“Bật mí” lý do học sinh mong muốn học tập tại Bách khoa Hà Nội

Thứ sáu - 11/07/2025 03:07
Tháng 5, tháng 6 hàng năm, trong rất nhiều bài viết trên báo chí về các đoàn học sinh Việt Nam thi Olympic quốc tế mang niềm vui chiến thắng trở về, hình ảnh/câu chuyện về sự tận tụy của người thầy dẫn đoàn - trong đó có các giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội - có khi chỉ là vài dòng lặng lẽ.

Nhưng với những ai đã từng được chứng kiến những người Bách khoa làm việc, quan sát họ cẩn trọng từng câu từng chữ chuyển ngữ các trang đề thi, lắng nghe chia sẻ của vì lo lắng cho học trò… mới hiểu rằng, những chiến công trên đấu trường quốc tế ấy được khởi đầu từ những điều rất giản dị: Niềm tin, lòng yêu nghề và trách nhiệm của những người thầy Bách khoa.

Đó cũng là lý do quan trọng để nhiều học sinh THPT trên cả nước mong muốn vào học Bách khoa Hà Nội, gửi gắm ước mơ tương lai của mình cho những thầy cô giáo tâm huyết truyền dạy kiến thức, yêu thương sinh viên như người thân trong gia đình.
 
image 13
Lễ xuất quân đoàn học sinh tham dự Kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2025 (ARBIChO 2025) diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội (27/5). Ảnh: Duy Thành
hhhh
Đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic Vật lý Châu Á (APhO) năm 2025 và các thầy, cô giáo dẫn đoàn
Thầy - trò cùng đấu trí 

Tháng 5 và tháng 6/2025, tại Olympic Vật lý châu Á (APhO 2025) diễn ra ở Saudi Arabia và Olympic Hóa học quốc tế Abu Rayhan Biruni (ARBIChO 2025) tổ chức tại Uzbekistan, Đại học Bách khoa Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng giao trọng trách dẫn dắt đoàn học sinh Việt Nam tranh tài cùng bạn bè năm châu. Trên vai những người thầy Bách khoa lúc này không chỉ là vai trò hỗ trợ về chuyên môn, mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của đất nước: Khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ học thuật toàn cầu.

Hai giảng viên được chọn cho nhiệm vụ quan trọng này là: PGS. Đặng Đức Vượng - Phó Trưởng khoa Vật lý Kỹ thuật, người thầy có gần 15 năm kinh  nghiệm dẫn học sinh tham gia các kỳ thi Olympic quốc tế và PGS. Nguyễn Xuân Trường, Trưởng khoa Hóa học, Trường Hóa và Khoa học sự sống -  thầy giáo lần đầu đảm nhiệm vai trò dẫn đoàn tràn đầy nhiệt huyết.

Trong 9 ngày thi, BTC tách thầy - trò sang hai khu vực khác nhau, không liên lạc để đảm bảo tính bảo mật. Học trò thi, thầy Vượng và thầy Trường cũng hoạt động trí não hết công suất: Dịch đề, rà soát ngôn ngữ sao cho học sinh dễ hiểu; chấm bài; phản biện với BTC để bảo vệ từng điểm số… Tất cả công việc đều diễn ra với áp lực thời gian nghiêm ngặt. Có những đêm, việc dịch đề kéo dài từ sáng hôm trước đến rạng sáng hôm sau. “Một nửa thời gian dẫn đoàn HS đi thi chúng tôi làm việc xuyên đêm” – PGS. Nguyễn Xuân Trường cho biết.
 
z6793691555852 c7453570836fcde7716e3505771b132e
PGS. Nguyễn Xuân Trường (áo đỏ) cùng các đồng nghiệp dịch đề cho học sinh 
Dịch đề thi Olympic quốc tế không đơn thuần là chuyển ngữ, mà là một cuộc “đấu trí” thực sự giữa người dịch và người ra đề. Các thầy phải sử dụng ngôn từ chính xác, dễ hiểu, đúng với cách tư duy của học sinh Việt Nam. Một cụm từ sai có thể khiến học trò hiểu lầm và mất điểm oan.

PGS. Đặng Đức Vượng kể: “Chỉ cần một từ với nghĩa “phát ra, tỏa ra,…” nếu dịch theo nghĩa “bức xạ” có thể giúp học sinh liên tưởng đến áp dụng định luật Stefan - Boltzmann khi giải bài toán”. Chính vì thế, việc dịch đề luôn đòi hỏi sự am hiểu chuyên môn sâu sắc, khả năng nắm bắt tâm lý học trò và óc phân tích ngôn ngữ tinh tế.
 
z6793176757342 239860b926fda4e45ae27b29bb6a45f6
PGS. Đặng Đức Vượng (bên trái) thảo luận cùng đại diện BTC sau khi chấm thi
Sau khi BTC chấm bài thi của học sinh, đến lượt các thầy giáo Bách khoa chấm bài, trao đổi với BTC nếu phát hiện học sinh bị trừ điểm chưa xác đáng hoặc chưa được tính điểm đáp án... Trung bình với mỗi bài thi của học sinh, chỉ có khoảng 3 - 5 phút để tranh luận - khoảng thời gian rất ngắn. Vậy nên những người dẫn đoàn như thầy Vượng, thầy Trường phải lên chiến thuật: 1. Tối ưu hóa thời gian; 2. Luận điểm thuyết phục, ngắn gọn, sắc bén để giành được nhiều điểm nhất cho học sinh, giành được nhiều huy chương nhất cho đoàn Việt Nam.

PGS. Đặng Đức Vượng và PGS. Nguyễn Xuân Trường đều khẳng định: “Chỉ 0,01 - 0,05 điểm cũng có thể đổi màu huy chương. Với chúng tôi, từng điểm số ấy không chỉ là thành tích cá nhân của học trò, mà còn là niềm tự hào quốc gia!”

Khoảnh khắc thiêng liêng

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất khi dẫn các học sinh tài năng đi thi đấu quốc tế, PGS. Đặng Đức Vượng và PGS. Nguyễn Xuân Trường đều kể về hình ảnh các em học sinh cầm lá cờ đỏ sao vàng tiến lên bục nhận giải - giây phút mà hai thầy giáo Bách khoa mô tả bằng từ “thiêng liêng” khiến họ cảm thấy mọi nỗ lực bỏ ra đều xứng đáng!
 
z6793714486490 96f56cbaaaf8ab07d42f878a2964b969
PGS. Nguyễn Xuân Trường (bìa trái) cùng các đồng nghiệp chia sẻ niềm vui đạt thành tích cao trong cuộc thi quốc tế với những học sinh tài năng
Thành tích của đoàn Olympic Vật lý châu Á năm nay thật sự ấn tượng: 8/8 học sinh đều giành huy chương: 3 Vàng, 3 Bạc và 2 Đồng - một bước tiến vượt bậc so với năm 2024. Còn đoàn Olympic Hóa học, lần thứ hai tham dự ARBIChO, đã xuất sắc giành được 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Những kết quả đáng tự hào của cả một quá trình huấn luyện khoa học, bài bản, chuyên sâu với trọng tâm là kỹ năng thực hành được rèn luyện ngay trong lòng ngôi trường kỹ thuật công nghệ hàng đầu Việt Nam - Đại học Bách khoa Hà Nội.

Điều khiến các thầy giáo Bách khoa hạnh phúc nhất không chỉ là huy chương mà còn là sự trưởng thành, là lựa chọn gắn bó với Bách khoa Hà Nội của học trò. Sau quá trình ôn luyện, một nửa thành viên đội thi đã quyết định đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển tài năng diện 1.1 vào Đại học Bách khoa Hà Nội. “Đó là điều khiến tôi vui nhất!” - thầy Trường cười nói.

Còn với thầy Vượng, hạnh phúc là được chào đón những gương mặt thân quen tại giảng đường Bách khoa. Các em từng đồng hành cùng thầy trong những đợt ôn luyện Olympic, nay là sinh viên Bách khoa, lại được các thầy/cô tận tâm như thầy Vượng dìu dắt, từng bước chinh phục ước mơ. Từ Bách khoa, nhiều em có cơ hội học tập, nghiên cứu tại Mỹ, châu Âu nhưng luôn sẵn sàng dành thời gian quay về hỗ trợ thế hệ sau, để từ đó sợi dây kết nối giữa các thế hệ Bách khoa cứ thế bền chặt, dài lâu.

Với thầy Vượng, thầy Trường và nhiều thầy cô giáo Bách khoa, được đồng hành cùng học sinh, sinh viên đi thi Olympic quốc gia, quốc tế không chỉ là nhiệm vụ, mà là một hành trình truyền cảm hứng. Các thầy cô không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn truyền lửa, để mỗi học sinh, sinh viên là trung tâm, được quan tâm, thấu hiểu và dẫn dắt bằng cả trái tim.
 
z6669641681967 77ecc1121452c38e4ceb86f3c519ff44
Học sinh tham dự ARBIChO 2025 tham gia tập huấn trước lúc đi thi tại PTN Khoa Hóa học, Trường Hóa và Khoa học Sự sống
Đó là lý do vì sao ngày càng nhiều học sinh giỏi trên khắp cả nước - đặc biệt trong các lĩnh vực Vật lý Kỹ thuật, Hóa học, Kỹ thuật Hóa học cùng các ngành mũi nhọn khác - chọn Bách khoa làm điểm khởi đầu cho hành trình học tập và phát triển của mình. Có lẽ, gia đình và chính các em đã chọn những thầy cô giáo không những thể hiện giá trị của mình qua những bài giảng chất lượng mà còn luôn đồng hành cùng học sinh, sinh viên từ những ngày đầu tiên bước vào Bách khoa cho đến khi các em trưởng thành, bước ra thế giới.

Với những “Người Bách khoa Trách nhiệm, Sáng tạo, Chính trực, Xuất sắc” như thầy Vượng, thầy Trường, Đại học Bách khoa Hà Nội không chỉ là địa chỉ đào tạo kỹ sư công nghệ hàng đầu mà còn là nơi nuôi dưỡng ước mơ, khơi nguồn cảm hứng và định hình những công dân toàn cầu tương lai.

Tác giả: Gia Hân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây