Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 29/04/2025 03:53
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì buổi làm việc với ĐHBK Hà Nội
Ngày 28/4, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì buổi làm việc.
Những con số ấn tượng của Đại học Bách khoa Hà Nội
Tại buổi làm việc, GS. Vũ Văn Yêm - Trưởng Ban Tổ chức - Nhân sự, Đại học Bách khoa Hà Nội - đã trình bày tóm tắt Báo cáo của Đại học về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021 - 2024.
Đoàn Giám sát rất ấn tượng trước những con số về mô hình tổ chức, đào tạo, NCKH, kiểm định quốc tế, nguồn nhân lực… của Đại học Bách khoa Hà Nội: GS. Vũ Văn Yêm - Trưởng Ban Tổ chức - Nhân sự, ĐHBK Hà Nội - trình bày tóm tắt Báo cáo của ĐHBK Hà Nội trước Đoàn Giám sát40: Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội có 40 đơn vị: 6 trường thuộc, 4 khoa quản ngành, 3 khoa đại cương, 6 viện nghiên cứu trực thuộc, 12 đơn vị hành chính tập trung, 8 đơn vị dịch vụ - hỗ trợ và hệ thống doanh nghiệp (BK-Holdings).
74%: Nhà trường có 1.149 giảng viên (chiếm tỷ lệ 64,3%), 158 cán bộ kỹ thuật và 470 cán bộ hành chính, phục vụ. Trong số giảng viên có 850 người trình độ tiến sĩ (chiếm 74%), 20 giáo sư và 286 phó giáo sư.
41.000: Nhà trường đào tạo khoảng 41.000 sinh viên đại học chính quy; số sinh viên vừa học vừa làm là 2.379, số học viên sau đại học gồm 1.225 thạc sỹ và 180 nghiên cứu sinh.
21,2%: Giai đoạn 2020 - 2024, quy mô đào tạo bậc đại học của Đại học Bách khoa Hà Nội có sự tăng trưởng rõ rệt, đạt 41.581 sinh viên vào năm học 2024 - 2025, tăng 7.282 sinh viên, tương đương 21,2% so với năm học 2020 - 2021.
85,2%: Tỷ lệ sinh viên hài lòng với chất lượng và hiệu quả phục vụ, hỗ trợ sinh viên tăng đều qua từng năm, đạt 85,2% đối với các đơn vị chuyên môn, và đạt 76,6% đối với các đơn vị hành chính và hỗ trợ.
Hơn 94%: Số liệu thống kê năm học 2023-2024 cho thấy hơn 94% sinh viên tốt nghiệp có việc làm hoặc đi học tiếp sau đại học trong thời gian 3 tháng sau khi tốt nghiệp.
Hơn 6.000: Nhà trường đã triển khai hơn 6.000 đề tài nghiên cứu các cấp, thực hiện và chuyển giao hàng trăm đề tài khoa học cấp quốc gia, ứng dụng trong sản xuất, đời sống, quốc phòng.
42: Tính đến hết năm 2024, Nhà trường có 42 CTĐT đạt chuẩn kiểm định quốc tế, đạt tỷ lệ 66% CTĐT. Đến thời điểm hiện nay, thêm 10 CTĐT đã hoàn thành đánh giá ngoài (theo tiêu chuẩn AQAS) và 4 CTĐT hoàn thành tái kiểm định theo AUN-QA. PGS.Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - trao đổi làm rõ một số vấn đề Đoàn giám sát quan tâm4 đề xuất, mong muốn của Đại học Bách khoa Hà Nội
Gửi gắm những đề xuất, kiến nghị tới Đoàn Giám sát, lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đã nêu 4 nội dung:
1. Thực hiện tốt chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội;
2. Hoàn thiện quy định liên quan đến cán bộ, viên chức, người lao động;
3. Cơ chế, chính sách hỗ trợ nguồn vốn;
4. Cơ chế, chính sách đột phá.
Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn Bộ GD-ĐT quan tâm đề xuất với các bộ ban ngành và Chính phủ, cho phép Đại học Bách khoa Hà Nội được tiếp cận với nhiều nguồn vốn đầu tư công hơn: Nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư phát triển, vốn vay ưu đãi của các tổ chức nước ngoài WB, ADB.., Nguồn ngân sách nhà nước sự nghiệp Giáo dục và sự nghiệp khoa học công nghệ để triển khai thực hiện khởi công mới các dự án công trình đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, mở rộng khuôn viên phát triển và hiện đại hóa Đại học.
Bên cạnh việc phát huy tối đa nội lực, Đại học Bách khoa Hà Nội rất cần có một cơ chế chính sách đặc thù, các gói hỗ trợ tài chính từ ngân sách trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như chính sách vay ưu đãi ưu tiên cho các cơ sở giáo dục đại học công lập trọng điểm quốc gia. Chỉ khi có được sự hỗ trợ quyết liệt và bền vững từ Nhà nước, Nhà trường mới có thể thực hiện hoá được chiến lược trở thành một trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu khu vực, đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Toàn cảnh buổi làm việc“Đại học Bách khoa Hà Nội đã linh hoạt, tiên phong để có cách làm mới”
Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát và lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đã trao đổi thêm về chiến lược đào tạo của Đại học để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; các chính sách đãi ngộ, thu hút giảng viên, sinh viên giỏi của trường trong mối tương quan với các cơ sở giáo dục đại học khác; khuyến nghị của nhà trường trong đào tạo những ngành, nghề mới nổi; tình hình chuyển dịch giảng viên; hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo...
Thay mặt Đoàn Giám sát, bà Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận những đóng góp của Đại học Bách khoa Hà Nội với sự nghiệp đào tạo nói chung, cung cấp nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao đối với một số ngành nghề quan trọng của đất nước; đồng thời tin tưởng nhà trường sẽ còn đóng góp lớn hơn nữa trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, xứng đáng với vị thế là cơ sở giáo dục đại học kỹ thuật trọng điểm quốc gia.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội chia sẻ với nhà trường khi trong quá trình hoạt động còn gặp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định pháp luật chồng chéo hoặc không phù hợp.
“Đại học Bách khoa Hà Nội đã linh hoạt, tiên phong để có cách làm mới, khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Những kiến nghị của Nhà trường sẽ được Đoàn Giám sát tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả giám sát, đồng thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét.” - Bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
* Tại buổi làm việc, Đoàn Giám sát nghe báo cáo của Trường Cao đẳng Nghề Bách khoa Hà Nội và trao đổi một số vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp.