Hội thảo đánh giá giữa kỳ - Dự án nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Đại học Bách khoa Hà Nội - SAHEP HUST

Thứ năm - 09/09/2021 23:12

 

Sáng nay (10/9/2021), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức hội thảo đánh giá giữa kỳ - Dự án Nâng cao chất lượng giáo dục đại học tại Đại học Bách khoa Hà Nội (SAHEP HUST) theo hình thức online.

Đánh giá giữa kỳ (Mid Term Review) là một trong những hoạt động quan trọng của Dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ để đánh giá kết quả đã đạt được so với những mục tiêu ban đầu đặt ra và tìm những giải pháp thúc đẩy Dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Những nỗ lực thực hiện dự án của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Tại Hội thảo, PGS. Trần Văn Tớp - Nguyên Trưởng Ban Quản lý dự án trình bày báo cáo đánh giá Dự án từ khi bắt đầu. Dự án SAHEP được đề xuất và khởi động lập báo cáo tiền khả thi từ cuối năm 2016. Ngày 28/9/2018, Chủ tịch nước đã ký quyết định phê chuẩn Hiệp định tài trợ của Dự án SAHEP. 

Dự án thành phần tại Đại học Bách khoa Hà Nội đặt ra các mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị đại học, quản lý dự án thông qua khung kết quả gồm 3 chỉ số mục tiêu (PDO - Project Development Objective) và 5 chỉ số trung gian (IR – Intermediate Indicator). 

Dự án có tổng mức đầu tư 50 triệu đô la Mỹ, trong đó 21,5 triệu đầu tư cho các hạng mục xây dựng và 24,5 triệu đô la Mỹ đầu tư cho 30 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu. 

Qua gần 3 năm thực hiện, Chủ đầu tư đã khắc phục nhiều khó khăn, trình Bộ chủ quản các kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính và kế hoạch lựa chọn nhà thầu hàng năm, đã ký hơn 30 hợp đồng xây lắp, mua sắm thiết bị và các hợp đồng tư vấn với tổng số vốn đạt hơn 70% tổng mức đầu tư của dự án.   

Báo cáo đánh giá giữa kỳ Dự án SAHEP tại Đại học Bách khoa Hà Nội cũng chỉ ra một số phần việc chưa thực hiện, như các gói thầu mua sắm 15 PTN Nghiên cứu; cải tạo sửa chữa khu xưởng phục vụ di dời thiết bị và hoàn thiện hạ tầng cho các phòng thí nghiệm. Công trình nhà C7 phấn đấu đạt tiêu chuẩn thiết kế xanh của tổ chức EGDE. Trong thời gian tới, còn phải thành lập Hội đồng tư vấn quốc tế (IPRC), nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID 19 đã tiếp tục bị chậm.

Mặc dù có khó khăn, nhưng Ban Quản lý dự án đã nỗ lực và cam kết giải ngân các nguồn vốn được cấp. Dự án đã giải ngân đạt gần 50% và cam kết giải ngân 100%  vốn năm 2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giãn cách xã hội trong thời gian qua, nên tiến độ giải ngân cũng bị ảnh hưởng, do vậy cần đặc biệt nỗ lực trong 4 tháng còn lại của năm 2021.

Theo PGS. Trần Văn Tớp, hiện Dự án đang gặp một số khó khăn, đặc biệt dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ Dự án. Bên cạnh đó, vật tư, vật liệu xây dựng tăng mạnh, nhất là sắt thép tăng đến 40%. 

Thay mặt Ban Quản lý Dự án SAHEP Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Trần Văn Tớp kiến nghị Nhà nước cần có hướng dẫn điều chỉnh đơn giá xây dựng phù hợp với sự biến động của thị trường; Kiến nghị WB và Bộ GD&ĐT cho gia hạn dự án.

Chuyên gia WB và Bộ GD&ĐT chúc mừng Đại học Bách khoa Hà Nội

PGS. Lê Trọng Hùng – Giám đốc Ban Quản lý Dự án SAHEP Bộ GD&ĐT và bà Steffi Stallmeister – Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư của WB tại Việt Nam – chúc mừng và đánh giá rất cao Ban Quản lý Dự án SAHEP và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dù gặp không ít khó khăn nhưng đã đưa Dự án đi đúng hướng, bám sát được tiến độ đề ra, hoàn thành những nội dung quan trọng; Đồng thời dành lời cảm ơn tới PGS. Trần Văn Tớp – Người đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy để dự án có ngày hôm nay. 

Theo các chuyên gia, từ thời điểm này, mọi đánh giá về dự án sẽ tập trung xem xét  ảnh hưởng của SAHEP đến 3 vấn đề: Chất lượng đào tạo, chất lượng nghiên cứu, chất lượng công tác quản trị nhà trường, gắn kết với các chỉ số PDO.

Bà Stefi Stallmeister nhận định việc nâng cao năng lực, đào tạo và thể chế đã được thể hiện rất rõ qua những hình ảnh thực tế sinh động trước khi hội thảo bắt đầu. Các hoạt động nâng cao chất lượng nghiên cứu của Trường, việc đầu tư mua sắm các thiết bị hiện đại, các phòng thí nghiệm là nỗ lực rất lớn để tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên của Trường tiếp cận với thiết bị và kiến thức tiên tiến nhất. Các hoạt động này đang được thực hiện theo báo cáo của nhà trường.

Trường cũng tiến hành nhiều hoạt động nâng cao năng lực nghiên cứu như việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu hay việc hình thành 120 nhóm nghiên cứu mạnh trên cơ sở hợp tác với các doanh nghiệp và khu vực tư nhân. Hy vọng đây sẽ là định hướng của tương lai, duy trì một cách bền vững kể cả sau khi dự án kết thúc. 

Bài học kinh nghiệm từ Dự án SAHEP

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe một số tham luận của lãnh đạo các phòng/ban Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: 

PGS. Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - trình bày về kinh nghiệm từ dự án SAHEP và Quy hoạch các phòng thí nghiệm phục vụ Đào tạo tại Đại học Bách khoa Hà Nội. 

GS. Huỳnh Trung Hải - Trưởng phòng Quản lý nghiên cứu – báo cáo nội dung Quy hoạch và thành lập các Phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Hà Nội nhìn từ Dự án SAHEP.

GS Vũ Văn Yêm - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - trình bày tham luận về Định hướng chiến lược và mô hình quản trị đại học trong thời kỳ chuyển đổi số - Góc nhìn từ tổ chức cán bộ. 

Bên cạnh đó, Hội thảo còn ghi nhận những ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án, các trao đổi liên quan đến nội dung tái cơ cấu sự án, tháo gỡ khó khăn của dự án trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài của PGS. Hoàng Sỹ Hồng - Phó Viện trưởng Viện Điện; PGS. Lê Trọng Hùng – Bộ GD&ĐT; bà Đào Thị Dung và ông Micheal Drabble - Chủ nhiệm và Đồng Chủ nhiệm  Dự án SAHEP WB tại Việt Nam; PGS. Trần Ngọc Khiêm - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, kiêm Trưởng Ban SAHEP.

Kết luận Hội thảo, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết tập thể nhà trường đã và đang nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện để Dự án có những đóng góp to lớn và lan tỏa trong phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong 5 năm tới. Các  phòng thí nghiệm đào tạo của SAHEP triển khai sẽ là hình mẫu để Nhà trường triển khai quy hoạch và đầu tư trong toàn trường. 

Việc thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu sẽ là tiền đề để Trường phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh. Mô hình của tòa nhà C7 khi xây dựng nên với cơ sở vật chất có được sẽ là hình mẫu để Nhà trường thử nghiệm những giải pháp đổi mới quản trị.

“Chúng tôi tự hào vì trong 2 năm qua, Ban lãnh đạo, các thành viên trong Ban Quản lý dự án của Nhà trường, các đơn vị liên quan đến công việc đã tích cực làm việc, tháo gỡ nhiều khó khăn. Để có kết quả ngày hôm nay, chúng tôi tri ân các thầy cô, đặc biệt là PGS. Trần Văn Tớp đã có những đóng góp hết mình cho dự án” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ. 

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội mong muốn trong giai đoạn tới, Trường sẽ tiếp tục nỗ lực thực hiện công việc của Dự án. Hy vọng WB sẽ thấu hiểu, và tiếp tục hỗ trợ tối đa để Nhà trường thực hiện được mục tiêu của mình.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định việc phát triển đào tạo, phát triển nghiên cứu là một trong những nhiệm vụ sống còn của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 15 phòng thí nghiệm đào tạo đã được đầu tư và 15 phòng thí nghiệm nghiên cứu sắp được triển khai sẽ đồng hành hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu ngành Cơ khí, Điện - Điện tử, Vật liệu hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh hơn nữa trong các lĩnh vực này.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trân trọng tiếp thu, ghi nhận những đóng góp tâm huyết của các chuyên gia tại Hội thảo, để Dự án SAHEP là một điển hình, từ đó nhân rộng ra các lĩnh vực còn lại của Nhà trường. – PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ quyết tâm: “Dự án SAHEP sẽ đạt được các mục tiêu đã đề ra, giúp phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội một cách tốt nhất. Đây là lời hứa của lãnh đạo nhà trường với BQL Bộ GD&ĐT, với các Cục/Vụ và WB”.

"Tôi vẫn nhớ cảm xúc phấn khởi khi tham gia lễ khởi công tòa nhà C7 vào tháng 3/2021. Đây sẽ là địa điểm mới cho văn phòng các khoa, các giảng đường cũng như phòng thí nghiệm cho các ngành Điện - Điện tử, Cơ khí. Tôi mong chờ một báo cáo cụ thể hơn trong đợt đánh giá sắp tới và chúng ta sẽ có cơ hội thảo luận ở cấp độ kỹ thuật để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc và chậm trễ do Covid gây ra. Tôi tin rằng với sự ưu tiên đặc biệt của Đại học Bách khoa Hà Nội, với tiến độ xây dựng các công trình này, ta có thể tăng tốc vào giai đoạn cuối, bắt kịp tiến độ đề ra” - Bà Stefi Stallmeister - Giám đốc Quản lý danh mục đầu tư WB tại Việt Nam. 

 

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây