GS. Trần Đại Nghĩa - người thầy đặt nền móng cho Bách khoa Hà Nội

Thứ ba - 22/11/2022 23:28
Chủ tịch Hồ Chí Minh và GS Trần Đại Nghĩa tháng 4 năm 1960 Ảnh tư liệu
Những đóng góp của Giáo sư Trần Đại Nghĩa cho nền cách mạng, khoa học và giáo dục Việt Nam bắt nguồn từ lòng quý trọng tri thức và mong muốn vun trồng thế hệ tương lai cho đất nước.

Giáo sư Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học, kỹ sư quân sự, tướng lĩnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng.

Vinh dự cho người Bách khoa Hà Nội khi Giáo sư Trần Đại Nghĩa là thầy hiệu trưởng đặt nền móng cho trường đại học khoa học, kỹ thuật và công nghệ đầu tiên của Việt Nam - chiếc nôi nuôi dưỡng một lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ quản lý phục vụ công cuộc tái thiết và xây dựng đất nước.
 
Giáo sư Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ. Ông sinh ngày 13 tháng 9 năm 1913 tại tỉnh Vĩnh Long. Năm 1935, Phạm Quang Lễ sang Pháp du học khi tròn 22 tuổi. Năm 1940, Phạm Quang Lễ nhận gần như cùng một lúc ba bằng: Kỹ sư cầu đường, Kỹ sư điện và Cử nhân toán. Sau đó, ông học tiếp và nhận thêm ba bằng kỹ sư khác bao gồm: Hàng không, Mỏ - Địa chất và Chế tạo máy. Sau đó ông ở lại Pháp làm việc tại Viện nghiên cứu Máy bay, rồi sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện nghiên cứu vũ khí.

Nghiên cứu lịch sử nước nhà, ông nhận ra rằng để đánh thắng kẻ thù thì vũ khí là yếu tố hết sức quan trọng. Những cuộc khởi nghĩa giai đoạn trước đó thất bại một phần là do vũ khí quá thô sơ. Vì thế, Phạm Quang Lễ nung nấu ước mơ chế tạo vũ khí phục vụ sự nghiệp giải phóng đất nước.
Sinh viên Phạm Quang Lễ (hàng đầu đeo kính), người sau này là GS Trần Đại Nghĩa, chụp với bạn học tại Đại học Quốc gia Cầu đường Paris, năm 1936
Sinh viên Phạm Quang Lễ (hàng đầu đeo kính), người sau này là GS. Trần Đại Nghĩa, chụp với bạn học tại Đại học Quốc gia Cầu đường Paris, năm 1936. Ảnh Tư liệu.

Tháng 9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua Pháp thương thuyết. Phạm Quang Lễ đề đạt nguyện vọng về nước, dùng những kiến thức đã tích lũy được trong 11 năm ở nước ngoài để phục vụ sự nghiệp cứu nước. Theo bài viết “Trần Đại Nghĩa - nhà bác học, vị tướng, người anh hùng” đăng trên Sài Gòn giải phóng ngày 21/8/2005, tài sản ông tích cóp sau nhiều năm ở nước ngoài mang về Tổ quốc là "một tấn sách và tài liệu được đóng hòm, dán nhãn ‘ngoại giao’”.

Tháng 12/1946, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao giữ trọng trách: Cục trưởng Cục Quân giới - Bộ Quốc phòng (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam) kiêm Giám đốc Nha nghiên cứu Quân giới - Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự).

Và cũng từ đây cái tên Trần Đại Nghĩa ra đời và gắn bó với ông trọn đời. Báo Công an nhân dân, ngày 10/02/2011, trích dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Một là, họ Trần là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước”.
GS Trần Đại Nghĩa Ảnh Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Trần Đại Nghĩa (13/9/1913 – 9/8/1997) là một giáo sư, kỹ sư quân sự, nhà bác học, Tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam, người đã đặt nền móng xây dựng ngành khoa học kỹ thuật quân sự và công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Ảnh Tư liệu.

Năm 1947, dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của Trần Đại Nghĩa, xưởng quân giới đóng ở Thái Nguyên đã chế tạo thành công súng Bazoka. Đây là một loại vũ khí chủ yếu dùng đánh xe tăng, tàu chiến. Năm 1949, ông cùng với các cộng sự nghiên cứu và chế tạo thành công súng không giật SKZ. Đây là loại súng nhẹ, có thể vác trên vai nhưng sức công phá rất lớn dùng để bắn vào những pháo đài kiên cố, đầu đạn xuyên thủng bê-tông. Trong cuốn sách "Chiến tranh Đông Dương" xuất bản năm 1963, ký giả Lucien Bodart viết: "Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê-tông dày 60cm là những quả đạn SKZ. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được cả một lô-cốt”.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Trần Đại Nghĩa đã góp phần không nhỏ trong việc tìm biện pháp chống nhiễu của máy bay B-52 và nâng cấp độ bay cao của tên lửa CAM-2 để tổ chức phòng không hiệu quả nhất.

Theo bài luận “Trần Đại Nghĩa – nhà khoa học kiệt xuất, vị tướng khiêm nhường”, ông cũng có công rất lớn trong việc chế tạo những trang thiết bị đặc biệt cho bộ đội đặc công khi phải chiến đấu với tàu chiến của địch ngoài khơi, ví dụ như vũ khí chống cá mập, tia hồng ngoại, ra đa, siêu âm, thủy lôi, và các biện pháp chống bom từ trường, chống bom bi, bom lade, mìn lá, lựu đạn vi điện tử. Đặc biệt, loại xe phóng từ trường từ xa của ông ra đời đã chấm dứt tình trạng bom từ trường của Mỹ phá hoại những đoàn xe vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ông danh hiệu "Ông Phật làm súng". Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong một bài báo lấy bút danh C.B, đã viết: "Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến".

Ngày 20/11/1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng khi mới 35 tuổi. Năm 1952, tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, ông là đại biểu trí thức được phong danh hiệu Anh hùng lao động đợt đầu tiên của Việt Nam. Đó cũng là năm ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô - danh vị cao nhất của những người làm công tác khoa học.

Khi giữ cương vị Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Trần Đại Nghĩa đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng khoa học và phát triển đội ngũ khoa học, xây dựng cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, trong chỉ đạo nghiên cứu khoa học, ông luôn đề cao nguyên tắc bảo đảm tính ứng dụng. Theo ông, nghiên cứu khoa học phải nhằm phục vụ cuộc sống và sự phát triển của xã hội.

Từ những năm 1950 cho đến cuối đời, Giáo sư Trần Đại Nghĩa được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao nhiều trọng trách trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ tịch đầu tiên của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, và Hiệu trưởng đầu tiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Theo lời chia sẻ của Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thiện Phúc với VietNamNet, thầy hiệu trưởng đầu tiên của Bách khoa Hà Nội luôn trăn trở về sự phát triển của Nhà trường nói riêng và về vấn đề đầu tư cho khoa học nói chung. “Trường Bách khoa các anh tự gọi là đại học Bách khoa Hà Nội đấy chứ, chắc là để dễ phân biệt với các trường Bách khoa mới mở sau này, còn theo quyết định lúc thành lập năm 1956 thì chỉ ghi là đại học Bách khoa thôi! Nói như thế, không phải là cốt giành lấy cái danh hiệu quốc gia để xin được thêm kinh phí đầu tư, mà ở chỗ cần phải tự xác định vị trí của mình, để ý thức được phải dạy với trách nhiệm quốc gia và phải học với ý thức tự tôn của một dân tộc!”
CCPR

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây