Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 09/07/2025 06:15
Đại diện Ban Giám đốc ĐHBK Hà Nội, Ban Giám hiệu Trường CNTT&TT, Trường Cơ khí, đại diện doanh nghiệp và các sinh viên khoá 1 chương trình Kỹ sư Kỹ thuật Ô tô số - chụp ảnh kỷ niệm
Sáng nay (9/7), Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Lễ Khai giảng Chương trình Kỹ sư Kỹ thuật Ô tô số. Đây là khoá đào tạo đầu tiên của chương trình đào tạo hệ kỹ sư chuyên sâu về ô tô số đầu tiên tại Việt Nam.
Khoá 1 Chương trình Kỹ sư Kỹ thuật Ô tô số gồm 59 học viên là các sinh viên tốt nghiệp các ngành: Kỹ thuật Ô tô, Kỹ thuật máy tính, Cơ điện tử,...
Kết tinh liên ngành Công nghệ thông tin và Cơ khí
Trong không khí trang trọng của buổi lễ, PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - đã nêu bật ý nghĩa đặc biệt của chương trình Kỹ sư chuyên sâu Kỹ thuật Ô tô số: Sự ra đời của chương trình là bước đi chiến lược nhằm thực hiện khung trình độ quốc gia, trong đó bằng kỹ sư được xác định là bậc 7 - tương đương trình độ thạc sĩ. PGS. Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐHBK Hà Nội - phát biểu tại buổi lễ
“Thương hiệu kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội đã rất thành công, tạo dựng thương hiệu vững chắc trong và ngoài nước. Với sự ra đời của khung trình độ quốc gia, việc tái cấu trúc lại chương trình đào tạo là bắt buộc nếu không muốn đánh mất thương hiệu kỹ sư vốn là niềm tự hào của Nhà trường. Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát triển chương trình kỹ sư chuyên sâu tương đương bậc 7, nâng cao kỹ năng sáng tạo, tư duy, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng thích nghi với văn hoá doanh nghiệp cho người học.” - PGS. Nguyễn Phong Điền nhấn mạnh.
Là chương trình đầu tiên được triển khai theo mô hình kỹ sư liên ngành, Kỹ thuật Ô tô số là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Trường Cơ khí và Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Trường CNTT&TT).
PGS. Trương Hoành Sơn - Hiệu trưởng Trường Cơ khí - cho biết: “Chương trình đào tạo Kỹ thuật Ô tô số trang bị cho người học kiến thức vững chắc về phát triển phần mềm trên ô tô hiện đại, kỹ thuật thiết kế mô phỏng cơ khí ô tô số và tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo nhằm đào tạo ra những kỹ sư trẻ năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô trong kỷ nguyên số.” PGS. Trương Hoành Sơn - Hiệu trưởng Trường Cơ khí - phát biểu tại buổi lễ
PGS. Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường CNTT&TT - chia sẻ thêm về lý do khởi phát chương trình: “Chúng ta đều thấy rằng là công nghệ số và AI đã chạm tới rất nhiều ngành nghề và sự phát triển của AI đang tiến đến điểm bùng nổ như Internet khoảng những năm 1990. Một ngành truyền thống kết hợp với AI sẽ mở ra một không gian phát triển mới cho người học và cho cả xã hội - đó cũng là lý do Đại học Bách khoa Hà Nội quyết tâm đi đầu đào tạo hệ kỹ sư chuyên sâu về ô tô số đầu tiên.”
PGS. Tạ Hải Tùng chia sẻ, chương trình trình Kỹ sư Kỹ thuật Ô tô số có mã ngành thuộc Công nghệ thông tin, có nghĩa sinh viên tốt nghiệp cử nhân các ngành Cơ khí sẽ có thêm cơ hội phát triển sâu rộng trong lĩnh vực Công nghệ thông tin. Với ngành Kỹ thuật Ô tô số, Hiệu trưởng Trường CNTT&TT khẳng định không gian phát triển của nhân lực không chỉ giới hạn ở Việt Nam, nếu người học có năng lực tốt về ngoại ngữ, kỹ năng mềm thì có thể có cơ hội nghề nghiệp trên khắp thế giới. PGS. Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường CNTT&TT - phát biểu tại buổi lễKhoá đào tạo đầu tiên của chương trình kỹ sư chuyên sâu về ô tô số đầu tiên tại Việt Nam
Chương trình Kỹ sư Kỹ thuật Ô tô số là chương trình sau đại học, học viên sau khi tốt nghiệp được cấp bằng Kỹ sư chuyên sâu đặc thù, tương đương với bậc 7 của Thạc sĩ theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.
PGS. Nguyễn Thế Lương – Chủ tịch Hội đồng phát triển CTĐT Kỹ thuật Ô tô số - cho biết: “Chúng tôi xác định đây là chương trình của thế hệ kỹ sư mới.”
Chương trình đào tạo có tổng 60 tín chỉ, trong đó gồm: 12 tín chỉ cơ sở ngành; 20 tín chỉ chuyên ngành bắt buộc; sau đó học viên có 2 định hướng đào tạo: Phát triển phần mềm ô tô hoặc Kỹ thuật cơ khí ô tô số với tổng 13 tín chỉ; 15 tín chỉ thực tập doanh nghiệp và làm đồ án tốt nghiệp.
Chương trình được xây dựng với mong muốn cung cấp cho thị trường lao động Việt Nam và khu vực các kỹ sư có năng lực phát triển phần mềm ô tô cũng như có khả năng triển khai thiết kế, mô phỏng và kiểm thử cơ khí xe ô tô.
Học viên sẽ được thực hành trên các hệ thống tiên tiến như hệ thống mô phỏng chuyển động thực tế ảo CKAS MotionSim VR hay siêu máy tính NVIDIA DGX A100 80GB. Chương trình cũng hội tụ đội ngũ giảng viên từ nhiều ngành thuộc Trường Cơ khí và Trường CNTT&TT, kết hợp kinh nghiệm giảng dạy hàn lâm và thực tiễn từ doanh nghiệp. PGS. Nguyễn Thế Lương – Chủ tịch Hội đồng phát triển CTĐT Kỹ thuật Ô tô số - giới thiệu về chương trình
Không chỉ là bước tiến về nội dung học thuật, chương trình còn mở ra cách tiếp cận thực tiễn thông qua mô hình “học kỳ doanh nghiệp”. Người học sẽ có 6 tháng làm việc thực tế tại các doanh nghiệp ô tô lớn như VinFast, Nissan, FPT Automotive,… được dẫn dắt bởi các chuyên gia trong ngành. Đây là bước đột phá đưa đào tạo tiếp cận gần hơn với yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
Khoá đầu tiên Chương trình Kỹ sư Kỹ thuật Ô tô số có 59 học viên là các sinh viên tốt nghiệp các ngành: Kỹ thuật Ô tô, Kỹ thuật máy tính, Cơ điện tử,...
Không giấu niềm xúc động, sinh viên Nguyễn Quang Quý - đại diện khóa 1 - chia sẻ: “Học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội - nơi đề cao tinh thần "tự học - tự lực - tự rèn", cùng sự hỗ trợ từ đội ngũ giảng viên, doanh nghiệp và hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại - chúng em tin tưởng rằng mình sẽ đủ bản lĩnh và năng lực để vượt qua mọi khó khăn, thích nghi với chương trình và trở thành những kỹ sư thực thụ, sẵn sàng đóng góp cho ngành công nghiệp ô tô tương lai!” Sinh viên Nguyễn Quang Quý - đại diện sinh viên khoá đầu tiên - bày tỏ cảm nghĩ
Sinh viên Nguyễn Quang Quý tin tưởng, với hành trang kiến thức và kỹ năng tích lũy được từ chương trình đào tạo chuyên sâu này, cùng với sự nỗ lực không ngừng của bản thân, thế hệ đầu tiên của Chương trình Kỹ sư Kỹ thuật Ô tô sẽ mở ra những cánh cửa mới, đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nước nhà và góp phần vươn ra thế giới.
Nhà trường – Doanh nghiệp đồng lòng tạo ra thế hệ kỹ sư mới
Điểm khác biệt lớn của chương trình Kỹ thuật Ô tô số không chỉ nằm ở nội dung học mà còn ở mức độ gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Sự hiện diện của các tập đoàn lớn như FPT Automotive, VinFast, Nissan trong lễ khai giảng là minh chứng sống động cho mối liên kết Nhà trường – Doanh nghiệp.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Giám đốc sản xuất FPT Automotive, cựu sinh viên K43 Trường CNTT&TT - đánh giá chương trình đào tạo bám sát các công nghệ ô tô tiên tiến, đặc biệt là học phần về AI được đưa vào đào tạo phù hợp với sự phát triển của ngành.
Tại lễ khai giảng, FPT Automotive thông báo sẽ tài trợ một phòng thí nghiệm về ô tô số đặt tại Toà nhà C7 để hỗ trợ sinh viên, học viên thực hành sâu sát với các thiết bị tiên tiến.
Ông Vũ Tuấn Mạnh - Giám đốc sản xuất FPT Automotive
Ông Garrett Evert - Cố vấn cấp cao của VinFast
Bà Phạm Thị Thu Trang - Trưởng phòng Tuyển dụng và Đào tạo của NATV
Ông Garrett Evert - Cố vấn cấp cao của VinFast - mang đến cái nhìn toàn cảnh về tiềm năng phát triển và nhu cầu nhân lực lớn trong ngành ô tô điện: “Hiện tại chúng tôi cùng lúc phát triển 19 dòng xe mới, từ xe điện, xe xanh với cấu trúc và bộ năng lượng hoàn toàn mới, điều đó đòi hỏi một đội ngũ kỹ sư dồi dào và chất lượng.”
VinFast luôn mở rộng cánh cửa chào đón các kỹ sư trẻ có năng lực tốt, công ty đã xây dựng chương trình phát triển cán bộ nguồn để thu hút các tài năng trẻ, đào tạo kỹ năng thế mạnh và phân phối nhân sự theo năng lực phù hợp.
Bên cạnh FPT Automotive, VinFast, Nissan Automotive Technology Việt Nam (NATV) cũng là đối tác thân thiết, có mối quan hệ gắn bó với Đại học Bách khoa Hà Nội hơn một thập kỷ.
Bà Phạm Thị Thu Trang - Trưởng phòng Tuyển dụng và Đào tạo của NATV - chia sẻ, doanh nghiệp đã thành lập một đơn vị mới mang tên DX (Digital transformation), yêu cầu kỹ sư không chỉ có nền tảng về cơ khí ô tô mà còn có kiến thức về lập trình, trí tuệ nhân tạo, thiết kế triển khai dữ liệu,...
Đại diện NATV nhấn mạnh: “Ngành ô tô đang bước vào thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ với sự thâm nhập của phần mềm, dữ liệu và AI. Trước đây chúng tôi tuyển dụng nhân sự từ các chuyên ngành riêng lẻ và mất khá nhiều thời gian để đào tạo lại, nhưng giờ đây, chương trình Kỹ thuật Ô tô số đã giải quyết được nút thắt này.”
Với nền tảng học thuật vững chắc, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp hàng đầu và khát vọng không ngừng vươn lên từ người học, chương trình Kỹ thuật Ô tô số sẽ là cái nôi đào tạo thế hệ kỹ sư dẫn dắt ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bước vào kỷ nguyên số – kỷ nguyên vươn mình của đất nước.