

2. Có những cơ chế để hỗ trợ tốt hơn những nguồn kinh phí thực hiện NCKH và sáng tạo ở các trường đại học.

3. Hiện nay, mô hình kết hợp giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong NCKH thực sự quan trọng. Từ đó, các cơ quan nhà nước cần có những giải pháp để trích 20% từ nguồn kinh phí, quỹ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, đổi mới sáng tạo, những công nghệ có thể áp dụng ngay tại các doanh nghiệp, trong đó đảm bảo quyền về tài sản trí tuệ của cả nhà trường và doanh nghiệp. 

PGS. Huỳnh Quyết Thắng phát biểu tại Hội thảo về Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo liên kết với thị trường trong các trường đại học tại Việt Nam do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với WB tổ chức (3/2022)

Mô hình giúp triển khai mạnh mẽ việc quản lý sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

PV: Xin PGS cho biết sự phối hợp giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và Cục Sở hữu trí tuệ trong việc nỗ lực đẩy mạnh quản lý sở hữu trí tuệ trong nhà trường thời gian qua và hiệu quả cụ thể đã thu được?

PGS. Huỳnh Quyết Thắng: Trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi đánh giá rất cao vai trò dẫn dắt, hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và các trường đại học nói chung. Liên quan đến vấn đề tài sản trí tuệ và bản quyền sở hữu trí tuệ, có thể kể đến một số nội dung, hoạt động đã mang lại rất nhiều lợi ích cho các trường đại học.

Thứ nhất, những khóa học nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cho các giảng viên, các nhà khoa học của các trường đại học. Các khóa học này đã được tổ chức thường xuyên ở trong nước, mời thêm các chuyên gia quốc tế và tổ chức quốc tế để đảm bảo sự hội nhập của Việt Nam trong công việc đảm bảo sở hữu trí tuệ theo Luật của Việt Nam theo thông lệ quốc tế.

Thứ hai, hình thành mô hình (cá nhân tôi đánh giá rất hay) mạng lưới các trường/viện để đảm bảo sở hữu trí tuệ, trong đó Cục Sở hữu trí tuệ là trung tâm, các trường đại học là thành viên của mạng lưới, chia sẻ các kinh nghiệm và hỗ trợ các nội dung liên quan đến công tác bản quyền và sở hữu trí tuệ.

Ví dụ: Cục Sở hữu trí tuệ thông qua mạng lưới này đã hỗ trợ rất tốt cho các trường đại học để làm giấy đăng ký bản quyền đúng luật, đảm bảo chuyên môn cao, từ đó cấp bằng độc quyền hoặc giấy phép sở hữu trí tuệ theo đúng quy định. 

Thứ ba, các chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức rất tốt những khóa học chuyên sâu theo đúng quy trình của thế giới. Các nhà khoa học, các thầy/cô của Đại học Bách khoa Hà Nội và lãnh đạo của Trường trong lĩnh vực khoa học công nghệ đã tham gia đầy đủ 15 khóa học do Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức, qua đó, nâng cao nhận thức và kỹ năng, kinh nghiệm trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. 

Thời điểm hiện tại, chúng tôi cho rằng cần phải có những kết quả nghiên cứu, hình thành những doanh nghiệp start-up và spin-off. Lúc đó, vai trò định giá của các nghiên cứu còn quan trọng hơn nữa.

Chúng tôi – các trường đại học đang trong quá trình này – rất cần sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ trong việc hình thành bài toán định giá kết quả sản phẩm khoa học công nghệ, từ đó đưa ra được những giải pháp đúng cho việc phát triển mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, có thêm nhiều doanh nghiệp start-up và spin-off trên nền tảng các giấy phép về sở hữu trí tuệ; được định giá, lượng giá tài sản trí tuệ của các giấy phép này.

PV: Xin cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!

Vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ với các trường đại học là một sự kết hợp chặt chẽ hữu cơ giữa hai bên. Chỉ có sự kết hợp chặt chẽ như vậy thông qua mạng lưới sở hữu trí tuệ theo mô hình HUP (Cục Sở hữu trí tuệ) - TISC (các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo) sẽ giúp cho cả Cục và cả các trường đại học triển khai mạnh mẽ việc quản lý sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 


CCPR (ghi) 

 Tags: SAHEP
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây