Bách khoa có cô giáo dạy học bằng… thơ

Chủ nhật - 06/07/2025 20:07
PGS. Lã Thị Ngọc Anh giải đáp thắc mắc cho sinh viên sau giờ học
PGS. Lã Thị Ngọc Anh giải đáp thắc mắc cho sinh viên sau giờ học
Trò chuyện với PGS. Lã Thị Ngọc Anh, cảm nhận sự dịu dàng, tỉ mỉ của chị mới thấu hiểu lý do vì sao cô giáo Bách khoa được học trò, đồng nghiệp tin yêu đến vậy. Chia sẻ về hành trình hơn 2 thập kỷ đứng trên bục giảng, đôi mắt chị ánh lên sự xúc động với lời khẳng định: Lửa nhiệt huyết nghề giáo trong tôi vẫn vẹn nguyên như ngày đầu!

Chị Ngọc Anh được sinh viên, đồng nghiệp biết đến với phương pháp giảng dạy độc đáo, giàu tính liên tưởng: Ứng dụng Vật lý, Toán học, thậm chí cả Văn học vào các học phần thiết kế, mỹ thuật.

Dùng thơ trong bài giảng cho sinh viên... kỹ thuật

PGS. Lã Thị Ngọc Anh - Giảng viên Trường Cơ khí - là một trong ba cán bộ tiêu biểu trong giảng dạy năm học 2023 – 2024 của Đại học Bách khoa Hà Nội.
 
20250110 CBO 2229
Niềm vui của PGS. Lã Thị Ngọc Anh (thứ hai từ trái qua) cùng đồng nghiệp trong Hội nghị Đại biểu CBVC năm 2024. Ảnh: Duy Thành
Chia sẻ về giải thưởng Cán bộ tiêu biểu trong giảng dạy, PGS. Lã Thị Ngọc Anh  khiêm tốn bày tỏ: “So với các thầy, cô giáo Bách khoa tài năng, phương pháp giảng dạy của tôi không có gì đặc biệt. Có lẽ tôi may mắn được sinh viên, đồng nghiệp ưu ái!” 

Lắng nghe nhiều hơn những câu chuyện trên bục giảng của PGS. Ngọc Anh mới thấy giải thưởng này đến với chị không đơn thuần từ sự may mắn!

Trong Nhóm chuyên môn Thiết kế sáng tạo, PGS. Lã Thị Ngọc Anh là người tiên phong ứng dụng các công cụ công nghệ giáo dục hiện đại như Edmodo, Prezi, Padlet. 

Khi đứng lớp học phần “Thiết kế mỹ thuật công nghiệp” - môn học đòi hỏi sự sáng tạo, vốn nổi tiếng “khoai” với sinh viên kỹ thuật, PGS. Ngọc Anh đã tìm ra cách khiến bài giảng trở nên sống động: Lồng ghép kiến thức Toán học, Vật lý vào Mỹ thuật, dẫn dắt bằng cả thơ ca để chạm vào cảm xúc người học. 

Giảng về màu sắc, chị liên hệ đến quang phổ và bước sóng ánh sáng, phân tích sắc tím của hoa bằng lăng dưới góc nhìn chuyển dịch sắc độ. Để sinh viên hiểu sâu hơn về sự vận động của đường nét thiết kế, chị kết nối với sự chuyển hóa giữa thế năng và động năng trong Vật lý.

Đặc biệt, PGS. Lã Thị Ngọc Anh đặt câu hỏi gợi mở: “Màu sắc có âm thanh không?” rồi dẫn dắt sinh viên đến câu thơ “Em không nghe rừng thu /Lá thu kêu xào xạc…” (Lưu Trọng Lư) để học trò thấy cách nghệ thuật kết nối mọi giác quan.

“Nhìn xuống lớp học, thấy ánh mắt háo hức và những cái gật đầu của sinh viên, tôi biết mình đã thành công - không chỉ truyền đạt kiến thức, mà còn chạm đến cảm xúc và trí tưởng tượng của người học.” - Giảng viên tiêu biểu trong giảng dạy Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
 
z6701989736666 ea1d8274a91b1f8ab58f64ee003ca00e
PGS. Lã Thị Ngọc Anh cùng sinh viên, học viên nghiên cứu thực tế sản xuất
Không chỉ sáng tạo trong giảng dạy, PGS. Lã Thị Ngọc Anh còn chủ động lắng nghe tâm tư tình cảm của sinh viên, dùng sự thấu cảm, chân thành “chữa lành” những tâm hồn chênh vênh.

Gặp sinh viên sa sút tinh thần, chị không vội trách móc mà nhẹ nhàng khơi dậy động lực của học trò. Có khi chỉ đơn giản là lời động viên: “Đừng bỏ cuộc nhé, cha mẹ, thầy cô vẫn luôn tin tưởng các em!”; có khi là những giờ tâm sự, tháo gỡ vướng mắc về tâm lý cho sinh viên.

PGS. Lã Thị Ngọc Anh quan niệm: Người thầy không chỉ là người dạy kiến thức, mà còn là người lắng nghe, nâng đỡ và đồng hành như một người bạn, một điểm tựa cho sinh viên.

Hơn 20 năm gieo chữ, trồng người

PGS. Lã Thị Ngọc Anh là sinh viên K33 chuyên ngành Công nghệ Cắt may (nay là ngành Công nghệ Dệt May), Đại học Bách khoa Hà Nội. Hành trình học tập, nghiên cứu của chị gắn liền với mái trường Bách khoa từ khi là sinh viên, đến khi học thạc sĩ, làm tiến sĩ. 

Cũng tại Bách khoa, PGS. Ngọc Anh gặp được những người thầy truyền cảm hứng - họ không chỉ truyền đạt tri thức mà còn mở lối cho chị tìm thấy ý nghĩa của việc đồng hành cùng người học. Đó là GS.TSKH.NGƯT. Đặng Quốc Phú và PGS.NGƯT. Trần Bích Hoàn.
 
z6701989790524 d6313e98d071371b2c3ea32505ff42bf
PGS. Lã Thị Ngọc Anh cùng người thầy yêu quý PGS. Trần Bích Hoàn 
“Thầy, cô luôn tạo điều kiện, động viên tôi mạnh dạn thử sức với những nhiệm vụ mới trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Từ học trò trở thành đồng nghiệp của thầy, cô, tôi vô cùng biết ơn và tự hào!” - PGS. Lã Thị Ngọc Anh bày tỏ tình cảm tới hai người thầy đáng kính.

Nghề chọn người, giảng đường đã trở thành mảnh đất màu mỡ để PGS. Lã Thị Ngọc Anh gieo mầm tri thức cho thế hệ tương lai. Hơn 20 năm đứng lớp, chị vẫn giữ nguyên ngọn lửa nghề bằng cách không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy, nghiên cứu, vững tay chèo con thuyền tri thức, đưa nhiều thế hệ học trò đến bến thành công.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình làm nghề, chị Ngọc Anh mãi ấn tượng với khoảng thời gian cùng sinh viên nghiên cứu chế tạo áo làm mát hỗ trợ y bác sĩ chống dịch trong thời điểm đại dịch COVID-19 căng thẳng nhất.

Dưới sự hướng dẫn của PGS. Vũ Đình Tiến, nhóm sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học đã liên hệ PGS. Lã Thị Ngọc Anh và ThS. Phạm Thị Yến để cùng nghiên cứu sản phẩm áo làm mát nguyên lý tuần hoàn nước lạnh, có giá chỉ bằng 1/4 so với thị trường và trọng lượng chỉ khoảng 1kg.

“Điều đáng nhớ là trong khoảng thời gian ngắn ngủi một ngày đêm, chúng tôi đã cùng nhau thiết kế và hoàn thiện sản phẩm đầu tiên!” – PGS. Ngọc Anh hồi tưởng.

Qua thử nghiệm, áo làm mát tuần hoàn nước lạnh có thời gian làm mát nhanh, người dùng không bị tháo mồ hôi. Nhiệt độ làm mát có thể điều chỉnh thông qua lưu lượng bơm, không gây sốc nhiệt cho người sử dụng.

Sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là “Giải pháp hữu ích” - minh chứng cho tinh thần sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề của sinh viên, giảng viên Bách khoa.

Nhìn lại những trải nghiệm đầy màu sắc trong sự nghiệp giảng dạy, nghiên cứu của mình, PGS. Lã Thị Ngọc Anh chân thành gửi gắm tới các giảng viên trẻ: Hãy nuôi dưỡng tình yêu với môn học mình giảng dạy và truyền tải nó bằng cả trái tim!
 
z6701989736669 3ad77a4b040653fd561c33572480aa42
PGS. Lã Thị Ngọc Anh cùng sinh viên sau giờ lên lớp
Người ta vẫn nói, một bài giảng hay có thể thay đổi suy nghĩ, nhưng một người thầy tận tâm có thể thay đổi cả cuộc đời. “Yêu những gì mình dạy và dạy bằng cả trái tim” không chỉ là nguồn động lực to lớn của giảng viên mà còn góp phần xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội luôn là ngôi trường thân yêu, mái nhà tri thức đáng mến của mọi người Bách khoa.
 
“Yếu tố quan trọng nhất để một giảng viên có thể truyền cảm hứng chính là sự chân thành và tình yêu thực sự với môn học mình giảng dạy. Khi yêu những gì mình dạy và dạy bằng cả trái tim, ngọn lửa đam mê đó sẽ tự nhiên lan tỏa đến sinh viên, khơi gợi sự hứng thú và thôi thúc học trò khám phá tri thức.”
PGS. Lã Thị Ngọc Anh - Giảng viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội
 

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây