“Bắt sóng” tiếng Trung khoa học công nghệ

Thứ sáu - 11/07/2025 04:45
Giảng viên tiếng Trung - Khoa Ngoại ngữ, ĐHBK Hà Nội - tư vấn tuyển sinh cho các em quan tâm CTĐT FL3 tại Hà Nội
Giảng viên tiếng Trung - Khoa Ngoại ngữ, ĐHBK Hà Nội - tư vấn tuyển sinh cho các em quan tâm CTĐT FL3 tại Hà Nội
Một quản lý kỹ thuật khu công nghiệp Bắc Giang chia sẻ “bí quyết” vượt qua thách thức trong chuyển ngữ: “Chúng tôi từng mất hàng tuần chỉ để dịch chính xác một tài liệu kỹ thuật từ Trung Quốc. Sau đó, chúng tôi tuyển được một phiên dịch giỏi tiếng Trung Khoa học công nghệ. Và mọi thứ thay đổi!”.

Có thể thấy, trong bối cảnh các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu đổ về Việt Nam, một “năng lực mới” đang được săn đón: Thành thạo tiếng Trung chuyên ngành Khoa học - Kỹ thuật. Với sự dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ từ Trung Quốc sang Việt Nam, hàng trăm nhà máy, dự án FDI, trung tâm R&D mọc lên tại Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… yêu cầu nhân sự không chỉ có kiến thức cơ bản về công nghệ, mà còn hiểu ngôn ngữ công nghệ bằng tiếng Trung.
 
1
Lãnh đạo ĐHBK Hà Nội, Khoa Ngoại ngữ và các diễn giả tại  Hội thảo quốc tế “Đào tạo Ngôn ngữ Trung Quốc chuyên ngành Khoa học và Công nghệ: Hợp tác và Phát triển” tổ chức tại ĐHBK Hà Nội (4/2025)
Làn sóng mới: Tiếng Trung gắn liền với khoa học, công nghệ

Cơn sốt học tiếng Trung Quốc nổi lên khoảng năm 2000, khi làn sóng xuất khẩu lao động sang Đài Loan nóng lên. Đến nay, học tiếng Trung để làm du lịch hay phiên dịch đã quá quen thuộc.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước tập trung vào phát triển công nghiệp và hiện đại hóa, tiếng Trung trong môi trường sản xuất thông minh, công nghệ cao, điện tử, cơ khí, CNTT,… lại là lĩnh vực mới nổi nhưng cực kỳ tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, thông thạo ngôn ngữ và hiểu biết chuyên môn sâu.

Tháng 8/2024, trao đổi với báo Dân trí, bà Trần Thị Hoàn - Phó Giám đốc Công ty tuyển dụng Navigos Search khu vực miền Bắc - nhận định: “Sự gia tăng đột biến về tuyển dụng nhân lực biết tiếng Trung trong các ngành kỹ thuật đang gây ra thiếu hụt lớn. Không phải người biết tiếng Trung nào cũng hiểu thuật ngữ kỹ thuật. Mà kỹ sư giỏi công nghệ lại hiếm ai thành thạo tiếng Trung.”

Và đó chính là lý do khiến Đại học Bách khoa Hà Nội tìm cách “giao thoa” giữa ngôn ngữ và công nghệ!

Với hơn 20 năm kinh nghiệm đào tạo cử nhân ngoại ngữ chuyên ngành, Khoa Ngoại ngữ Bách khoa Hà Nội đã khẳng định vị thế tiên phong qua hai CTĐT ngành Ngôn ngữ Anh đã được kiểm định và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của Mạng lưới các trường đại học ASEAN, cung cấp cho thị trường lao động hàng nghìn cử nhân ngoại ngữ có năng lực làm việc tốt trong các môi trường học thuật, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

Tiếp nối thành công đó, từ năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội - ngôi trường vốn nổi tiếng về các ngành kỹ thuật – tiếp tục nghiên cứu một hướng đào tạo đặc biệt: Chương trình Tiếng Trung Khoa học và Công nghệ (FL3). Năm 2025, FL3 ra mắt, tuyển sinh khóa đầu tiên trên cơ sở chuẩn bị kỹ lưỡng về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất. Đây là chương trình đầu tiên tại Việt Nam tích hợp đào tạo ngôn ngữ Trung với kiến thức kỹ thuật nền tảng.

Sinh viên học FL3 sẽ không chỉ biết tiếng Trung mà còn nắm được từ vựng chuyên ngành, hiểu cách giao tiếp trong môi trường kỹ thuật, dịch tài liệu kỹ thuật, đọc bản vẽ, báo cáo lỗi và giao tiếp hiệu quả với đối tác Trung Quốc.

“Nếu trước đây chỉ cần biết tiếng Trung là có thể làm việc ở khu công nghiệp, thì giờ đây các doanh nghiệp cần người nói được ngôn ngữ kỹ thuật. Mà muốn vậy thì không thể học tiếng Trung thông thường.” -  Một cán bộ tuyển dụng tại Huawei Việt Nam nhận xét.

 Hình dung tiết học tiếng Trung Khoa học công nghệ không lý thuyết sáo rỗng

Tìm hiểu các chương trình học tiếng Trung Khoa học công nghệ FL3, thực sự cảm thấy rất thích thú, giống y như đang đi làm việc vậy!

Trong một lớp học “Tiếng Trung Công nghệ Thông tin” của ngành FL3, sinh viên không học tiếng Trung theo cách thông thường.

Các sinh viên sẽ được giáo viên dẫn dắt để:

* Sử dụng các khái niệm, thuật ngữ chuyên ngành Công nghệ thông tin trong tiếng Trung theo từng chủ đề chuyên sâu; 

* Vận dụng từ vựng và cấu trúc ngôn ngữ chuyên ngành để thực hiện các tình huống giao tiếp giả lập trong môi trường công nghệ thông tin bằng tiếng Trung

* Diễn giải các nội dung kỹ thuật (ví dụ: hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, mạng, AI...) bằng tiếng Trung cho người học cùng chuyên ngành hoặc đối tác chuyên môn.

Tương tự, trong lớp học “Tiếng Trung Kỹ thuật Điện - Điện tử”, sinh viên học cách:

* Sử dụng chính xác thuật ngữ tiếng Trung chuyên ngành trong các hoạt động như đọc hiểu văn bản kỹ thuật, viết báo cáo và tham gia giao tiếp chuyên môn cơ bản;

* Trình bày thông tin kỹ thuật bằng tiếng Trung thông qua việc thiết kế thuyết trình hoặc viết báo cáo chuyên đề gắn với lĩnh vực Điện - Điện tử.

Với chương trình FL3, sinh viên không chỉ thành thạo ngôn ngữ Trung Quốc mà còn am hiểu, làm chủ kiến thức về Khoa học và Công nghệ - TS. Phạm Vân - giảng viên chương trình FL3, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội - chia sẻ.
 
4
Giảng viên và sinh viên lớp học tiếng Trung tại Khoa Ngoại ngữ - ĐHBK Hà Nội
FL3 đào tạo “nhân lực giao thoa”!

ThS. Bùi Thu Phương - Giảng viên chương trình FL3 - cho biết: “Trước đây, nhiều phụ huynh lo lắng hỏi tôi: Học tiếng Trung thì ra làm gì? Nhưng giờ đây, câu hỏi đã khác: Học tiếng Trung gắn với cái gì?” Có thể hiểu, nhu cầu của phụ huynh, học sinh hiện tại mong muốn con giỏi ngoại ngữ và thành thạo về chuyên môn.

Trên thực tế, khi Trung Quốc là thị trường đầu tư số 1 vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực: Điện tử, sản xuất công nghiệp, ô tô, năng lượng,… thì khả năng sử dụng tiếng Trung trong bối cảnh kỹ thuật là một lợi thế chiến lược.

“Con tôi thích công nghệ, nhưng lại học giỏi ngoại ngữ. Khi biết ngành này kết hợp được cả hai, tôi thấy cháu như tìm được một lối đi riêng. Một lựa chọn không phải ai cũng có.” - Chị Nguyễn Thu Hường, phụ huynh từ Hà Nội chia sẻ sau khi biết Đại học Bách khoa có chương trình Tiếng Trung Khoa học – Công nghệ FL3.

Không chỉ là đào tạo trên lớp, sinh viên FL3 còn được làm bài tập nhóm bằng cách dịch báo cáo kỹ thuật thực tế từ các đối tác doanh nghiệp.
 
3
Giảng viên tiếng Trung - Khoa Ngoại ngữ tư vấn tuyển sinh cho các em quan tâm đến CTĐT FL3 tại Hải Phòng (trước là Hải Dương)
Có thể thấy cơ hội việc làm vô cùng rộng mở với những người nào biết tiếng Trung Khoa học công nghệ. Sinh viên tốt nghiệp FL3 không chỉ giới hạn ở phiên dịch viên. Một nhà tuyển dụng tại Công ty điện tử Luxshare từng khẳng định: “Ứng viên vừa biết kỹ thuật, vừa nói được tiếng Trung, lại còn hiểu văn hóa công sở Trung Quốc, chúng tôi tuyển ngay, không cần chờ xét vòng hồ sơ.”

Còn đại diện một công ty sản xuất linh kiện điện tử Trung Quốc đặt tại Bắc Ninh cho biết: “Chúng tôi không chỉ cần người giỏi tiếng Trung hay giỏi kỹ thuật. Chúng tôi cần người giỏi cả hai.”

Theo đó, với năng lực kỹ thuật cơ bản, các sinh viên FL3 Bách khoa Hà Nội đang có vô vàn lựa chọn:

* Trợ lý kỹ thuật cho giám đốc người Trung Quốc;

* Nhân sự kỹ thuật trong các nhà máy Trung Quốc;

* Biên - phiên dịch tài liệu kỹ thuật;

* Giáo viên, trợ giảng tiếng Trung chuyên ngành kỹ thuật; 

* Nghiên cứu viên, cán bộ giao thương, nhân sự doanh nghiệp.

Trong khi các ngành nghề truyền thống ngày một cạnh tranh, thì những lựa chọn tích hợp kỹ năng liên ngành như FL3, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội đang trở thành “vùng đất vàng” cho người trẻ biết nhìn xa, giỏi “bắt sóng”!

Tác giả: Gia Hân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây