Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 21/05/2025 20:16
Tri thức là kho báu quý giá nhất thầy cô giáo mang đến cho học trò trên con đường trở thành một công dân có ích cho xã hội. Đi trên con đường ấy, thế hệ trẻ phải trải qua nhiều gian nan, trắc trở và đôi khi là khó khăn từ kinh tế. Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho sinh viên, PGS. Bùi Long Biên - nguyên giảng viên cao cấp Đại học Bách khoa Hà Nội đã dành tặng 1 tỷ đồng trao học bổng cho những sinh viên Bách khoa nghèo vượt khó.
Thầy giáo bảo vệ thành công luận án tiến sĩ theo chế độ đặc cách
Thầy Bùi Long Biên là sinh viên khoá 2 Trường Đại học Tổng hợp. Vừa tốt nghiệp, thầy được phân công về dạy tại Bộ môn Hóa phân tích, Khoa Hóa học, nay thuộc Trường Hoá và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhớ lại ngày đầu tiên đứng lớp, thầy - trò chênh nhau chỉ 3 - 4 tuổi nên nhà giáo Long Biên có phần hồi hộp. Tuy nhiên, thầy không hề lo lắng mà rất tự tin vào năng lực bản thân. Thầy giáo trẻ cứ vậy mà truyền tải những kiến thức đến sinh viên - những gương mặt non trẻ mà thầy coi như các em của mình.
PGS. Bùi Long Biên - cựu giảng viên cao cấp của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
Thầy hay kể với sinh viên về quãng thời gian thầy làm luận án tiến sĩ theo cách tự nghiên cứu, không có thầy giáo hướng dẫn. Khi có một số kết quả nghiên cứu nhất định, thầy được Ban Giám hiệu Nhà trường cho phép bảo vệ luận án theo chế độ đặc cách: Lập một Hội đồng GS nhưng NCS không có GS hướng dẫn.
Qua nhiều ngày đi khảo sát, tìm hiểu tại cơ quan của một người quen, thầy Biên đã nghĩ ra một đề tài mình có thể làm được. Thầy tự mày mò, suy ngẫm làm sao để áp dụng góc nhìn Hoá học vào những thí nghiệm mang thuần tính Vật lý của cơ quan đó. Trải qua nhiều ngày tháng cố gắng, cuối cùng, thầy Biên đã hoàn thành một luận án công phu.
“Giữa cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi bảo vệ luận án tiến sĩ trước hội trường chật kín 250 người tham dự. Và kết quả của tôi được công nhận.” - thầy Biên hồi tưởng.
Thời điểm đó, đáng lẽ thầy Biên cũng “xếp bút nghiên lên đường ra trận” cùng những đồng nghiệp khác. Tuy nhiên, do di chứng của căn bệnh sởi hồi nhỏ khiến thị lực một mắt của thầy bị kém, ảnh hưởng đến việc bắn súng nên không được tuyển đi. Ở hậu phương, thầy Biên vẫn dõi theo tin tức các đồng nghiệp, sinh viên Bách khoa ở chiến trường, cùng đó cố gắng giảng dạy thật tốt để góp phần vào công cuộc chống Mỹ cứu nước.
Một trái tim Bách khoa rộng mở, yêu thương
Khoảng 3 năm trước, sau khi gỡ bỏ chỉ thị giãn cách xã hội do dịch Covid-19, PGS. Bùi Long Biên từng đến Bách khoa Hà Nội thăm một sinh viên bị tật ở chân, phải ngồi xe lăn nhưng học rất giỏi. Biết đến hoàn cảnh của cậu sinh viên qua mạng Internet, thầy quyết định đến và hỗ trợ một chút về tài chính.
“Thấy sinh viên gặp phải hoàn cảnh khó khăn trong học tập, tôi thương lắm!” - thầy Bùi Long Biên chia sẻ. Tấm lòng yêu thương học trò như yêu thương chính con cái của mình đã nhen trong thầy ý định làm một điều gì đó.
Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng và được gia đình ủng hộ, cụ giáo Bùi Long Biên đã dành tặng 1 tỷ đồng cho Đại học Bách khoa Hà Nội để lập quỹ học bổng hỗ trợ sinh viên mang tên Học bổng Nhà giáo Bùi Long Biên.
Ngày 23/4/2025, PGS. Bùi Long Biên trao tặng 10 suất học bổng cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học kỳ 2024.2, mỗi suất trị giá 10 triệu đồng. Quỹ học bổng sẽ được duy trì trong 5 năm, với hai đợt trao học bổng mỗi năm. Thầy Biên bộc bạch: “Việc tôi giúp đỡ các cháu có điều kiện để học hành tốt hơn cũng thể hiện trách nhiệm của xã hội. Người đi trước tạo điều kiện cho người đi sau. Và rồi các cháu theo gương đó, cũng có trách nhiệm với những thế hệ sau nữa!”
PGS. Bùi Long Biên trao học bổng cho sinh viên Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
Nhà giáo Long Biên cho rằng việc giúp đỡ sinh viên Bách khoa Hà Nội là một cách để... thoả mãn lòng thương của mình đối với học trò. “Có lần, nhà tôi có việc cần thuê vận chuyển. Những cậu trai đến khuân vác chỉ độ 20 - 21 tuổi thôi, mặt mũi khôi ngô, vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống.” - thầy Biên bồi hồi chia sẻ. Những câu chuyện, hình ảnh ấy khiến thầy vừa xúc động, vừa yêu thương và cũng rất trân trọng nghị lực của thế hệ sinh viên bây giờ.
TS. Nguyễn Việt Sơn - Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng (MICA), Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có chia sẻ rất xúc động về thầy Bùi Long Biên trên Facebook cá nhân: “Mình đã rất may mắn được làm học trò của thầy Biên từ khi còn là học sinh và trong năm đầu tiên học ĐH. Quả thật, thầy là người luôn rất tâm huyết với học trò, và luôn là người thầy mẫu mực khi đứng trước học sinh, sinh viên... Giờ đây, dù tuổi cao, sức không còn khỏe, nhưng thầy vẫn tiếp tục đóng góp cho Nhà trường, cho các thế hệ học trò những món quà giàu cả vật chất và tinh thần, có ý nghĩa vô cùng to lớn và rất đáng trân trọng!”
Hiện thầy Biên đã 88 tuổi. 5-7 năm nay, thầy đã ít đi chơi, du lịch, không còn thú vui gì nhiều nữa nên đã “mạnh dạn cho đi” - như thầy chia sẻ. Thầy giáo già Bách khoa chỉ hy vọng những sinh viên nhận học bổng sẽ cố gắng hơn, có kết quả học tập tốt hơn và không bị cám dỗ bởi những tệ nạn ngoài xã hội. Tương lai của các bạn trẻ phụ thuộc vào việc học, các bạn phải phấn đấu để được đi học. Vậy nên, hành động của thầy góp phần động viên sinh viên vững trí theo đuổi con đường học vấn.
Quỹ học bổng trao đi rồi sẽ cạn dần. Thầy Biên không chắc rằng sau này có thể tiếp tục duy trì quỹ hay không nhưng nghĩa cử cao đẹp của thầy chắc chắn là tấm gương sáng cho các thế hệ sau noi theo và học tập, truyền cảm hứng đến những sinh viên đã và đang trưởng thành từ Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngưỡng mộ, cảm phục ngắm hình ảnh nhà giáo Bùi Long Biên ánh mắt hạnh phúc, chân đi chầm chậm, tay run run trao từng suất học bổng cho sinh viên, động viên các em cố gắng vượt khó học giỏi, chợt nhớ câu hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi...”.
Thật kính trọng một nhà giáo Bách khoa, trao yêu thương để trái tim thêm ấm áp, cuộc đời thêm ý nghĩa!
“Hành động của PGS. Bùi Long Biên góp phần lan tỏa giá trị nhân văn và văn hóa nghĩa tình của người Bách khoa, đặc biệt ý nghĩa trong giai đoạn hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Nhà trường.”
PGS. Trần Ngọc Khiêm Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội