Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành cùng Bách khoa trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo

Thứ ba - 06/12/2022 06:03
Đại diện cấp cao của Ngân hàng Thế giới tham quan phòng thí nghiệm tại Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
Đại diện cấp cao của Ngân hàng Thế giới tham quan phòng thí nghiệm tại Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
Bà Mari Pangestu, Giám đốc điều hành Phát triển & Quan hệ đối tác của Ngân hàng thế giới, cho biết tại buổi làm việc: “Chúng tôi mong muốn được tiếp tục là đối tác đáng tin cậy đồng hành cùng Đại học Bách khoa Hà Nội, một trong những đại học danh giá nhất ở Việt Nam, để cùng phát triển và thành công hơn nữa”.

Bách khoa Hà Nội vừa có buổi đón tiếp và làm việc với đại diện cấp cao của Ngân hàng thế giới để thảo luận về các hoạt động của Nhà trường trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo vào ngày 5/12.  
 
DSC7634
Bà Mari Pangestu (trái), Giám đốc điều hành Phát triển & Quan hệ đối tác của Ngân hàng Thế giới và Bà Carrie Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Hà Kim
Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Nhà trường, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2023-2025. Trong thời gian vừa qua, Bách khoa Hà Nội đã rút ra hai bài học lớn: Một là, cần có kết nối mạng lưới các đại học để tập hợp sức mạnh nghiên cứu, chuyển giao và đổi mới sáng tạo; hai là, hệ sinh thái nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo & khởi nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội là mô hình tốt, phù hợp để phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.

Tập hợp sức mạnh nghiên cứu
Trong 10 nhiệm vụ của Đại học Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn 2021-2025, 5 nhiệm vụ tập trung vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trong 2016-2021, với gần 600 tỷ được tập trung cho nghiên cứu, số lượng các bài báo trong nước và quốc tế tăng dần. Nhà trường cũng có chính sách khuyến khích tăng các chỉ số trích dẫn và chỉ số H-Index làm thước đo cho các hoạt động nghiên cứu của các nhà khoa học tại Bách khoa Hà Nội.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho biết, các trường đại học kỹ thuật nên kết nối chặt chẽ để tập hợp nguồn lực nghiên cứu. Tại Việt Nam, 26 trường đại học kỹ thuật kết hợp để thành lập nhóm G26, tạo thành mạng lưới vững chắc để hỗ trợ đăng tải, chia sẻ kết quả và nguồn lực nghiên cứu.
 
DSC7625
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hà Kim
Bên cạnh đó, Bách khoa Hà Nội cũng xác định 4 lĩnh vực nghiên cứu khoa học ưu tiên, phù hợp với giai đoạn phát triển này: Công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh; Năng lượng và Môi trường bền vững; Vật liệu mới; Khoa học và Công nghệ Sức khỏe. Theo Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực trọng yếu phù hợp với sự phát triển của Nhà trường và xã hội.

Hệ sinh thái khởi nghiệp trong đại học hoàn chỉnh nhất ở Việt Nam
Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về Chuyển đổi mô hình sang Đại học của Bách khoa Hà Nội vào ngày 2/12 thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước đối với quá trình phấn đấu và phát triển bền bỉ của Nhà trường trong thời gian qua.

Mô hình đại học được kế thừa từ các mô hình tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn giữ những nét đặc thù của Bách khoa Hà Nội. Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị. Việc thực hiện phân cấp tự chủ diễn ra mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên và thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”.

Các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực ưu tiên được xây dựng và đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các lab nghiên cứu quốc tế. Về đào tạo, các viện, khoa được sáp nhập thành 7-8 trường thuộc, tạo thêm nhiều cơ hội cho các đơn vị đổi mới và sáng tạo liên ngành – đa ngành.
 
DSC7655
Toàn cảnh buổi làm việc của Ngân hàng Thế giới và Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 5/12. Ảnh: Hà Kim
Mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp (ecosystem) bao gồm Công ty Đầu tư và Phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings), Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa BK-Fund và Mạng lưới Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội BK-Alumni giúp hoàn thiện quy trình nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thành lập các công ty khởi nghiệp, khởi nguồn.

TS. Nguyễn Trung Dũng, Tổng giám đốc BK-Holdings, chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng mô hình doanh nghiệp đầu tiên được phép thành lập tại một trường Đại học ở Việt Nam: “Chúng tôi mang tâm thế như một người khởi nghiệp, thành lập ra BK-Holdings. BK-Holdings là một mô hình thí điểm thành công của Chính phủ”.

Theo ông, Đại học Bách khoa Hà Nội là một trường hợp độc đáo trong hệ thống giáo dục đại học tại Việt Nam với một hệ sinh thái hoàn chỉnh, từ ý tưởng với các nghiên cứu chuyên sâu, đến các hoạt động ươm tạo, tăng tốc và cuối cùng là hỗ trợ thương mại hóa thông qua quỹ đầu tư BK Fund.

Các sản phẩm “Make in Bách khoa” đã được nghiên cứu, hình thành và được đưa vào ứng dụng thực tế trong giai đoạn vừa qua như hệ thống công nghệ cho quá trình thẻ căn cước công dân, hệ thống theo dõi không khí, mô hình phân tích dữ liệu việc làm của sinh viên, bên cạnh nhiều sản phẩm hợp tác và chuyển giao công nghệ cho khối nhà nước, doanh nghiệp tư nhân...

Trong 2 năm vừa qua, 7 doanh nghiệp spin-off vừa và nhỏ được hình thành với sự hỗ trợ của Bách khoa Hà Nội với vai trò thúc đẩy hình thành và góp vốn bước đầu. Con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Bà Carrie Turk, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, tin tưởng rằng cùng với sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới, Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt trong công nghệ và kỹ thuật.

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây