Chuyện chiếc xe ngộ nghĩnh giành giải Nhất khóa học “Global Project Based Learning” Trường Cơ khí - ĐHBK Hà Nội

Thứ năm - 09/03/2023 03:37
Các giáo sư và sinh viên Học viện Công nghệ Shibaura  được chào đón tại Đại học Bách khoa Hà Nội
Các giáo sư và sinh viên Học viện Công nghệ Shibaura được chào đón tại Đại học Bách khoa Hà Nội
Vừa qua, tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra lễ bế mạc khóa học trao đổi sinh viên thực hiện theo Dự án “Global Project Based Learning”. Đây là chương trình trao đổi quốc tế giữa Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) và Học viện Công nghệ Shibaura (SIT), Nhật Bản.

10 đội thi, 1 đề tài, 6 yêu cầu

Từ năm 2016 đến nay, đây là hoạt động học thuật trao đổi thường niên giữa hai đơn vị. Theo nội dung chương trình, vào đầu mỗi năm, 1 đoàn các giáo sư và sinh viên Học viện Công nghệ Shibaura sẽ sang Đại học Bách khoa Hà Nội giao lưu và làm việc với các giảng viên, sinh viên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình này đã tạm dừng hoạt động trong 2 năm.

Tháng 2/2023, chương trình tiếp tục được triển khai với đoàn trao đổi từ Học viện Công nghệ Shibaura gồm 3 giáo sư và 25 sinh viên. Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội thành lập đoàn làm việc gồm 3 giảng viên (là các giáo sư, phó giáo sư) và 23 sinh viên thuộc Khoa Cơ khí Chế tạo máy và Khoa Cơ điện tử. Đây là chương trình trao đổi quốc tế đầu tiên của Học viện Công nghệ Shibaura sau đại dịch Covid-19, tạo cơ hội cho các sinh viên Trường Cơ khí học tập và trao đổi cùng các sinh viên quốc tế; cùng đó tạo tiền đề các hoạt động quốc tế hóa cho sinh viên toàn Đại học Bách khoa Hà Nội sau này.
DSC 0356
Sinh viên 2 trường được chia thành 10 nhóm, mỗi nhóm gồm cả sinh viên Việt Nam và Nhật Bản
Sinh viên 2 trường được chia thành 10 nhóm (mỗi nhóm 4-5 sinh viên), cùng thực hiện một đề tài dưới sự hướng dẫn của các giáo sư, phó giáo sư Nhật và Việt Nam. Các sinh viên đã giao lưu, làm việc nhóm trong môi trường quốc tế, vận dụng các kiến thức, kỹ năng Cơ khí vào thiết kế, chế tạo một mô hình cụ thể. Năm nay, 10 đội sinh viên được các thầy giao đề tài thiết kế một chiếc xe đáp ứng các yêu cầu: 

• Xe cần di chuyển được quãng đường 5m;

• Không sử dụng tất cả các loại động cơ (điện, xăng…);

• Không sử dụng các thiết bị điện, chuyển động tự động;

• Chỉ sử dụng các cơ cấu chuyển động cơ khí;

• Chở được trọng tải khối lượng 1 người trong nhóm;

• Chi phí của toàn bộ thiết bị không quá 50 USD.

Chiếc xe ngộ nghĩnh và sự tự tin của nhóm thi giành giải Nhất

Trong 1 tuần làm việc chung, các nhóm đã cùng thiết kế sản phẩm, trao đổi và tính toán các cơ cấu cơ khí. Nhiều ý tưởng đã được các nhóm đưa ra bàn luận rất sôi nổi để đi đến quyết định sử dụng các cơ chế chuyển động nhờ sức kéo của lò xo hoặc dây cao su. Mỗi nhóm tự tìm kiếm nguyên vật liệu, mua sắm vật tư và chế tạo thiết bị tại Trung tâm Kỹ thuật cơ khí, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.
DSC 0394
Các sinh viên tính toán và lựa chọn kích thước sản phẩm
Trần Văn Hiếu, sinh viên lớp Cơ khí 10 K64 đã có những trải nghiệm rất “đắt giá” khi tham gia khóa học. Những ngày đầu lên ý tưởng cho sản phẩm, nhóm của Hiếu làm việc rất tập trung và đưa ra được nhiều ý tưởng thiết kế như: Xe chạy bằng khí, xe chạy bằng lò xo, cuối cùng, nhóm quyết định “chốt” ý tưởng thiết kế xe chạy bằng lò xo.

Trong buổi thuyết trình về ý tưởng, nhóm của Hiếu được các thầy giáo Nhật Bản và thầy giáo Bách khoa góp ý, hướng dẫn rất nhiều về tính toán động học, tính toán thiết kế, cách thức chế tạo… “Những góp ý đó thực sự quý giá với chúng em” – Hiếu nhớ lại.
DSC 0337
Giai đoạn chế tạo thử sản phẩm tại Trung tâm Kỹ thuật cơ khí, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội
Giúp các sinh viên có tinh thần thoải mái hiện thực hóa ý tưởng của mình, khóa học đã thiết kế chuyến tham quan mang màu sắc văn hóa đất nước con người Việt Nam, vừa thấm đẫm “tinh thần Nhật Bản”. Cùng đó, các sinh viên Nhật Bản và Việt Nam cùng thầy giáo hai trường tham quan nhà máy Hyundai (Hải Dương), mở mang thêm kiến thức khi được “mục sở thị” những dây chuyền tự động hóa sản xuất, cách vận hành của một nhà máy đẳng cấp quốc tế.

Hiếu chia sẻ: “Cho đến giờ, chúng em vẫn nhớ những giải đáp rất tận tình của thầy Thành Trung về sự vận hành của robot, dây chuyền… Những kiến thức thu nhận được từ chuyến đi giúp em rất nhiều trong học tập, thực hành, thí nghiệm và cả cách tư duy khi sắp tới làm đồ án tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội”.
DSC 0375
Kiểm tra sản phẩm
DSC 0441
Chạy thử sản phẩm
DSC 0458
Đánh giá sản phẩm
Tràn đầy năng lượng sau chuyến đi tham quan - học tập bổ ích, các nhóm sinh viên bắt tay vào chế tạo sản phẩm. Nhóm của Trần Văn Hiếu đã mua được những vật liệu chế tạo xe giá rẻ, giúp tiết kiệm được ngân sách của nhóm. Xong khâu chuẩn bị, cả nhóm khẩn trương lắp ráp sản phẩm. Lúc đầu, sản phẩm của nhóm Hiếu khá lỏng lẻo và thiết chính xác. Tuy nhiên, nhờ vào các buổi hướng dẫn của các thầy giáo Nhật Bản và Bách khoa, nhóm đã cải tiến và hoàn thiện được sản phẩm một cách hoàn chỉnh nhất.

Hỏi Hiếu về kỷ niệm vui em nhớ nhất trong ngày thi, Hiếu kể về những nụ cười! Thì ra khi mang sản phẩm ra thi, cả nhóm nhận được rất nhiều tiếng cười vui bởi sản phẩm của nhóm trông khá ngộ nghĩnh! Hiếu không tả hình dáng chiếc xe, cứ thấy cậu sinh viên cười tủm tỉm, sau tự tin chia sẻ: “Nhóm em tin vào những tính toán, thiết kế của mình”. Và khi xe lăn bánh, tiếng cười đã thay bằng những tiếng xuýt xoa thán phục. Chiếc xe của nhóm Hiếu chạy bon bon 1 mét, 2 mét rồi 5 mét. Thật tuyệt vời, chiếc xe ngộ nghĩnh đã mang cho nhóm giải Nhất sản phẩm.
DSC 0478a
Giáo sư Toshio Ito trao phần quà đặc biệt cho đội giành chiến thắng
Sau khi kiểm tra và đánh giá sản phẩm, các giảng viên Việt Nam và Nhật Bản trao phần thưởng cho những đội chiến thắng và chứng chỉ khóa học cho tất cả các sinh viên tham dự chương trình. Giáo sư Toshio Ito - Học viện Công nghệ Shibaura - trao phần quà đặc biệt cho đội giành chiến thắng, đội thi gồm các sinh viên Lê Minh Giang, Trần Văn Hiếu, Niibe Tomoya và Misono Yushi.
DSC 0671a
GS. Toshio Ito và nhóm S.M.A.S.H phấn khởi "khoe" chứng chỉ khóa học 
Phát biểu tại lễ bế mạc, GS. Toshio Ito bày tỏ sự vui mừng trước sự thành công của khóa học, đồng thời đánh giá rất cao những ý tưởng thiết kế, khả năng làm việc nhóm, và những sản phẩm được chế tạo của sinh viên 2 trường. Ông khẳng định đây là một hoạt động bổ ích, thiết thực, giúp các bạn sinh viên của Học viện và sinh viên Trường Cơ khí Bách khoa giao lưu học tập, giao lưu văn hóa cũng như nghiên cứu khoa học. “Tôi mong chương trình này được tiếp tục triển khai những năm tiếp theo” – GS. Toshio Ito nhấn mạnh.
DSC 0654a
PGS. Hoàng Hồng Hải cảm ơn các giáo sư đến từ Học viện Công nghệ Shibaura, Nhật Bản
DSC 0663z
PGS. Hoàng Hồng Hải cảm ơn các giáo sư đến từ Học viện Công nghệ Shibaura, Nhật Bản
Trân trọng cảm ơn sự nhiệt tình tham gia, định hướng, hỗ trợ của các thầy cô giáo, các sinh viên Học viện SIT và Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội góp phần vào thành công của chương trình, PGS. Hoàng Hồng Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí đồng thời khẳng định chương trình chương trình khuyến khích, tạo cơ hội cho sinh viên Trường Cơ khí nói riêng, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung giao lưu, trao đổi văn hoá; bồi dưỡng và tăng cường khả năng giao tiếp ngoại ngữ, tạo điều kiện phát triển nghề nghiệp trong tương lai; Đặc biệt có ý nghĩa thiết thực trong việc tạo lập mạng lưới bạn bè quốc tế, hiểu biết về mối quan hệ và văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Đại học Bách khoa Hà Nội hẹn gặp lại những người đồng nghiệp tuyệt vời, những sinh viên năng động đến từ SIT trong năm 2024 nhé!
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây