E-Learning tại Trường ĐHBK Hà Nội - Giải pháp xây dựng và phát triển hiệu quả

Thứ tư - 09/09/2015 15:36

Theo ý kiến của các giảng viên, nhà quản lý, những thử thách để triển khai giai đoạn 2 của Dự án ACU (Dự án thành lập Đại học mạng ASEAN) tại Trường ĐHBK Hà Nội thể hiện ở 3 yếu tố: cơ chế chính sách cần thiết để phát triển E-Learning; Phương thức giúp giảng viên tự xây dựng bài giảng bằng các phần mềm ứng dụng CNTT; Vai trò của các viện đào tạo, phòng ban, trung tâm trong việc phát triển E-Learning… Vì vậy, Trường ĐHBK Hà Nội và Ban thư ký Dự án đã cùng thảo luận về các vấn đề này nhằm đưa ra các giải pháp xây dựng và phát triển E-Learning tại Trường ĐHBK Hà Nội.

 

Ngày 09/09/2015, tại P702 Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường ĐHBK Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế“Xây dựng và phát triển E-Learning tại Trường ĐHBK Hà Nội” do Trường ĐHBK Hà Nội phối hợp với Ban thư ký Dự án ACU tổ chức.

 

 

Tham dự Hội thảo có sự hiện diện của TS Park So Hwa - Phó Tổng Giám đốc Ban thư ký Dự án ACU; đại diện lãnh đạo Cục Công nghệ Thông tin - Bộ GD&ĐT; PGS Phạm Hoàng Lương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội; đại diện lãnh đạo các viện đào tạo đã và đang triển khai ứng dụng E-Learning, Phòng Đào tạo Đại học, Trung tâm Đảm bảo Chất lượng cùng 60 giảng viên của Trường ĐHBK Hà Nội.

 

 

Mục tiêu chính của Hội thảo là tạo diễn đàn chia sẻ nhằm đưa ra những giải pháp để phát triển E-Learning trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học tại Trường ĐHBK Hà Nội. Theo đó, các đại biểu tham dự cũng đưa ra các ý kiến góp ý về công tác đổi mới phương thức giảng dạy thông qua dạy và học trực tuyến tại Trường; đồng thời chia sẻ sự cần thiết, tính hữu ích của Dự án ACU và tư vấn về giải pháp ứng dụng CNTT trong việc hỗ trợ giảng viên tự tạo bài giảng trực tuyến dễ dàng thông qua các công cụ phần mềm có sẵn; cũng như vai trò và lợi ích của giảng viên khi tham gia Dự án…

 

Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các chuyên gia và giảng viên tập trung vào các vấn đề: các văn bản pháp lý của Bộ GD&ĐT về đào tạo qua mạng trong các trường ĐH tại Việt Nam; những nỗ lực trong việc xây dựng và phát triển E-Learning tại Trường ĐHBK Hà Nội; công tác đảm bảo chất lượng trong đào tạo E-Learning; vai trò của giảng viên trong công tác đổi mới phương thức giảng dạy thông qua dạy và học trực tuyến…


 

Theo các chuyên gia, việc phát triển đào tạo trực tuyến, làm chủ công nghệ, xây dựng các ứng dụng về E-Learning trên nền tảng mã nguồn mở tại Trường ĐHBK Hà Nội nói riêng và các trường ĐH của Việt Nam sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ; từ đó mở ra cơ hội học tập cho mọi người như một phương thức tăng cường khả năng tiếp thu tri thức song song với phương thức đào tạo truyền thống hiện nay.

Phát biểu trong Hội thảo, PGS Phạm Hoàng Lương cho biết: “Trong thời gian tới, Trường ĐHBK Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai Dự án ACU pha 2, tập trung vào nâng cao cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển E-Learning. Trong đó Trường vẫn là một trung tâm kết nối, xây dựng và chuyển giao các bài giảng trực tuyến tới khối các nước thành viên Lào – Cam-pu-chia – Mi-an-ma… Trên cơ sở hai dự án về E-Learning mà Trường đã thực hiện thành công là Dự án ACU và HEEAP (hợp tác giữa trường ĐH của Mỹ và các trường ĐH kỹ thuật của Việt Nam), Trường mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể để tiếp tục triển khai các Dự án. Bên cạnh đó, Trường sẽ thảo luận với 5 đơn vị đang tham gia dự án ACU gồm: Viện CNTT&TT, Viện ĐTVT, Viện Điện, Viện KT&QL, Viện SPKT để cùng với Trung tâm Mạng thông tin xây dựng đề án phát triển E-Learning tại Trường ĐHBK Hà Nội đạt hiệu quả hơn nữa”.


 

Hội thảo đã diễn ra thành công với những đề xuất, góp ý về triển khai E-Learning đạt hiệu quả và phù hợp với điều kiện của Trường ĐHBK Hà Nội.

 

Hoàng Anh
Ảnh: Trung Kiên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây