Liên hội thảo về kỹ thuật môi trường và đào tạo, nghiên cứu môi trường toàn cầu ở khu vực Châu Á

Chủ nhật - 29/10/2017 14:46

Diễn ra từ ngày 30-31/10/2017, Hội thảo khu vực lần thứ 10 về kỹ thuật môi trường liên kết với hội thảo quốc tế HUST - KU về đào tạo và nghiên cứu môi trường toàn cầu ở khu vực Châu Á đã diễn ra tại Trường ĐHBK Hà Nội với nhiều nội dung quan trọng. 

Tham dự Hội thảo có Ông Jun Yanagi, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; Ông Hiroshi Iwadate - Giám đốc phụ trách Dự án AUN/SEED-Net; GS Juichi Yamagiwa - Hiệu trưởng Trường Đại học Kyoto; GS Masao Kitano – Phó Hiệu trưởng Đại học Kyoto. Về phía trường ĐHBK Hà Nội có PGS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng; GS Huỳnh Trung Hải – Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ; PGS Nghiêm Trung Dũng – Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường; hơn 250 nhà khoa học đến từ 14 quốc gia khu vực châu Á.

Các vị đại biểu tham dự Phiên khai mạc Liên hội thảo

Hội thảo Khu vực lần thứ 10 về kỹ thuật môi trường được tổ chức với mục tiêu sẽ tạo ra diễn đàn trao đổi về hợp tác đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường toàn cầu giữa các trường đại học ở khu vực Châu Á, chia sẻ các kết quả đạt được và trao đổi hợp tác trong tương lai giữa các thành viên của AUN/SEED-Net nói riêng và các Trường, đơn vị nghiên cứu khu vực châu Á nói chung.

 GS Juichi Yamagiwa - Hiệu trưởng Trường Đại học Kyoto phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo KU-HUST

Hội thảo đã lắng nghe 45 báo cáo trong 12 tiểu ban chuyên môn, các nhà quản lý đã đưa ra các quan điểm, chia sẻ những kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để tăng cường và thúc đẩy mối liên kết giữa các trường. Bên cạnh đó, các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc thúc đẩy mối liên kết giữa trường đại học và khối doanh nghiệp, từ đó đề ra giải pháp duy trì và phát triển mối liên kết bền vững giữa ba nhà: nhà trường, nhà nước và nhà doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chủ đề về giải pháp thông minh xử lý ô nhiễm môi trường, công nghệ và kỹ thuật mới trong lĩnh vực môi trường, các giải pháp xây dựng, phát triển môi trường bền vững… cũng đã được trao đổi. 

Các nhà khoa tại Liên hội thảo

Hội thảo quốc tế liên kết HUST - KU về đào tạo và nghiên cứu môi trường toàn cầu ở khu vực Châu Á diễn ra với gần 70 báo cáo hội nghị thuộc 5 phân ban bao gồm: Những hành động để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học quốc tế; Những nghiên cứu khoa học của Việt Nam được tài trợ bởi GS-GES; Trình bày nghiên cứu khoa học; Những hành động tiên phong trong giáo dục học thuật thời kỳ toàn cầu hoá; Sự phối hợp giữa các ngành công nghiệp với nghiên cứu học thuật và Tầm nhìn tương lai cho lĩnh vực nghiên cứu Du lịch sinh thái đối với các nghiên cứu về đồi núi, rừng và đại dương.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các biên bản thoả thuận hợp tác và trao đổi sinh viên giữa GS-GES, trường Đại học Kyoto và Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường cùng với các trường Đại học trong và ngoài nước khác bao gồm: Đại học Đà Nẵng, Đại học Nông nghiệp Bogor (Indonesia) và Đại học Hoàng gia Cambodia đã được ký kết. Bên cạnh các hoạt động khoa học, nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Gặp mặt cựu sinh viên Đại học Kyoto tại Việt Nam; Hội thảo du học tại Đại học Kyoto dành cho học sinh và sinh viên Việt Nam với nhiều cơ hội học bổng hấp dẫn và các chuyến thăm quan thực tế về Kỹ thuật Môi trường và văn hóa Việt Nam đã diễn ra với nhiều ấn tượng tốt đẹp về văn hóa và con người Việt Nam.

Sáng Nguyễn
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: TT TT & QHCC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây