Những con số ấn tượng tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học 2025

Thứ bảy - 17/05/2025 03:00
Những con số ấn tượng tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học 2025
Trong hai ngày 16 và 17/5, tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra chuỗi hoạt động Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học (NCKH) năm học 2024 - 2025 với sự tham gia của hơn 1.600 sinh viên, 510 đề tài nghiên cứu và 150 công bố khoa học. Đây là hoạt động thường niên, mang dấu ấn đặc trưng của Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc thúc đẩy tinh thần nghiên cứu, sáng tạo và kết nối giữa sinh viên với cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia. Cùng với Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, mở ra cơ hội lớn để giới nghiên cứu trẻ đồng hành cùng doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ, sản phẩm, quy trình và mô hình kinh doanh – Đại học Bách khoa Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa các định hướng quan trọng này.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025, PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh các hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của sinh viên là cách thiết thực để Nhà trường đồng hành cùng chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu khai mạc Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học 2025
“Với vai trò là một trong những đại học kỹ thuật hàng đầu quốc gia, Nhà trường chú trọng công tác đào tạo và nỗ lực kiến tạo một hệ sinh thái nghiên cứu – sáng tạo – khởi nghiệp, trong đó sinh viên là trung tâm, doanh nghiệp là đối tác, và khoa học là động lực phát triển” - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ tại buổi lễ. 

Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2025 ghi nhận những con số ấn tượng, cho thấy quy mô và chất lượng ngày càng nâng cao. 

1.600 sinh viên tham gia báo cáo, thuyết trình với 510 đề tài nghiên cứu, trong đó có 150 công bố khoa học được hình thành từ chính các đề tài này. 90 sản phẩm được trưng bày tại khu vực triển lãm, cùng với 30 video tham dự cuộc thi BK-V.Ideas.

Các đề tài được phản biện, đánh giá bởi 24 phân ban chuyên ngành trong hai ngày 16 và 17/5, với 36 bộ giải thưởng sẽ được trao cho những nghiên cứu xuất sắc nhất.

Khu vực triển lãm sáng tạo quy tụ hơn 50 mô hình, sản phẩm công nghệ, bao gồm: các đề tài ứng dụng cao của sinh viên, startup do sinh viên Đại học Bách khoa sáng lập, cùng các doanh nghiệp công nghệ và đội thi từ các sân chơi đổi mới sáng tạo.
Khu triển lãm của Trường Hoá và Khoa học sự sống
Đây không chỉ là những con số, mà còn là minh chứng rõ nét cho tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự kiến tạo – đúng với triết lý đào tạo mà nhà trường luôn theo đuổi: học để sáng tạo, học để cống hiến.

Theo TS. Trương Công Tuấn – Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp Sinh viên, điểm nổi bật của Hội nghị năm nay không chỉ nằm ở quy mô mà còn thể hiện rõ ở định hướng đổi mới về nội dung và phương thức tổ chức. Các đề tài tham dự được khuyến khích tập trung vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, gắn với các lĩnh vực cấp thiết của xã hội và sản xuất như: môi trường, năng lượng, y tế, đô thị thông minh, công nghệ giáo dục, chuyển đổi số,...

Đáng chú ý, lần đầu tiên, đại diện các doanh nghiệp công nghệ, nhà đầu tư và chuyên gia đổi mới sáng tạo được mời tham gia trực tiếp vào Hội đồng chấm giải. 

“Sự góp mặt của doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia góp phần nâng cao tính khách quan, thực tiễn trong đánh giá và tạo ra cầu nối thiết thực giữa sinh viên và thị trường lao động, thúc đẩy quá trình chuyển giao từ nghiên cứu đến ứng dụng, từ ý tưởng sáng tạo đến sản phẩm thương mại hóa” - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp Sinh viên nhấn mạnh.

Đột phá công nghệ và giao thoa giữa các ngành học

Triển lãm sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nhận được sự quan tâm lớn từ đông đảo người tham dự. Sự kiện quy tụ sinh viên từ nhiều trường đại học khác nhau, thu hút cả sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng với sự góp mặt của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành.
PGS. Đào Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế (bên phải) cùng nhóm sinh viên tại Hội nghị
PGS. Đào Thanh Bình – Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế - chia sẻ: “Dù không nhớ chính xác năm nay là lần thứ bao nhiêu tôi tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, nhưng mỗi năm qua đều mang đến cho tôi niềm vui và sự hào hứng khi được đồng hành cùng sinh viên trong hành trình khám phá tri thức này.”

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, năm nay các đề tài nghiên cứu của sinh viên trường Kinh tế rất đa dạng và sát thực với cuộc sống. Có những đề tài tập trung vào các vấn đề thiết thực như bảo hiểm trách nhiệm nhân sự của chủ xe cơ giới, trong đó đối tượng nghiên cứu cũng chính là sinh viên, hay các nghiên cứu về ví trả sau, hướng tới giải quyết các khó khăn tài chính của sinh viên và thúc đẩy tài chính toàn diện. Những nghiên cứu này thể hiện sự kết nối chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn, đồng thời phản ánh những vấn đề nóng hổi, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống hiện nay.

PGS. Đào Thanh Bình – đánh giá: “Năm nay, các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Kinh tế thể hiện rõ xu hướng liên ngành, với sự tham gia tích cực của sinh viên đến từ các lĩnh vực như Công nghệ, Toán tin và Điện tử Viễn thông. Sự kết hợp này giúp phát huy thế mạnh chuyên môn của từng ngành: sinh viên CNTT và Toán tin hỗ trợ xây dựng mô hình và công cụ định lượng, trong khi sinh viên Kinh tế đưa ra vấn đề thực tiễn và câu hỏi nghiên cứu cụ thể.”

Còn nhóm sinh viên K66 ngành Cơ điện tử, trường Cơ khí gồm Nguyễn Gia Long, Phạm Thanh Sơn và Phạm Duy Tiến đã mang đến một đề tài nghiên cứu đầy tâm huyết về ứng dụng thuật toán học máy và xử lý ảnh nhằm xác định chính xác tọa độ của máy bắn vít tự động.
Nhóm sinh viên K66 ngành Cơ điện tử, trường Cơ khí tiến hành kiểm tra sản phẩm tại triển lãm
Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ, đề tài tập trung phát triển hai hệ thống chính gồm hệ thống cấp vít và hệ thống bắn vít tự động. Quá trình hoạt động bắt đầu khi vít được đổ vào khay, sau đó đi qua khay dẫn và cuối cùng đến đầu bắn vít, nơi hệ thống sẽ phát tín hiệu báo hiệu sẵn sàng để thực hiện thao tác bắn. Hệ thống xử lý ảnh không chỉ giúp xác định vị trí vít một cách chính xác mà còn liên tục kiểm soát và giám sát chất lượng sản phẩm suốt từ khi vít được đưa vào khay đến bước kiểm tra phôi cuối cùng của người sử dụng.

Sự háo hức và niềm tự hào khi giới thiệu sản phẩm trước khách tham quan tại triển lãm cho thấy tinh thần sáng tạo và quyết tâm của nhóm nghiên cứu trong việc góp phần thúc đẩy tự động hóa công nghiệp, giảm thiểu sai sót và nâng cao chất lượng sản phẩm – một bước tiến đầy ý nghĩa hướng tới tương lai sản xuất thông minh.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của TS. Lê Đức Bảo và TS. Nguyễn Thị Ngọc Huyền, dự án là sáng kiến kỹ thuật thể hiện khát khao đổi mới, mong muốn thay thế công việc bắn vít thủ công trong các khu công nghiệp. Thay vì các công nhân phải sử dụng súng bắn vít cầm tay, hệ thống tự động này cho phép chỉ cần đổ vít vào khay và máy sẽ tự động bắn với độ chính xác cao, nâng cao hiệu quả, giảm lao động thủ công, đồng thời tăng năng suất và đảm bảo tính đồng nhất trong quy trình sản xuất.
Nhóm sinh viên thuyết trình về sản phẩm
Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học năm nay tiếp tục khẳng định vai trò kết nối giữa Nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao đã được kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp công nghệ – những đối tác chiến lược trong hoạt động đổi mới sáng tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội. 
Ảnh: Duy Thành
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây