Thế hệ Bách khoa Hà Nội xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ

Thứ hai - 14/12/2020 03:59

Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội hôm nay tổ chức lễ tri ân các thế hệ thầy trò từng xếp bút nghiên để lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

 

“Bách khoa – Một thời hoa lửa” là dịp để các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, từng nhập ngũ, cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, gặp mặt và ôn lại những ký ức hào hùng, đáng tự hào, tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc. Đây cũng là dịp kết nối các cựu sinh viên - cựu chiến binh cùng thế hệ để họ có thể động viên nhau, chia sẻ những khó khăn vất vả cũng như chúc mừng những thành công của các đồng đội.

Trong những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, hưởng ứng lời kêu gọi của Đất nước, nhiều thế hệ thầy và trò Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã lên đường nhập ngũ, tham gia vào các quân binh chủng, góp phần làm nên những trận thắng oanh liệt trên khắp các chiến trường A, B, C, cùng quân dân cả nước thống nhất nước nhà năm 1975.

Những người lính từng là sinh viên, giảng viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tới dự lễ tri ân ngày 14/12. Ảnh: CCPR - Duy Thành.

Cùng với hơn 10.000 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội, thầy và trò Bách khoa Hà Nội đã hình thành nên một thế hệ sinh viên thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Nhập ngũ đông nhất là sinh viên các trường Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng và Kinh tế kế hoạch (nay là Kinh tế quốc dân).

Có nhiều người là giảng viên, có người mới vào trường, có người thì học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài. Tất cả đều được đưa đi huấn luyện và cuối đợt huấn luyện, sau khi phân loại là cán bộ, sinh viên trường nào, họ được xếp vào binh chủng cho phù hợp. Phần đông sinh viên được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như các trung đoàn trực tiếp chiến đấu ở mặt trận Bình - Trị - Thiên. Trong hơn 10.000 sinh viên lên đường, hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Sau ngày thống nhất, những người lính lại trở về giảng đường, thầy giáo tiếp tục giảng dạy, sinh viên tiếp tục đi học. Nhiều người mang thương tật và di chứng của chiến tranh. Nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường đại học, tướng lĩnh quân đội, nhà thơ, nhà văn. Một số người giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước như ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Quốc Triệu, nguyên Bộ trưởng Y tế.

Các cựu chiến binh tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh trong chiến tranh trước tượng đài "Sinh viên lên đường bảo vệ Tổ quốc" tại quảng trường C2 trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: CCPR - Duy Thành. 

Trong lễ tri ân, buổi tọa đàm “Bách khoa – Một thời hoa lửa” mời đến 6 khách mời là cựu giảng viên và cựu sinh viên của Trường nhập ngũ trong những năm 1965 – 1972.

Bác Phạm Gia Nghi nhập ngũ năm 1965 là thế hệ sinh viên Bách khoa đầu tiên ra trận. Thời điểm đó, bác Gia Nghi hoàn thành chương trình đào tạo kỹ sư của Bách khoa Hà Nội nhưng chưa kịp tốt nghiệp. “Chúng tôi, những sinh viên năm cuối đại học, đều chuẩn bị tinh thần ra trận”, bác Nghi nhớ lại sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964 khiến chiến tranh Mỹ và Việt Nam leo thang.

“Khi hành quân trên cầu Long Biên tiến ra mặt trận miền Nam, tôi cảm giác chúng tôi ra trận với tư thế mới và sẽ làm nên những chiến công lịch sử,” bác Nghi tâm sự.  Cựu sinh viên của Bách khoa Hà Nội Phạm Gia Nghi là đồng tác giả các công trình như đèn rùa cho xe ô tô vượt Trường Sơn, tránh máy bay Mỹ; đường ống dẫn xăng dầu vượt Trường Sơn; xe phá bom từ trường và cano phá thủy lôi phong tỏa Hải Phòng.

GS. Lã Văn Út (người đang nói), cùng các khách mời, tham dự tọa đàm "Bách khoa - Một thời hoa lửa". Ảnh: CCPR - Duy Thành.

Khách mời còn có GS. Lã Văn Út là một trong hàng chục thầy giáo Bách khoa Hà Nội ra đi chiến đấu năm 1972. Kết thúc chiến tranh, GS. Út quay trở về Trường tiếp tục học tập nghiên cứu, cống hiến và được phong Nhà giáo Nhân dân. “Lúc đó, cuộc chiến bước vào giai đoạn mới ác liệt. Ta chủ trương kết thúc cuộc chiến sớm nên huy động toàn lực và cần thêm những người lính có trình độ kỹ thuật cao,” GS. Lã Văn Út kể rằng riêng bộ môn của thầy đã có ba giảng viên lên đường ra mặt trận vào cùng năm đó.

GS cũng tâm sự về việc tạm gác ước mơ của người làm khoa học cũng như để lại gia đình vợ con ở đằng sau để cầm súng chiến đấu. “Vào quân ngũ rồi, tất cả đều là đồng đội của nhau. Đã trở thành người lính thì không còn phân biệt thầy – trò nữa,” GS Út nhớ lại những người đồng đội vốn là sinh viên của mình tại Bách khoa Hà Nội.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Nhà Trường, nói đến tinh thần “Bách khoa là nhà” và tinh thần “hoa lửa” của các thế hệ thầy trò đi trước sẽ bất diệt trong mỗi con người Bách khoa Hà Nội. Để ghi nhớ những đóng góp của các thế hệ cán bộ và sinh viên lên đường nhập ngũ vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đảng Ủy, Ban Giám Hiệu, và Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh đã quyết định xây tượng đài “Sinh viên lên đường bảo vệ tổ quốc” tại quảng trường C2 vào đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường năm 2006. Phía trước tượng đài được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lời tựa: “Tổ quốc ghi công lớp lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc. Tinh thần yêu nước mãi mãi là ngọn lửa soi sáng các thế hệ thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước, trở thành quốc gia giàu mạnh, hòa bình và hạnh phúc”.

CCPR

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây