Điểm mặt sản phẩm công nghệ “Made by BKers”

Chủ nhật - 14/11/2021 15:41

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã và đang đào tạo ra những thế hệ kỹ sư, cử nhân công nghệ hàng đầu đất nước. Những phát minh, sáng chế của cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội đã góp sức vào công cuộc phát triển kỹ thuật, công nghệ mới, phục vụ đời sống con người. Dưới đây là một số sản phẩm công nghệ “Made by BKers” vẫn đang có sức sống mãnh liệt vượt khỏi biên giới Việt Nam.

1. Ứng dụng Zalo

Đây là sản phẩm của anh Vương Quang Khải – Cựu sinh viên K41, hiện là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNG (Unicorn – Startup trị giá 1 tỷ đô – đầu tiên tại Việt Nam), và là founder của Zalo, ứng dụng tin nhắn OTT đã đạt 100 triệu người sử dụng trên Thế giới. Anh từng nằm trong số 13 nhân tài về phần mềm được Tập đoàn FPT tập hợp để bắt đầu cuộc trường chinh toàn cầu hóa cho xuất khẩu phần mềm. Khi gia nhập VNG, anh đã làm dự án website nghe nhạc Zing MP3. Sau 6 tháng, Zing MP3 vào danh sách 5 website có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam. Sau đó, anh phát triển thêm Zalo. Từ tháng 8 năm 2012 đến tháng 5 năm 2018, Zalo cán mốc 100 triệu người dùng.

 

 

2. Phần mềm Unikey

Anh Phạm Kim Long là sinh viên lớp Tin A, K36 Khoa Toán Tin, trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ 1991 – 1996. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, anh được cử đi nghiên cứu sinh tại Cộng hòa Séc. Năm 1998, anh đã lập trình bộ gõ tiếng Việt trên hệ điều hành Windows với tên gọi LittleVnKey. Năm 2000, khi bộ mã quốc tế thống nhất dùng chung cho tất cả các ngôn ngữ trên toàn thế giới Unicode được tích hợp vào Windows, anh tạo ra phiên bản Unikey đầu tiên hoàn chỉnh.

 

3. Phần mềm MISA

Đây là chắt lọc tâm huyết ủa ông Lữ Thành Long – cựu sinh viên K34, Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông Long luôn ấn tượng về ngôi trường Đại học Bách khoa Hà Nội – nơi đã xây dựng “chất” văn hóa 3T của dân kỹ thuật: Thẳng thắn, Trung thực, Tự tin. Ông sáng lập Misa từ cuối năm 1994 và phát triển thương hiệu này vươn tầm thế giới, xuất hiện tại 16 quốc gia. Công ty phần mềm kế toán này tăng trưởng mạnh nhiều năm gần đây nhờ cung cấp đa dạng các giải pháp chuyển đổi số.

 

 

4. Game Flappy Bird

Game Flappy Bird từng khiến cả thế giới điên đảo là sản phẩm của anh Nguyễn Hà Đông – cựu sinh viên Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngay trước dịp 30/4/2013, anh viết trên Twitter, giới thiệu về “trò chơi mới đơn giản” của mình. Tựa game Flappy Bird đã đạt 90 triệu lượt tải, xếp vị trí số 1 trong Google Play cũng như Apple Store, dẫn đầu tại thị trường 100 quốc gia vào tháng 1/2014. Thành công bất ngờ của trò chơi giúp anh có mặt trong danh sách “10 triệu phú Internet đi lên từ con số 0” của tờ The Richest.

 

5. Ứng dụng GotIt!

Đây là sáng tạo trí tuệ của tiến sĩ Trần Việt Hùng – cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (Khóa 1993-1997) và cựu nghiên cứu sinh Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) ngành Khoa học Máy tính, Đại học Iowa (Mỹ). Từ năm thứ hai, anh đã học thêm về kinh doanh để nắm bắt cơ bản mọi thứ. Anh Trần Việt Hùng từng thành lập startup tại Mỹ, rồi tung ra sản phẩm có ảnh hưởng toàn cầu nhắm vào lĩnh vực giáo dục, cụ thể là học sinh phổ thông và sinh viên đại học.

6. BKAV và Bphone

Nhắc đến BKAV và Bphone là nhắc đến ông Nguyễn Tử Quảng – cựu sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1995, khi đang là sinh viên năm thứ ba, ông bắt đầu thực hiện các chương trình chống virus và cung cấp miễn phí (đến năm 2005) cho cộng đồng mạng. Năm 2003, ông được Tạp chí EChip phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin. Năm 2015, công ty của ông đã cho ra mắt Bphone, sản phẩm điện thoại di động cao cấp đầu tiên do người Việt làm ra.

Nguồn: Hust

Tác giả: Nguyễn Kim Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây