Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 16/07/2025 05:30
Các đại biểu, sinh viên chụp ảnh kỷ niệm tại sự kiện
Đại học Bách khoa Hà Nội xác định tiếng Anh là một trong những năng lực cốt lõi sinh viên cần trang bị để tiếp cận tri thức toàn cầu, tham gia vào các dự án quốc tế và cạnh tranh trên thị trường lao động chất lượng cao. Trên tinh thần đó, ngày 16/7, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Toạ đàm “Các giải pháp nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên khối kỹ thuật”.
Chương trình có sự tham gia của các đại biểu Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN, Học viện Chính sách và phát triển, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank), Công ty Cổ phần Techvina, Nhà xuất bản National Geographic Learning (Hoa Kỳ) và đông đảo giảng viên, sinh viên Khoa Ngoại ngữ - Đại học Bách khoa Hà Nội.
Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tại Bách khoa Hà Nội
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, khẳng định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Thời gian qua, nhiều văn bản xác định các nhiệm vụ trọng tâm, nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thiện cơ chế, chính sách và thúc đẩy hội nhập quốc tế đã được ban hành:
- Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Trong đó có nhiệm vụ: Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
- Ngày 18/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 51/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/ 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
- Bộ GDĐT cũng đang xây dựng Đề án quốc gia “Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn 2045.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, theo GS. Vũ Văn Yêm – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, ngày 15/7 vừa qua, Nhà trường đã ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chính để đẩy mạnh quốc tế hóa giai đoạn 2025-2030, trong đó có 6 nhóm giải pháp chính liên quan đến: Xây dựng chính sách; Quốc tế hóa chương trình đào tạo; Quốc tế hóa nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; Hiện đại hoá cơ sở vật chất; Tăng cường truyền thông và xây dựng mạng lưới hợp tác quốc tế; Đổi mới quản trị. GS. Vũ Văn Yêm – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu tại toạ đàm
“Đây là các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mang tính dài hạn.” – GS. Vũ Văn Yêm cho biết. Trong đó, Khoa Ngoại ngữ đã được giao xây dựng đề án giải pháp nâng cao giải pháp nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên, ngoài ra đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ cho cán bộ, giảng viên cũng được Nhà trường nghiên cứu thực hiện.
Đại học Bách khoa Hà Nội đang từng bước thúc đẩy quá trình quốc tế hóa trong đào tạo, xây dựng môi trường học tập đa ngôn ngữ, đa văn hóa, khuyến khích sinh viên chủ động nâng cao năng lực và nỗ lực đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong Nhà trường.
Tìm lời giải bài toán nâng cao năng lực tiếng Anh sinh viên kỹ thuật
Mở đầu tọa đàm, bà Lê Thuý Nga - Trưởng phòng Marketing Công ty Cổ phần Techvina, CSV K58 Khoa Ngoại ngữ - Đại học Bách khoa Hà Nội đã nhấn mạnh vai trò then chốt của tiếng Anh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu, đặc biệt tiếng Anh là yêu cầu bắt buộc ở hầu hết các bộ phận của công ty này. Bà Lê Thuý Nga - Trưởng phòng Marketing Công ty Cổ phần Techvina
Đại diện Techvina đánh giá cao tiềm năng của sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Bách khoa Hà Nội, tuy nhiên cũng chỉ ra thực trạng sinh viên kỹ thuật còn hạn chế về khả năng giao tiếp và phản xạ ngôn ngữ trong môi trường làm việc thực tế. Từ đó, bà Nga đề xuất các giải pháp như: Tổ chức hội thảo chuyên đề về tiếng Anh thương mại, tiếng Anh chuyên ngành, tăng cường chương trình thực tập và trải nghiệm sử dụng tiếng Anh tại doanh nghiệp.
Dưới góc độ của người học, sinh viên Vũ Như Quỳnh - K69 ngành Kỹ thuật Nhiệt và Nguyễn Đào Anh Phong - K68 ngành Quản trị Kinh doanh đã chia sẻ về thực tế quá trình học tiếng Anh tại trường.
Các em đều trải qua hệ thống học online (ED Online), sử dụng giáo trình tiếng Anh học thuật, học trực tiếp từ giảng viên và thi theo chuẩn TOEIC.
Theo 2 sinh viên Bách khoa, học trực tuyến có ưu điểm nổi bật bởi tính linh hoạt, tiết kiệm thời gian, dễ truy cập nội dung nhưng sinh viên gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung, thiếu giao tiếp với giảng viên và thường xuyên gặp lỗi kỹ thuật. Bên cạnh đó, các bài học trên sách tuy đầy đủ 4 kỹ năng nhưng vẫn còn khô khan, chưa có nhiều tình huống thực tế; sinh viên còn thiếu môi trường để thực hành kỹ năng nói - viết; lịch học chuyên ngành dày đặc cũng khiến việc đầu tư cho tiếng Anh bị hạn chế;...
Sinh viên Vũ Như Quỳnh - K69 ngành Kỹ thuật Nhiệt
Sinh viên Nguyễn Đào Anh Phong - K68 ngành Quản trị Kinh doanh
Sinh viên kiến nghị Nhà trường điều chỉnh lịch học, cải thiện hệ thống học trực tuyến ED, bổ sung hoạt động giao tiếp thực tế và có phần chữa bài, hướng dẫn cải thiện điểm sau các kỳ kiểm tra.
Đại diện đội ngũ giảng viên, ThS. Vũ Lan Hương - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày tham luận làm rõ thực tiễn công tác giảng dạy chương trình tiếng Anh cho sinh viên khối kỹ thuật. Các chương trình như ED, VOICES (trong đó có các học phần tiếng Anh 1 đến 5) đã được xây dựng chi tiết, hướng tới việc phát triển toàn diện kỹ năng cho sinh viên kỹ thuật.
Dựa trên dữ liệu đánh giá hiệu quả đào tạo kỳ 2024.2, cô Hương chỉ ra rằng chương trình đã có nhiều tiến bộ về mặt cấu trúc và nội dung, tuy nhiên vẫn cần điều chỉnh để sát hơn với năng lực thực tế và nhu cầu nghề nghiệp của sinh viên kỹ thuật. Phần lớn các sinh viên tham gia khảo sát đánh giá công tác đào tạo đáp ứng đầy đủ 4 kỹ năng, giúp người học cải thiện trình độ tiếng Anh tổng thể, phát triển vốn từ vựng gần gũi với thực tế,... ThS. Vũ Lan Hương - Giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội
Với mục tiêu quốc tế hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả giảng dạy, Khoa Ngoại ngữ đề xuất loạt giải pháp bao gồm: Sử dụng AI trong học tập các học phần tiếng Anh 1-5; Cải tiến phương pháp giảng dạy, xây dựng lộ trình đào tạo và giáo trình phù hợp cho từng nhóm trình độ của người học (A1, A2, A2+, A2/ B1, B1).
Khoảng 25% sinh viên Bách khoa đã có năng lực ngoại ngữ vững chắc
Cuối toạ đàm là phần thảo luận, hỏi-đáp chuyên sâu với sự tham gia của các đại diện đến từ doanh nghiệp, chuyên gia học liệu, giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo và sinh viên. Nhiều câu hỏi đã được đặt cho các diễn giả về phương hướng nâng cao năng lực, tài liệu giảng dạy, ứng dụng công nghệ như AI, chatbot trong dạy và học,...
Trong không khí hỏi-đáp cởi mở, PGS. Phạm Thanh Huyền - Trưởng Ban Công tác sinh viên chỉ rõ khoảng 25% sinh viên Bách khoa đã có năng lực ngoại ngữ vững chắc và khoảng 75% sinh vẫn cần nâng cao tiếng Anh.
Theo PGS. Phạm Thanh Huyền, số liệu 2 năm gần nhất cho thấy có 20-25% sinh viên đầu vào có chứng chỉ tiếng Anh, nhóm sinh viên này chủ động trong tìm kiếm các cơ hội học bổng nước ngoài, tích cực tham gia giao lưu, trao đổi với quốc tế đến các quốc gia như Mỹ, Nhật, Singapore,...Mỗi học kỳ, Ban Công tác sinh viên đều nhận được lượng lớn hồ sơ trao đổi từ nhóm sinh viên này, các bạn đều phải đảm bảo các yêu cầu tối thiểu 3.2 CPA, 80 điểm rèn luyện và có chứng chỉ ngoại ngữ. PGS. Phạm Thanh Huyền - Trưởng Ban Công tác sinh viên - trao đổi tại toạ đàm
Với nhóm 75% sinh viên còn lại, PGS. Phạm Thanh Huyền đề xuất cần có những giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa như: Tổ chức Olympic tiếng Anh dành riêng cho sinh viên kỹ thuật; Sử dụng slide bằng tiếng Anh trong giảng dạy; Có ít nhất 1 giảng viên nước ngoài giảng dạy với các chương trình tiên tiến; Mỗi chương trình đào tạo tổ chức ít nhất 1 chuyến thăm quan doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài trong toàn khoá; Xây dựng một số không gian bắt buộc sử dụng tiếng Anh.
Khép lại toạ đàm, GS. Vũ Văn Yêm rút ra 3 kết luận chính như sau:
Thứ nhất, cần thay đổi từ duy từ cấp cán bộ quản lý đến giảng viên giảng dạy, thay đổi nhận thức của sinh viên về việc học tiếng Anh;
Thứ hai, phải nâng cao công tác đào tạo, xây dựng giáo trình, học liệu bài bản, ứng dụng AI trong dạy và học; trong đó GS. Yêm cho rằng mô hình đào tạo hybrid có tính tối ưu ở thời điểm hiện tại;
Thứ ba, kiến tạo môi trường để phát triển tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2, xây dựng mô hình kết nối sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQGHN và Trường Đại học Ngoại thương để cùng học hỏi, cùng phát triển. Toàn cảnh toạ đàm
Có thể nói, nâng cao năng lực tiếng Anh cho sinh viên, nỗ lực đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 không chỉ là yêu cầu của thời đại, mà còn là cam kết của Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao, có khả năng hội nhập và thích ứng với sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ toàn cầu.