Bách khoa Hà Nội phá vỡ định kiến giới trong kỹ thuật, công nghệ

Thứ ba - 07/03/2023 20:00
Các thành viên Chi hội Nữ Trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội trong chuyến công tác tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (2/2023). Ảnh: Chi hội Nữ Trí thức Bách khoa
Các thành viên Chi hội Nữ Trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội trong chuyến công tác tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (2/2023). Ảnh: Chi hội Nữ Trí thức Bách khoa
Nhân dịp 8/3, hỏi chuyện PGS. Trần Ngọc Khiêm – Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Đại học Bách khoa Hà Nội về chị em ở Bách khoa, những thành tích, chính sách khuyến khích, hỗ trợ chị em công tác, cống hiến… cứ vui lây với những tình cảm yêu mến, sự tự hào về các đồng nghiệp nữ Bách khoa của thầy trưởng ban thân thiện, cởi mở. 

Trong hơn 66 năm xây dựng và trưởng thành, các cán bộ, giảng viên nữ của Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, trong các phong trào của nữ giới, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, xây dựng Nhà trường ổn định và phát triển vững mạnh. Các chị em đều có ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, trong công tác giảng dạy và phục vụ giảng dạy cũng như NCKH.
20230304 DSC 3766
Các giảng viên, cán bộ Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội duyên dáng trong Ngày hội văn hóa, ẩm thực quốc tế chào mừng ngày 8/3/2023. Ảnh: Tường Vi
Bức tranh về cán bộ, giảng viên, sinh viên nữ tại Đại học Bách khoa Hà Nội

* Xin hỏi ấn tượng của thầy về những cán bộ, giảng viên nữ của Đại học Bách khoa Hà Nội là như thế nào?

- Người ta hay nói phụ nữ là phái yếu, nhưng thực ra phụ nữ nói chung và phụ nữ Bách khoa Hà Nội nói riêng rất mạnh mẽ, làm việc thông minh. Chị em Bách khoa Hà Nội có suy nghĩ độc lập, tính tự chủ cao, kết quả công việc tốt, điều này rất quan trọng với những đơn vị tự chủ như Đại học Bách khoa Hà Nội. Tôi có cơ hội học thạc sỹ và gắn bó công tác tại Bách khoa, làm việc rất nhiều với đồng nghiệp nữ và có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp với các đồng nghiệp nữ trong suốt quá trình làm việc của mình. 

Trong những năm qua, chị em hoạt động chuyên môn rất tích cực, đặc biệt là NCKH. Rất nhiều chị em nhận được các đề tài lớn, những giải thưởng uy tín trong và ngoài nước. Tôi cho rằng đó là cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu rất nhiều. Tôi rất nể phục những đồng nghiệp nữ tôi có cơ hội làm việc cùng, cảm thấy mình và các anh em Bách khoa Hà Nội đã rất may mắn khi được làm việc với họ, những người vừa trách nhiệm, vừa thông minh, đặc biệt là tận tình, tận tâm với sự phát triển của Nhà trường. 

* Bức tranh về cán bộ, giảng viên, sinh viên nữ tại Đại học Bách khoa Hà Nội hiện nay là như thế nào, thưa thầy?

- Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, số lượng giảng viên nữ hiện nay chiếm hơn 35% và số lượng nữ sinh chiếm khoảng 21%. Hiện giảng viên/ cán bộ nữ có trình độ tiến sĩ của Đại học Bách khoa Hà Nội là khoảng 250 người, chiếm khoảng 1/3. Đây là những con số khá ấn tượng với một trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam. 

Đại học Bách khoa đã tạo ra một môi trường thuận lợi để cho cán bộ nói chung trong đó có chị em phụ nữ phát huy tối đa tiềm năng của mình. Trong những năm gần đây, tỷ lệ cán bộ nữ của Bách khoa được cải thiện, đặc biệt khi Bách khoa Hà Nội mở ra nhiều chuyên ngành mới, phù hợp hơn với cán bộ nữ. Các chị em có môi trường để phát triển, cống hiến hết tâm sức. Ngoài hoạt động chuyên môn, giảng dạy, họ rất chú trọng đến việc nghiên cứu và phát triển bản thân. 
20210114 Image 043
PGS. Trần Ngọc Khiêm - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
* Theo cảm nhận của thầy, đã có thay đổi như thế nào đối với phụ nữ trong ngành kỹ thuật và công nghệ nói chung và các nhà khoa học nữ Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng kể từ khi thầy công tác tại Bách khoa?

- Từ lúc vào trường đến giờ, tôi thấy nhiều thay đổi lắm. Một là do thay đổi chung của xã hội khi bên cạnh Luật Bình đẳng giới, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị định, nghị quyết để tạo điều kiện và khuyến khích nữ giới tham gia vào tất cả các hoạt động, kể cả những lĩnh vực mà nam giới hiện đang chiếm đa số. Hai là bản thân Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có rất nhiều thay đổi. 

Ví dụ như trước đây, Bách khoa Hà Nội là trường đại học kỹ thuật công nghệ, tập trung vào những ngành công nghệ đòi hỏi kỹ năng liên quan đến nam giới nhiều hơn. Tuy nhiên, những năm gần đây chuyển sang phát triển cả các ngành khoa học (science). Ở đây nên tách rời một chút khoa học và công nghệ. Khoa học có thể là nghiên cứu, viết bài, làm phòng thí nghiệm…, công nghệ có thể triển khai ở thực tế nhiều hơn. Sự phát triển như vậy đã khiến môi trường để chị em NCKH tốt hơn. Có những việc đơn thuần là làm thí nghiệm, đo đạc, đưa kết quả để viết bài, công bố công trình nghiên cứu trên các tạp chí khác nhau. 

Môi trường rộng mở hơn, tạo cơ hội cho tất cả mọi người, trong đó có chị em. Nữ giới Bách khoa Hà Nội đang dần chứng minh được vai trò cũng như tài năng và nhiệt huyết qua những đóng góp trong NCKH, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và kỹ thuật.

* Thưa thầy, những thành tích đạt được, nỗ lực phấn đấu, đam mê NCKH… của chị em có là động lực để anh em Đại học Bách khoa Hà Nội cố gắng hơn không?

- (Cười) Tôi cho rằng đó là động lực chung! Nhà trường tạo ra một môi trường thuận lợi và tương đối bình đẳng cho cả nam và nữ để cùng nhau nghiên cứu, cùng nhau phát triển. Động lực cho anh em cố gắng cũng có một phần nào đó, vì chị em cố gắng thì môi trường hoạt động sẽ sôi nổi, tích cực hơn. 

Trong những năm gần đây, không phải là phong trào thi đua gì cả nhưng cán bộ Đại học Bách khoa Hà Nội NCKH tích cực hơn, các công trình tốt hơn. Những kết quả nghiên cứu tốt, những tấm gương nỗ lực vươn lên tạo động lực cho cả hai giới, thúc đẩy họ phối hợp với nhau! Nói nhỏ: Trong nhóm nghiên cứu mà có thành viên nữ ít nhiều tạo động lực cho cả nhóm.  Không phải là vấn đề ganh đua đâu, mà là anh em chúng tôi muốn làm cái gì đấy cho chị em xem!
20221217 CBO 2236
Niềm vui của các cán bộ, giảng viên Bách khoa Hà Nội tại Hội thao Công đoàn năm 2022. Ảnh: Duy Thành
Chị em phụ nữ Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến bộ lắm rồi!

* Là Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Đại học Bách khoa Hà Nội, theo thầy, hiện phụ nữ Bách khoa Hà Nội đã có những tiến bộ gì so với trước?

- Thực tế, chị em đã tiến bộ lắm rồi. Cái gọi là Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ được thực hiện theo chính sách, quy định chung. Những vấn đề bình đẳng giới, chống bạo lực giới… diễn ra ở đâu đấy vùng sâu, vùng xa chứ không nhắm vào đối tượng là chị em phụ nữ Bách khoa Hà Nội. Tiến bộ ở đây có thể hiểu là tạo ra môi trường bình đẳng để mọi người cùng phát triển chứ không phải vì người ta không tiến bộ mà mình phải làm gì đấy cho tiến bộ hơn; Không phải vì chị em chưa tiến bộ mà cần có Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ để làm cho chị em tiến bộ hơn!

* Các chị em đều rất tiến bộ rồi, nếu như thế công việc của Trưởng Ban như thầy chắc cũng không có gì quá vất vả…

- Các chị em Bách khoa Hà Nội tiến bộ lắm rồi, mình chỉ làm cho tốt lên thôi. Trong năm vừa rồi Ban có các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ - Mọi sự đổi mới đều bắt đầu từ nhận thức, nên nhận thức đúng thì sẽ có hành động đúng; bên cạnh đó, nếu ai đó thấy rằng mình chưa được ứng xử phù hợp thì mọi người sẽ biết có nơi để xử lý. 

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Đại học Bách khoa Hà Nội có tôi thành viên BGH là Trưởng ban, để thấy BGH rất quan tâm đến việc này. Dù gì thì phụ nữ trong môi trường kỹ thuật cũng vất vả nhất định so với nam giới nên việc quan tâm hơn cũng là phù hợp. Thế mới là bình đẳng. Khi bàn bạc những chủ trương, chính sách, tôi với vai trò vừa là Phó Hiệu trưởng, vừa là Trưởng ban sẽ đề xuất, trao đổi với tập thể lãnh đạo để những hoạt động của Ban ngày càng hiệu quả hơn. 

Thành viên trong Ban nhiều chị em nữ. Có lẽ chị em nữ hiểu nhau hơn, hỗ trợ, giải quyết các vấn đề của nhau dễ hơn. Ban có 2 đồng chí phó phòng, 1 đồng chí trưởng phòng, 1 đồng chí BCH công đoàn. Chị em đề xuất, kiến nghị, BGH và các phòng ban liên quan, các tổ chức đoàn thể sẽ chú trọng để bảo vệ quyền cho chị em một cách tốt nhất. 

* Tên Ban là Vì sự tiến bộ phụ nữ nhưng phải chăng anh em cũng phải cùng tiến bộ thì mục tiêu bình đằng giới mới đạt được hiệu quả, thưa thầy?

- Thực tế, tiến bộ là tạo ra một môi trường thuận lợi để mọi người cùng phát triển, cùng tương tác, cùng tiến bộ. Không phải lúc nào cũng dùng đến chính sách, xây dựng chế tài, quy định… mà đầu tiên là vận động tuyên truyền xây dựng một môi trường bình đẳng, dễ chịu, phù hợp cho các bên cùng phát triển, tạo động lực cho nhau. Cán bộ, giảng viên nói chung của Bách khoa đa số đều đã du học ở các nước tiên tiến, bản thân họ có nhận thức rất cao về bình đẳng giới. Và chính họ cũng là đối tượng góp phần xây dựng môi trường bình đẳng tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bách khoa đã và đang tuyên truyền sâu rộng thông qua các hoạt động của Đoàn, Hội, các sinh viên nam cũng hiểu hơn về vấn đề giới, bình đẳng giới, dần dẫn sẽ thay đổi. Môi trường đại học – môi trường tri thức sẽ làm cho các em tự thay đổi từng ngày, học thầy, học bạn.  

* Thưa thầy, Đại học Bách khoa Hà Nội có chính sách gì ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích cho chị em phụ nữ không?

- Tôi cho rằng đã tạo ra một môi trường bình đằng giới mà lúc nào cũng nghĩ tạo ra một cái gì đó để ưu tiên, khuyến khích thành một chính sách thì cũng không hợp lý, có khi lại khiến chị em chạnh lòng. Đại học Bách khoa Hà Nội tạo ra một chính sách phù hợp và quan tâm hơn để chị em có tâm thế thoải mái như nam giới khi làm việc, giảng dạy, NCKH… như nam giới. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bách khoa không chỉ vì cán bộ, giảng viên đâu, mà còn phối hợp với Công đoàn, Ban Nữ công, Hội Nữ Trí thức, Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên…vận động, tuyên truyền có những hoạt động hướng tới cán bộ, giảng viên, sinh viên nói chung và chị em và nữ sinh viên Bách khoa nói riêng. 

Trong năm 2022, Hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội hoạt động rất mạnh mẽ, tạo ra 7 bài giảng đại chúng truyền bá tri thức đến cộng đồng. Những bài giảng này mang lại niềm vui/hạnh phúc cho tất cả các phía. Người thụ hưởng thấy mình thêm được tri thức, còn các cô giáo cũng rất vui và thấy bài giảng của mình có giá trị. Chúng tôi rất hoan nghênh các hoạt động của Hội NTT. 

Cá nhân tôi có xem một vài bài giảng. Các cô giáo chuẩn bị bài rất công phu nhưng tiếp cận lại rất nhẹ nhàng, để cho người thụ hưởng (tương đối đại chúng) dễ dàng tiếp thu. Đó là điều rất hay. Vì nói cho cùng, dạy học nói chung là gợi mở để người học vươn lên chiếm lĩnh kiến thức, tạo ra môi trường thoải mái, gợi mở để họ thấy việc đó cần thiết. Bài giảng cùa các cô thực sự hữu ích. 

Thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phối hợp với Hội Nữ Trí thức để triển khai một chương trình/quỹ hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu nữ. Việc này đã bắt đầu triển khai từ năm 2022 rồi, năm 2023 sẽ thành hiện thực, sẽ có nhà tài trợ cho các hoạt động này. 

* Thưa thầy, có một đặc thù nào nhận diện Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cho các nhà khoa học không? Nhiều người hay nghĩ rằng khi nhà khoa học là lãnh đạo với các thành viên cũng là nhà khoa học, nói đến Ban là nhắc đến tính toán các chỉ số?

- (Cười) Không có đặc thù nào đâu! Điều đặc biệt có lẽ đó là sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội với một thành viên BGH là thành viên Ban, luôn tham mưu, đề xuất các nội dung phù hợp với chị em trong mọi chính sách của Nhà trường. Còn nếu nhà khoa học mà đo đếm chỉ số, tính toán thì lúc đó là một cái gì đó rất căng thẳng, nặng nề. Những thứ đong đếm được thì là dễ - như chờ ai vi phạm thì xử lý, nhưng tạo ra một môi trường thân thiện, hòa đồng, mọi người cùng tiến bộ mới khó. 

Tôi cho rằng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bách khoa tốt nhất không nên có cái gì để đong đếm mà tuyên truyền, vận động để mọi người thay đổi, nhận thức đúng, nhận thức tốt về việc mình làm, tạo ra môi trường chung về bình đẳng giới, không có bạo hành. Trong những năm gần đây, Bách khoa Hà Nội thay đổi rất nhiều, vai trò của mọi người, trong đó có vai trò cán bộ nữ được nâng lên rất rõ rệt. Khi môi trường tốt, thuận lợi, người ta không cần nhìn xem môi trường chỉ số như thế nào mà nhìn sự thành công của phụ nữ! Một môi trường như thế sẽ tốt hơn cho phụ nữ, đồng thời tốt hơn cho tất cả mọi người. 
20221217 CBO 2260
Các cán bộ, giảng viên Bách khoa Hà Nội phấn khởi tham gia vào các hoạt động do Công đoàn Đại học Bách khoa tổ chức. Ảnh: Duy Thành

  Điểm nhấn trong 365 ngày để mọi người quan tâm hơn đến nhau


* Thưa thầy, vợ thầy ở nhà có bao giờ hỏi thầy làm Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ thì làm những gì ở trường không?

- Vợ tôi là cán bộ nhân sự, rất hiểu rằng đất nước, xã hội ta ở đâu đó vẫn còn bất bình đẳng giới, và vẫn cần có người công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ. Còn việc cụ thể làm như thế nào chúng tôi vẫn trao đổi với nhau. Nhà tôi cũng giống như môi trường ở Đại học Bách khoa Hà Nội, mọi người nhận thức rất đầy đủ về giới, về bình đằng giới. 

* Thầy vừa là nhà quản lý, vừa đi giảng dạy, tham gia NCKH, vậy thầy dành thời gian như thế nào để chia sẻ cùng vợ việc gia đình, chăm sóc con cái?

- Ngoài giờ làm ở trường, về nhà tôi vẫn làm tất cả mọi việc nhà, nếu vợ chưa về, không có ai ở nhà thì mình nấu cơm! Chia sẻ vui: Ở nhà bố mẹ tôi, vấn đề bình đẳng giới rất tốt, thậm chí còn hơi bất bình đẳng ở phía ngược lại, có chút tính chất “mẫu hệ”! Nên việc cùng chia sẻ việc nhà, nuôi dạy chăm sóc con cái… là việc hết sức bình thường, là điều đương nhiên. 

* Vậy ngày 8/3 ở gia đình thầy thì sẽ như thế nào? 

- Chị em phụ nữ được quan tâm cả 365 ngày, tất nhiên nếu có ngày nào đó làm điểm nhấn thì vẫn thích hơn. Phụ nữ được quan tâm rồi, muốn được quan tâm hơn nữa tôi cho rằng đó cũng là điều rất bình thường. Nên những ngày 8/3, sinh nhật, 20/10 rồi cả ngày 14/2 nữa, ở nhà tôi rất vui, có hoa, có quà chúc mừng những người phụ nữ trong gia đình. 

Còn 8/3 ở Bách khoa năm nào cũng rất ấn tượng. Có năm tổ chức Fashion show, rồi thi văn nghệ, thể thao… Mỗi năm đều có những ấn tượng riêng, chị em tham gia rất tích cực vào các phong trào, hoạt động tưng bừng. Nhưng tôi nhớ nhất năm tổ chức Fashion show, bình thường các cô giản dị, tập trung cao độ cho việc nọ việc kia, không thể ngờ các chị em khi diễn thời trang lại ấn tượng đến vậy. Anh em Bách khoa chúng tôi luôn luôn tự hào về các đồng nghiệp nữ của mình. 

* Một số chị em không thích ngày 8/3, 20/10, họ bảo họ cảm thấy không được bình đẳng, bị coi thường. Quan điểm của thầy thì sao?

- Có một số chị em không thích những ngày mà phụ nữ được tôn vinh, quan tâm, họ cho rằng đó chính là biểu hiện bất bình đẳng giới. Cá nhân tôi nghĩ điều này có phần cực đoan. Vì mỗi thời mỗi khác. Hồi tôi học ở Ý, người Việt mình rất quan tâm đến chị em. Nhân ngày 8/3, tôi và vài người bạn mang quà đến chúc mừng mấy chị ở phòng Hợp tác đối ngoại trường. Họ hỏi tại sao lại mang quà đến tặng? Chúng tôi nói hôm nay là ngày 8/3 – Ngày quốc tế phụ nữ, họ rất ngạc nhiên. Dù 8/3 xuất phát từ châu Âu nhưng châu Âu không kỷ niệm ngày này lâu rồi, họ bình đẳng giới lâu rồi! 

Ở Việt Nam mình, nếu trong 365 ngày quan tâm có một vài ngày điểm nhấn cũng có sao đâu, tất cả mọi người đều vui mà! Đây là cơ hội để mọi người quan tâm nhau hơn. Thực tế, ngày 8/3 cũng không làm chị em yếu đuối hay bất bình đẳng hơn mà là một ngày mỗi người dừng lại một chút để nói chuyện với nhau. Tôi cho rằng nên nghĩ thoải mái hơn một chút. 

*  Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
 
"Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chúc những người phụ nữ Đại học Bách khoa Hà Nội sức khỏe, trí tuệ, nhiều niềm vui, mang lại nhiều hạnh phúc cho anh em!" - PGS. Trần Ngọc Khiêm - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Đại học Bách khoa Hà Nội.
Gia Hân (thực hiện)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây