Quỹ khởi nghiệp BK Fund tăng gấp đôi vốn đầu tư lên 35 tỷ năm 2022

Thứ bảy - 20/11/2021 13:07

Năm 2022, Quỹ đầu tư mạo hiểm BK Fund sẽ ưu tiên các dự án khởi nghiệp của sinh viên Bách khoa Hà Nội và tập trung rót vốn đầu tư ở vòng “hạt giống”.

Sau 9 tháng hoạt động, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội – BK Fund hôm 20/11 tổ chức Đại hội các Nhà đầu tư năm 2021 để đưa ra các quyết sách cho hướng phát triển sắp tới.

Đại hội đồng thuận tăng gấp đôi vốn lên 35 tỷ đồng để rót vào 22 dự án khởi nghiệp trong năm 2022. Bên cạnh đó, Đại hội thống nhất chủ trương ưu tiên đầu tư cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên và cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội trước khi mở rộng sang các dự án khác. Ngoài ra, Quỹ BK Fund khẳng định hướng đầu tư vốn “hạt giống” tức là tập trung đầu tư ở giai đoạn rất sớm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đầu tư vào giai đoạn đầu của start-up

 “Điểm khác biệt của Bách khoa Hà Nội so với các trường đại học khác nằm ở các sinh viên xuất sắc liên ngành kỹ thuật, khoa học và công nghệ có nhiều ý tưởng tiềm năng,” Hiệu trưởng PGS. Huỳnh Quyết Thắng phát biểu. Do vậy, BK Fund sẽ chú trọng đầu tư ở "vòng hạt giống" nhằm giúp kích hoạt các ý tưởng thành sản phẩm kinh doanh.

Các nhà đầu tư sáng lập của BK Fund chấp nhận rủi ro khi đầu tư ở giai đoạn “hạt giống” khi mà doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ý tưởng, cần vốn để nghiên cứu sâu hơn mức độ phù hợp của sản phẩm với thị trường và tuyển dụng thêm nhân sự để phát triển sản phẩm.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội (thứ hai từ trái sang) cùng các nhà đầu tư sáng lập của Quỹ BK Fund tại Đại hội các nhà đầu tư 2021 và Họp báo ra mắt nhà đầu tư mới ngày 20/11. Ảnh: Minh Ngọc. 

Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tập đoàn Misa, khẳng định mục đích cuối cùng của các nhà đầu tư sáng lập BK Fund là cổ vũ tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của người trẻ. “Đầu tư ở giai đoạn ‘hạt giống’ yêu cầu số vốn không lớn nên Quỹ có thể rót vốn cho nhiều dự án khởi nghiệp cùng một lúc,” ông Long nói.

“Nên đầu tư vào các startup từ khi còn là ý tưởng, chưa thành lập công ty, tuy rủi ro cao, nhưng đó sẽ là bệ đỡ để sinh viên khởi nghiệp," ông Đỗ Duy Hưng, Chủ tịch Công ty 3C, đóng góp ý kiến.

Ngoài ra, theo các nhà đầu tư sáng lập, Quỹ BK Fund không có lợi thế chạy đua với các quỹ đầu tư mạo hiểm quy mô lớn, quỹ đầu cơ nước ngoài, các ngân hàng đầu tư ở các vòng gọi vốn sau Series A, B,C khi mà các công ty khởi nghiệp đã bước vào giai đoạn phát triển tăng tốc, thâu tóm thị trường và mở rộng thị phần.

BK Fund không chỉ đầu tư ở giai đoạn sớm nhất mà còn đồng hành chặt chẽ, hỗ trợ công ty khởi nghiệp trong quá trình ra mắt sản phẩm và phát triển thị trường, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái đồng thời là chủ tịch Hội đồng Quỹ BK Fund nhấn mạnh.

“Chúng tôi, các cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội, đã mất rất nhiều thời gian trước khi đi tới thành công vì vậy chúng tôi muốn giúp các thế hệ đi sau có khả năng tiếp cận nhanh với thị trường,” chủ tịch Hội đồng Quỹ BK Fund nói.

Đặt cược gấp ba vào các công ty khởi nghiệp công nghệ lõi

Khi mới thành lập BK Fund, các nhà đầu tư thống nhất rót vào mỗi dự án tối đa 1 tỷ đồng. Tuy nhiên sau một năm hoạt động, ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc chương trình ươm tạo BK Holdings, nhận định ngày càng có nhiều dự án khởi nghiệp liên quan đến các ngành kỹ thuật, khoa học, công nghệ lõi đòi hỏi vốn nghiên cứu lớn như chế tạo vật liệu mới hay công nghệ y sinh.

Trước thực tế đó, Quỹ BK Fund sẽ tăng vốn đầu tư tối đa cho mỗi dự án lên 3 tỷ đồng, tuy nhiên các dự án này phải được 100% thành viên hội đồng Quỹ thông qua. Hiện BK Fund đã huy động được 17,5 tỷ từ 16 nhà đầu tư sáng lập và đang kêu gọi thêm các nhà đầu tư mới tiềm năng.

Ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch tập đoàn Phú Thái đồng thời là chủ tịch Hội đồng Quỹ BK Fund tại Đại hội các nhà đầu tư 2021 và Họp báo ra mắt nhà đầu tư mới ngày 20/11 tại phòng hội thảo C2. Ảnh: Minh Ngọc.

Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Tập đoàn Misa cho rằng để Quỹ hoạt động hiệu quả, phải xây dựng các nguyên tắc để đánh giá tính hiệu quả của dự án. Trước tiên, mỗi dự án cần một hội đồng chuyên môn gồm các chuyên gia đánh giá độc lập và chuyên sâu. Ngoài ra, theo ông Long, năng lực của đội ngũ sáng lập start-up cũng là một yếu tố quan trọng để chốt thương vụ, do vậy, Quỹ không thể bỏ qua thông tin về nền tảng giáo dục, quá trình làm việc và thành tích cá nhân của các nhà sáng lập startup.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Việt Thanh, Tổng giám đốc Công ty sản xuất Lê Công Kiều, đề nghị thay vì biểu quyết theo số phiếu, việc lựa chọn dự án đầu tư cần dựa trên ý kiến đánh giá của chuyên gia. “Chúng ta nên lập sẵn danh sách các chuyên gia tham vấn cho từng lĩnh vực đầu tư,” ông Việt Thanh gợi ý. “Công ty quản lý Quỹ BK Fund sẽ tham vấn các chuyên gia trước khi trình các dự án tiềm năng với các nhà đầu tư.”

Sau gần một năm hoạt động, Quỹ BK Fund đã phê duyệt 5 dự án khởi nghiệp, trong đó đã giải ngân 3 tỷ đồng cho ba công ty hoạt động trong ba lĩnh vực khác nhau bao gồm tài chính, giáo dục và y tế, theo báo cáo tại Đại hội các Nhà đầu tư BK Fund 2021 tổ chức ngày 20/11.

Ba dự án đã được giải ngân bao gồm GIMO - giải pháp ứng lương cho người lao động; Ejoy - phần mềm hỗ trợ học tiếng Anh đa kỹ năng với nội dung đa kênh; và N2TP - phần mềm hỗ trợ định liều thuốc chính xác.

Hai dự án chưa rót vốn gồm EMDDI - nền tảng điều vận taxi truyền thống kết nối các hãng taxi hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ huỷ chuyến, tăng lượng khách hàng và cạnh tranh với các nền tảng gọi xe hiện nay; và Graphenel Material - Công ty nghiên cứu và sản xuất Graphene vật liệu của tương lai với chi phí sản xuất thấp và tiềm năng mở rộng cao.

Các nhà đầu tư sáng lập của Quỹ Đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo BK Fund tại lễ ra mắt Quỹ vào tháng 1, 2021. Ảnh: CCPR. 

Theo TS. Nguyễn Quân, chủ tịch mạng lưới cựu sinh viên, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, BK Fund là quỹ đầu tư mạo hiểm đầu tiên tại một trường đại học  công lập của Việt Nam. Quỹ được thành lập theo nghị định 38 của Chính phủ và để thể chế  hóa luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được Quốc hội thông qua năm  2018. 

Quỹ BK Fund do các cựu sinh viên và các nhà nghiên cứu của Bách Khoa Hà Nội sáng lập và góp vốn. Đại học Bách Khoa Hà Nội không góp vốn bằng tiền mà đóng góp bằng thương hiệu và quyền sử dụng thương hiệu của Trường, tương đương 15% cổ phần của Quỹ, mức cổ phần này sẽ không thay đổi theo thời gian và quy mô của Quỹ.

Bách khoa Hà Nội là trường đại học về khoa học, kỹ thuật hàng đầu ở Việt Nam. Đây là nơi ươm tạo rất nhiều doanh nhân các tập đoàn lớn và các startup công nghệ nổi tiếng, tiêu biểu là tập đoàn Phú Thái, Austdoor, MISA, BKAV, Ahamove, và GotIt.

BK Fund không chỉ rót vốn mà còn huy động “chất xám” từ chính mạng lưới hơn 200.000 cựu sinh viên Bách Khoa. Với sự từng trải và dạn dày của người làm kinh doanh, những cựu sinh viên của Bách Khoa vừa góp vốn vừa đóng góp trí tuệ bằng cách cố vấn trực tiếp cho các công ty khởi nghiệp.

Bách khoa Hà Nội trong những năm gần đây đặt trọng tâm vào các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh Việt Nam lấy kỹ thuật, khoa học và công nghệ làm nền tảng phát triển kinh tế xã hội, PGS. Huỳnh Quyết Thắng giải thích về vai trò quyết định của Quỹ BK Fund trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Nhà Trường.

“Khi hệ sinh thái khởi nghiệp của Bách khoa Hà Nội lớn mạnh, chúng ta sẽ trở thành điểm kết nối của đổi mới, sáng tạo, lôi kéo được sinh viên các trường khác kết hợp làm việc với sinh viên Bách khoa Hà Nội," Hiệu trưởng Huỳnh Quyết Thắng vạch định chiến lược.

CCPR

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây