Sinh viên Bách khoa Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm “gap year”, tạo lợi thế cho bản thân

Thứ năm - 17/08/2023 21:02
Sinh viên Đinh Anh Quân - Quản trị kinh doanh 01 - K63, Viện Kinh tế và Quản lý, ĐHBK Hà Nội. Ảnh: Tuấn Vũ
Sinh viên Đinh Anh Quân - Quản trị kinh doanh 01 - K63, Viện Kinh tế và Quản lý, ĐHBK Hà Nội. Ảnh: Tuấn Vũ
Hẹn Đinh Anh Quân tại Thư viện Tạ Quang Bửu, cậu sinh viên đang học năm cuối ngành Quản trị kinh doanh, Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội không vượt qua vòng kiểm tra của các bác bảo vệ vì thẻ… hết hạn. Thắc mắc hỏi lý do, Quân cười hiền: “Em K63, đáng lẽ ra trường rồi mà em xin nghỉ 1 năm “gap year” nên giờ mới đang học năm 4”. Có lẽ chuyện “gap year” khá lạ với nhiều sinh viên Bách khoa Hà Nội, nhưng Đinh Anh Quân đã viết nên kỳ tích trong 1 năm chủ động tạm dừng để thay đổi bản thân, tạo lợi thế cho tương lai.

“Gap year” là khoảng thời gian “tạm dừng” sau một quá trình học tập hoặc làm việc nhằm mục đích nghỉ ngơi, khám phá bản thân hoặc thực hiện một kế hoạch còn dang dở. “Gap year” thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Nhiều trường hợp “gap year” đến 2 năm. 

“Môi trường học của Bách khoa khiến em luôn cố gắng”

Đinh Anh Quân là cựu học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) – ngôi trường theo Quân kể là “trường làng” của Hà Nội với điểm “đầu vào” ở tốp thấp. Quân vào học Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội trong tâm thế rất “rón rén”, đôi lúc tự ti vì mình không được học trường chuyên, lớp chọn, không có giải này giải kia như các bạn xung quanh.

“Sau một thời gian, em cảm thấy tự hào vì mình cũng như các bạn khi thi đỗ vào Bách khoa Hà Nội. Chính trong môi trường toàn bạn giỏi như vậy em có động lực để cố gắng” – Quân chia sẻ.

Năm 2021, điểm GPA của sinh viên năm 3 Đinh Anh Quân là 2.5. Thời điểm đó, cậu thường xuyên suy nghĩ về tương lai nghề nghiệp của mình, tính đếm bản thân đang có gì để có thể cạnh tranh khi ra trường, xin việc.

Đinh Anh Quân nhớ lại: “Em thấy mình không có gì nổi trội, cố gắng lắm rồi mà điểm GPA không cao. Em quyết định “gap year” 1 năm để chuyên tâm ôn luyện tiếng Anh, đặt mục tiêu thi chứng chỉ IELTS 6.5 - 7.0, tạo lợi thế về ngoại ngữ”.

Quyết định “gap year” của Quân được gia đình ủng hộ. Các thầy/cô ở Viện và Đại học rất quan tâm, hỏi Quân về kế hoạch cho 1 năm tạm dừng, tạo điều kiện để Quân làm thủ tục một cách thuận lợi,. Với bước ngoặt này, Quân cảm thấy mình thực sự trưởng thành, cần phải có trách nhiệm với các bước đi trong cuộc đời, vì thế, cậu càng thêm quyết tâm thực hiện mục tiêu đặt ra.
z4612144085377 51e54316882a7f7e00a8c05565b89506
Trong 1 năm "gap year", Đinh Anh Quân bỏ hết mạng xã hội và chơi game, chỉ chuyên tâm ôn luyện tiếng Anh và chứng chỉ ICAEW. Ảnh: Đinh Ngọc Long
3 bí quyết để đạt 5 chứng chỉ ICAEW, IELTS 7.0 của sinh viên năm 3 Bách khoa Hà Nội

Không có điều kiện để chi trả tiền cho các khóa luyện thi, Quân tự ôn luyện tiếng Anh. Cậu bỏ hết mạng xã hội, game. Máy tính được sử dụng hoàn toàn cho việc học, lên mạng tìm kiếm tài liệu xong là “out”, kiên quyết không sa đà vào các trang trò chơi hay chát chít bạn bè.

Với Quân, cứ “một mình tự kỷ” như vậy lại hiệu quả, cậu thấy học “vào” hơn, tập trung hơn. Nếu thấy quá tải mệt mỏi, Quân tự tìm cách cân bằng lại bằng cách xem phim, nghe nhạc…

“Gap year” được 3 tháng, một người bạn “mách” Quân nộp hồ sơ Học bổng Rising stars của ICAEW Việt Nam – Chương trình học bổng nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Viện Kinh tế và Quản lý và Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW). Sinh viên của Viện Kinh tế và Quản lý được lựa chọn nhận học bổng đều phải trải qua kỳ thi đầu vào do ICAEW tổ chức.

Chứng chỉ ICAEW của Tổ chức kiểm toán Vương quốc Anh và xứ Wales khá có giá trị. Nếu sinh viên đạt 3/6 chứng chỉ sẽ được đưa vào danh sách tuyển dụng của các Công ty thuộc Big 4 (4 công ty kiểm toán lớn nhất thế giới tính theo doanh thu hàng năm gồm: PWC, Deloitte, Ernst and Young (E&Y), KPMG) và làm việc tại Việt Nam.

Kết quả, Đinh Anh Quân giành được học bổng khóa học ôn chứng chỉ môn Kế toán quản trị. Lần đầu tiên trong cuộc đời nhận được học bổng, Quân vui lắm. Cậu chăm chỉ theo các buổi học, về nhà ôn luyện. Vì học và thi bằng tiếng Anh nên “một công đôi việc”, Quân vừa ôn tiếng Anh, vừa ôn các môn chương trình ICAEW CFAB. Sau 3 tháng, cả lớp có 30 học viên đi thi, Quân là 1 trong 4 học viên thi đạt chứng chỉ môn Kế toán quản trị.

Lúc bắt đầu “gap year”, Quân hay trò chuyện cùng giảng viên – TS. Nguyễn Thị Phương Dung – cô giáo dạy môn Kế toán ở Viện và dạy ôn thi chứng chỉ môn Kế toán quản trị. Quân thường nhắn tin, gọi điện thoại chia sẻ với cô Dung về những dự định mình sẽ làm, mong muốn chinh phục các kỳ thi ICAEW… Sắp tới ngày thi, cậu lại nhắn cô giáo “Cô ơi, em sắp thi nội bộ” hay “Cô ơi, mai em thi…”

Cô Phương Dung cổ vũ tinh thần Quân rất nhiều. Trước khi đi thi, cô động viên Quân cố gắng, dặn cậu kết quả như thế nào cũng nhớ báo cho cô, gặp câu hỏi nào khó đừng ngại nhắn tin, có thời gian cô sẽ trả lời ngay… “Đạt được chứng chỉ ICAEW môn Kế toán quản trị, người đầu tiên em báo tin là cô Dung. Cô vui lắm. Thấy cô vui như vậy, em tự nhủ mình phải cố gắng hơn, mong thấy cô cười thật nhiều như thế!” – Quân xúc động kể.

Có động lực, Quân tiếp tục ôn thi các chứng chỉ ICAEW, lần lượt nhận các học bổng để học và thi các môn tiếp theo trong năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Tính đến tháng 8/2023, Đinh Anh Quân đã đạt được 5/6 chứng chỉ chương trình ICAEW CFAB các môn: Kế toán quản trị, Kế toán tài chính, Thuế, Kiểm toán; Luật – một thành tích đáng nể không chỉ với sinh viên ngành Kinh tế, Đại học Bách khoa Hà Nội mà còn cả trong các sinh viên khối ngành Kinh tế nói chung tại Việt Nam.

Cùng đó, Quân thi IELTS đạt 7.0 với những kiến thức, kỹ năng tự ôn luyện. Trước ngày thi, Quân rất căng thẳng, cậu thức trắng 2 đêm, đến lúc thi kỹ năng Nghe là tai cứ ù lên. Nhận điểm như mong muốn, Quân mừng muốn khóc! Thật khâm phục sự kiên trì, bền bỉ, tập trung cao độ để đạt được mục tiêu của cậu sinh viên Bách khoa Hà Nội. Ngẫm nghĩ lại, Quân nhận định học Kinh tế ở ngôi trường khoa học kỹ thuật Bách khoa đã giúp cậu có tư duy logic, sắp xếp công việc khoa học để có được thành tựu sau 1 năm “gap year”.

3 bí quyết Quân luôn tuân thủ khi học tập là: 1. Cân bằng: Khi làm nóng đầu việc học thì hãy làm nguội đầu bằng một việc khác; 2. Duy trì sự liên tục: Làm việc khoa học, duy trì nhịp làm việc đó hàng ngày, không làm theo cảm hứng; 3. Chủ động: Không chờ đợi, hãy tự đi tìm câu trả lời mà không chờ ai khác.
CBO 6884
Với Đinh Anh Quân, dù thi chứng chỉ gì thì tấm bằng Bách khoa Hà Nội mới là nền tảng để tạo dựng tương lai. Ảnh: Tuấn Vũ
“Không học Bách khoa Hà Nội, không có em ngày hôm nay”

Hiện tại, Quân đang học tiếp năm thứ 4 tại Đại học Bách khoa Hà Nội với mục tiêu cố gắng có được tấm bằng đại học. Với Quân, dù thi chứng chỉ gì thì tấm bằng Bách khoa mới là nền tảng để tạo dựng tương lai. Sau thời gian tự nhìn nhận bản thân, tập trung ôn tập, cậu đã tìm được phương pháp học tập khoa học hơn, học các môn ở Bách khoa ít thời gian nhưng hiệu quả cao. GPA kỳ vừa qua của Quân đạt 4.0.

Song song với học các môn ở trường, Quân tự ôn luyện để chinh phục chứng chỉ ICAEW thứ 6, môn Kinh doanh, Công nghệ và Tài chính. Khi có đủ 6 chứng chỉ, Đinh Anh Quân được quyền lựa chọn rộng hơn, hướng tới tương lai làm việc cho Big 4 ở thị trường quốc tế.

Trong thời gian tạm nghỉ, những lúc cảm thấy đầu óc học hành quá tải, Quân lại tạt vào Bách khoa, ngắm trường, ngắm bạn cho đỡ nhớ! Sau này, cậu vào Bách khoa theo lời mời! Bởi sau chứng chỉ ICAEW thứ hai, cô Phương Dung mời Quân đến Viện Kinh tế và Quản lý chia sẻ kinh nghiệm học, thi chứng chỉ ICAEW với các bạn sinh viên khóa sau đang chuẩn bị thi.

Lần đầu tiên nói trước đông người, Quân run lắm. Sau mỗi lần đạt thêm chứng chỉ ICAEW, Quân nhận nhiều “show” hơn, có hôm sáng nói chuyện nơi này, chiều giao lưu nơi khác. Giờ cậu thuyết trình chuyên nghiệp” lắm rồi!

“Đứng trước các bạn, kể về những trải nghiệm khi tự học và đi thi, em thấy mình có giá trị! Câu hỏi em thường nhận là: Vì sao lại “liền tù tì” lấy được 5 chứng chỉ như vậy? Theo em, kiến thức 3 năm học ở Đại học Bách khoa Hà Nội đã cho em một nền tảng vững chắc để từ đó bật lên, đạt được kết quả cao! Em luôn nghĩ nếu không có hành động trước đấy thì không có em hiện tại. Việc chọn học Quản trị kinh doanh tại Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội là quyết định đúng đắn nhất của em! Không học Bách khoa Hà Nội, không có em ngày hôm nay” – Đinh Anh Quân tự hào nói.

Có nhiều con đường để nhìn nhận lại bản thân, với Đinh Anh Quân, “gap year” cùng kế hoạch cụ thể, quyết tâm theo đuổi mục tiêu đến cùng đã tạo được lợi thế cho bản thân. Để thấy, thà đứng lại suy nghĩ thật kỹ còn hơn nhắm mắt vội bước con đường mà bạn không chắc nó sẽ dẫn về đâu!
 

“Với tinh thần nỗ lực tự học, tính kỷ luật cũng như tâm thế cẩn thận khi làm các bài thi toàn cầu (ôn tập rất kỹ bài giảng và bài tập của các môn học), đến nay em Đinh Anh Quân đã thi đỗ toàn cầu được 5/6 môn học của ICAEW CFAB. Tôi đánh giá rất cao tinh thần học tập, sự đam mê và nỗ lực hết mình của Quân trong việc học và thi đỗ toàn cầu các môn của một trong tổ chức nghề nghiệp danh giá tầm thế giới như ICAEW."

TS. Nguyễn Thị Phương Dung, Giảng viên Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội, Giáo viên chủ nhiệm lớp Rising Stars 2021.
 
Gia Hân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây