Nâng cao hiệu quả trong giảng dạy lý luận chính trị

Thứ tư - 27/01/2021 22:30

Phó hiệu trưởng PGS. Nguyễn Phong Điền phát biểu khai mạc Toạ đàm. Ảnh: Duy Thành

Sáng 27/01/2021, Khoa Lý luận Chính trị đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề"Nâng cao hiệu quả của phương pháp thảo luận nhóm trong giảng dạy lý luận chính trị".

Lý luận chính trị là khối kiến thức đại cương quan trọng trong chương trình đào tạo đại học. Để học tập tốt các học phần lý luận chính trị, đòi hỏi người học có vốn sống trải nghiệm nhất định.

Tuy nhiên với sinh viên đại học, nhất là sinh viên những năm đầu, thì chưa thể đáp ứng điều kiện đó. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng, làm cho kết quả học tập và lĩnh hội kiến thức lý luận chính trị của sinh viên chưa đạt được kết quả như mong muốn.

Giải pháp cho vấn đề này là tăng cường sự tương tác, thảo luận nhóm dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Chương trình đào tạo lý luận chính trị đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thiết kế với 30% thời lượng thảo luận, 70% thời lượng lý thuyết. Nếu lớp thảo luận được tổ chức tốt, sinh viên sẽ có nhận thức lý luận sâu sắc hơn, đi vào thực chất của vấn đề, từ đó sẽ đạt kết quả học tập cao hơn.

Phát biểu khai mạc, Phó hiệu trưởng PGS. Nguyễn Phong Điền đã nhấn mạnh những đóng góp quan trọng từ các chuyên gia của Khoa Lý luận chính trị cho quá trình xây dựng bộ giáo trình 05 học phần lý luận chính trị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đồng thời, khẳng định tầm quan trọng của giáo dục lý luận chính trị trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của sinh viên.

PGS. Nguyễn Phong Điền cũng chia sẻ rằng trong bối cảnh sinh viên chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của các vấn đề lý luận, thì đòi hỏi giảng viên cần đổi mới phương pháp, áp dụng phương thức mới, thích ứng với xu thế chuyển đổi số.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, cuộc tọa đàm đã tập hợp 10 tham luận xoay quanh 03 nhóm nội dung: Phương pháp và kỹ năng sư phạm trong  tổ chức thảo luận nhóm; Thực tiễn tổ chức triển khai lớp thảo luận của 05 học phần lý luận chính trị tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Chia sẻ góc nhìn của nhà khoa học, chuyên gia kinh nghiệm trong và ngoài Trường.

Các tham luận tọa đàm đều nhấn mạnh tầm quan trọng của phương pháp thảo luận nhóm, đồng thời cũng chỉ ra nhiều giải pháp tích cực để nâng cao hiệu quả hoạt động thảo luận.

Về quản lý lớp, giảng viên cần định hướng nhiệm vụ cho các nhóm sinh viên, có ghi nhận định lượng đánh giá điểm quá trình để tạo động lực cho sinh viên.

Về nội dung, cần xây dựng các chủ đề thiết thực, gắn kết lý luận với thực tiễn, gợi mở tư duy sáng tạo, đồng thời có tác dụng nâng cao nhận thức chính trị - xã hội cho sinh viên.

Về phương pháp, cần tạo nên tính tương tác, phản biện, kích thích tư duy lập luận, đồng thời phải kiểm soát tốt về thông tin, tránh phát sinh vấn đề nhạy cảm.

Cuộc tọa đàm cũng tiếp nhận nhiều chia sẻ từ phía người học là các sinh viên đạt giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học cấp Trường năm 2020, phân ban Lý luận chính trị.

Sinh viên Vũ Quý Phan (K64 Viện Cơ khí) cho biết phương pháp thảo luận nhóm giúp em nhận thức các vấn đề kinh tế - chính trị - xã hội đầy đủ hơn. Đồng thời hình thành kỹ năng làm việc nhóm, rất hữu ích cho bản thân khi  vào học chuyên ngành với rất nhiều đồ án và đề tài phải làm việc tập thể.

Sinh viên Hoàng Diệu Linh (QTKD K62) lại cho rằng khi học lý luận chính trị, phương pháp thảo luận nhóm đã giúp em trưởng thành về văn hóa ứng xử, biết chia sẻ và hợp tác.

Phó Trưởng phòng Công tác sinh viên, TS. Phạm Mạnh Hùng bày tỏ mong muốn Khoa Lý luận chính trị có thể góp phần định hướng tư tưởng cho sinh viên, nhất là trên không gian số.

Phó Bí thư Đoàn trường TS. Phạm Phúc Ngọc chia sẻ về những trải nghiệm làm việc nhóm của sinh viên trong hoạt động Đoàn và hỵ vọng mối liên hệ giữa Đoàn thanh niên và Khoa Lý luận chính trị sẽ làm phong phú các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên. 

Tham dự buổi tập huấn, Trưởng phòng Dân vận quân chủng Phòng không Không quân, Đại tá Nguyễn Văn Công cũng chia sẻ những câu chuyện thú vị về kỹ năng tương tác với quần chúng để định hướng tư tưởng. 

Sau gần 4 giờ làm việc trách nhiệm, trí tuệ và cởi mở, cuộc Tọa đàm đã tạo nên sự nhìn nhận toàn diện, có tính hệ thống về việc tổ chức thảo luận nhóm trong giảng dạy lý luận chính trị. 

Kết luận buổi tọa đàm, PGS. Đinh Thanh Xuân, Trưởng khoa Lý luận Chính trị đã nêu các giải pháp có tính định hướng của Khoa với mong muốn tăng tính hiệu quả, hấp dẫn đối với các học phần Lý luận Chính trị, trong đó tổ chức mô hình Câu lạc bộ sinh viên yêu thích các môn Lý luận Chính trị và áp dụng phương thức B-Learning trong giảng dạy các môn Lý luận chính trị trong thời gian tới.

PGS. Đinh Thanh Xuân, Trưởng khoa Lý luận Chính trị, phát biểu kết luận Toạ đàm. Ảnh: Duy Thành

Không chỉ mang ý nghĩa tích cực về chuyên môn, cuộc Tọa đàm còn là nơi trao đổi giữa đơn vị chuyên môn với các đơn vị quản lý và Đoàn viên, sinh viên. Từ đó, góp phần tăng cường tính đồng bộ trong công tác chung của Trường, nhằm đáp ứng tốt hơn các nhu cầu học tập của sinh viên, nâng cao chất lượng đào tạo các môn học LLCT trong các chương trình đào tạo kỹ thuật.

Buổi Tọa đàm cũng là hoạt động thiết thực chào mừng thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hướng đến giai đoạn phát triển mới của Khoa Lý luận Chính trị nói riêng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung với nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong tương lai gần.

Khoa Lý luận Chính trị

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây