Bách khoa Hà Nội nỗ lực xây hệ sinh thái đại học – phổ thông bền vững

Thứ tư - 27/07/2022 22:02

Năm 2022, học sinh THPT định hướng nghề nghiệp cùng Bách khoa Hà Nội theo “chiều sâu”

Từ năm học 2018 – 2019Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm STEM thu hút được nhiều học sinh trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Học sinh không những được tham quan học hỏi mà còn được tận tay thực hiện các bài thực hành STEM dưới sự hướng dẫn của cá giảng viên. 

Mục đích của chương trình nhằm cung cấp thông tin về ngành nghề, lĩnh vực đào tạo cũng như tạo cơ hội cho các em học sinh được trải nghiệm môi trường giáo dục đại học; tư vấn, trợ giúp các em lựa chọn và chuẩn bị tốt nhất cho con đường học tập, phát triển nghề nghiệp của mình. Đây là chương trình trải nghiệm có ý nghĩa nhân văn và hoàn toàn miễn phí. Ngoài các buổi trải nghiệm theo kế hoạch, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội còn tổ chức các buổi trải nghiệm cho học sinh theo đơn đặt hàng của các Trường THPT.

Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid, Nhà trường đã triển khai các chương trình tư vấn online, và tiếp tục thiết lập, phát triển các phòng thí nghiệm STEM, khu vực trải nghiệm STEM, phục vụ cho sinh viên và học sinh tham gia NCKH, ngắn hạn và dài hạn.

Thời gian qua, các hoạt động trải nghiệm STEM của Nhà trường đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với học sinh, góp phần định hướng ngành/nghề cho các cô cậu học sinh đang bối rối giữa những lựa chọn nghề nghiệp, là cầu nối/ khởi điểm quan trọng để các học sinh thêm quyết tâm đi theo con đường NCKH, là cú hích để không ít cô tú cậu tú yêu thích, đam mê công nghệ kỹ thuật trở thành sinh viên của Trường…

Năm 2022, Đại học Bách khoa đã nâng tầm các hoạt động trải nghiệm cho học sinh phổ thông tại Trường, kết nối chặt chẽ hơn với các trường phổ thông,  như phân tích của PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Nhà trường tại một Hội nghị về chủ đề STEM do Bộ KH&CN phối hợp với một số đơn vị tổ chức, diễn ra tháng 5/2022: “Tổ chức tham quan, trải nghiệm, định hướng nghề nghiệp, ngày hội tư vấn cho học sinh hiện vẫn đang là những biện pháp được các trường đại học thực hiện, tuy nhiên mới chỉ đi vào bề rộng mà chưa đi vào bề sâu. Với kinh nghiệm nhiều năm trong việc tổ chức những sự kiện như trên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thấy rằng đã đến lúc chúng ta cần phải đi vào thực chất, tìm hiểu được những mong muốn, khát khao của các em học sinh, hướng các em đi sâu vào được những lĩnh vực mà các em mong muốn, tránh hiệu ứng đám đông và ngành “hot”. Muốn được như vậy, cần phải có sự hợp tác và kết nối chặt chẽ của đại học và phổ thông”.

Theo hướng đi này, 5 Viện/Trường của Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị các phòng thí nghiệm và bài giảng, sẵn sàng đón tiếp các đoàn học sinh để các em được tìm hiểu sâu hơn, “đắm” mình trong không khí NCKH. Mỗi bài thí nghiệm sẽ diễn ra trong khoảng 30 – 60 phút, có những bài phức tạp hơn sẽ kéo dài 120 phút. Tại các phòng thí nghiệm, các đoàn học sinh THPT được tiếp cận với các linh kiện, mạch điện (Viện Vật lý Kỹ thuật), trí tuệ nhân tạo (Trường CNTT&TT), chế biến thực phẩm từ nấm men và nho (Viện CNSH và CN Thực phẩm), thực hành lắp ráp robot (Trường Cơ khí và Trường Điện – Điện tử), … 

PGS. Trương Quốc Phong - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết: "Hàng năm, Viện chúng tôi tiếp đón khá nhiều đoàn học sinh chuyên các khối tự nhiên của các trường THPT chuyên khu vực miền Bắc tới tham quan học tập, tìm hiểu về ngành nghề đào tạo để có quyết định lựa chọn ngành học phù hợp. Chúng tôi đang nghiên cứu mô hình học tập trải nghiệm dài ngày hơn khoảng vài tuần đến 1 tháng cho các em học sinh trường chuyên đến tìm hiểu về các khoa/ ngành đào tạo vào dịp hè chứ không phải chỉ 1 buổi hoặc 1 ngày như thế này vì thời gian ngắn quá các em không thể tìm hiểu hết các viện, các khoa trong Trường. Chúng tôi rất chào đón các thầy cô và các em học sinh đến với ĐHBK Hà Nội - một trong những cái nôi đào tạo kỹ thuật đa ngành hàng đầu cả nước".

Phát triển giáo dục STEM cho cộng đồng, Bách khoa sẵn sàng tinh thần phối hợp 

Theo các chuyên gia giáo dục, việc kết nối, hợp tác giữa hệ thống đại học và các trường phổ thông có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong quá trình định hướng nghề nghiệp, tăng khả năng thành công của học sinh khi học tập ở bậc ĐH. Tuy nhiên hiện nay mối liên kết giữa các trường đại học và trường phổ thông chưa thực sự được thiết lập, chưa chặt chẽ và chưa toàn diện, chính vì vậy bản thân các trường ĐH cũng cần thay đổi nhận thức vì đây không phải vấn đề mang lại lợi ích trước mắt, các ĐH phải coi đó là sự hỗ trợ và phát triển nền giáo dục, sự phát triển nguồn nhân lực cho tương lai.

Đối với các trường phổ thông, việc hỗ trợ định hướng sớm cho học sinh về ngành nghề đào tạo sẽ tạo điều kiện cho học sinh được chuẩn bị về kỹ năng, tâm lý cho việc học tập ở môi trường đại học, đặc biệt về phương pháp học tập.

Để thắt chặt mối quan hệ giữa các trường THPT và trường đại học, các trường đại học cần có chủ trương, chính sách chung trong việc kết nối và hợp tác với hệ thống giáo dục phổ thông, xây dựng được hệ sinh thái đại học – phổ thông bền vững. Để thực hiện được việc này, vai trò của các Nhóm trường, các câu lạc bộ đại học là rất quan trọng.

Các đơn vị cũng cần phát huy tinh thần tự chủ trong việc tìm kiếm đối tác, phát triển mối quan hệ hợp tác lâu dài, tin tưởng lẫn nhau, triển khai các hoạt động từ mức độ dễ thực hiện nhất cho đến những hoạt động lớn hơn, cần nhiều nguồn lực hơn. Trong sự hợp tác này, không thể không nhắc đến các Sở Giáo dục và Đào tạo với vai trò tạo cầu nối và hỗ trọ về chủ trương, chính sách.

“Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng phối hợp với các Bộ Ban Ngành, các đơn vị, các đại học quốc gia trong việc phát triển giáo dục STEM cho cộng đồng và mong rằng trong giai đoạn tới, các hoạt động STEM sẽ đạt được những kết quả đáng khích lệ” - PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định.

Để thấy rằng kết nối đại học với phổ thông trong hỗ trợ giáo dục STEM định hướng nghề nghiệp cho học sinh là điều thực sự cần thiết. Nhiều ngành nghề thay đổi, đòi hỏi lớp trẻ chuẩn bị kĩ về hành trang, trong đó thay đổi tư duy tiếp cận. Việc phối hợp giữa các trường đại học – phổ thông cần bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất, như những gì Bách khoa đang nỗ lực sáng tạo, cải tiến trong các chuyến tham quan, trải nghiệm Bách khoa Hà Nội năm 2022 của các em học sinh THPT: Tạo cơ hội cho học sinh tham quan trải nghiệm định hướng nghề nghiệp, gia nhập nhóm nghiên cứu khoa học của giảng viên, lab hỗn hợp… 

Bách khoa Hà Nội đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái đại học - phổ thông một cách bền vững. 

Cảm nhận của những “sinh viên đặc biệt” sau trải nghiệm cùng Bách khoa

Trần Lê Hải Yến - học sinh lớp 10 chuyên Lý - THPT Chuyên Bắc Kạn: “Đại học Bách khoa Hà Nội rất rộng, nhiều cây xanh; các anh chị sinh viên rất chăm và giỏi. Tôi rất vui khi được tham quan Trường, biết thêm nhiều kiến thức mới, qua đó tạo động lực cố gắng để vào Trường trong tương lai”.

Thầy Bùi Đức Hiếu, Giáo viên Toán, Trường THPT Hàng Hải, Hải Phòng: “Học sinh rất hứng thú khi tham quan và trải nghiệm STEM tại ĐHBK Hà Nội. Nhiều em sau khi về có động lực thi vào trường hơn. Thầy cô và phụ huynh đi cùng rất hài lòng khâu tiếp đón và chuẩn bị của phía Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi rất ấn tượng, đây là một chuyến trải nghiệm tuyệt vời”.

Cô Phạm Thị Hạc, Giáo viên Công nghệ, Phó chủ nhiệm CLB STEM, Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương: “Học sinh rất háo hức khi được tham gia trải nghiệm STEM, tham quan các phòng Lab tại ĐHBK Hà Nội. Các bạn rất thích thú khi được trực tiếp nghe các PGS, TS giới thiệu, hướng dẫn làm thí nghiệm về khoa học như quy trình lên men nho và sản xuất kit test xét nghiệm”.

Dưới đây là một số hình ảnh học sinh trường THPT Hàng Hải – Hải Phòng tham gia trải nghiệm Bách khoa ngày 7/6/2022:

CCPR

Tác giả: Trần Thu Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây