Cận cảnh thành tích “khủng” của Tân tiến sĩ ĐH Bách khoa HN

Thứ hai - 07/10/2019 22:04

Mới đây, trên facebook cá nhân, PSG.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội tự hào “khoe” thành tích “khủng” của một NCS “Best thesis” (xuất sắc nhất) trong đợt tốt nghiệp và trao bằng tiến sĩ năm 2019 – người được vinh danh có 14 bài báo khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín nằm trong danh mục ISI!

Bật mí bí quyết

Người được thầy Phó Hiệu trưởng ngôi trường nằm trong top 1.000 trường ĐH xuất sắc nhất thế giới tự hào nhắc tên là anh Trịnh Ngọc Hải – Giảng viên Viện Toán ứng dụng và Tin học – Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh Trịnh Ngọc Hải sinh năm 1983, đã từng học ĐH, Cao học tại Cộng hòa Liên bang Nga với kiến thức nền tảng rất tốt. Hỏi anh bí quyết nào để công bố được 14 bài báo trên các tạp chí khoa học uy tín, anh rất khiêm tốn chia sẻ: Tôi không có bí quyết gì đặc biệt. Đó chỉ là kết quả của việc chuẩn bị trước, làm việc với thầy hướng dẫn, theo seminar của nhóm… Ngoài ra phải đọc tài liệu, đọc qua bài báo của các tác giả khác, từ đó phát triển ra kết quả của mình. Quan trọng là phải có sự chuẩn bị từ trước. Đừng bắt đầu làm NCS với con số 0!

Nghiên cứu sinh Trịnh Ngọc Hải

Vì đã chuẩn bị trước, nên có những bài báo khoa học quốc tế anh đã viết và gửi đăng trước thời điểm đăng ký làm NCS. May mắn là các tạp chí chấp nhận đăng vào cùng một thời điểm nên có năm anh Hải công bố đến 6 bài báo ISI - Con số khá nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu Toán học! Cứ tưởng tượng nhà khoa học Trịnh Ngọc Hải như một chú kiến cần mẫn, cần cù nghiên cứu, tha lâu và đến khi bảo vệ luận án tiến sĩ thì… đầy tổ.

Đề tài nghiên cứu của anh Trịnh Ngọc Hải là: Một số phương pháp giải pháp giải bài toán cân bằng và điểm bất động có cấu trúc. Bài toán cân bằng có thể coi là dạng tổng quát của nhiều bài toán riêng biệt khác nhau. Có thể áp dụng bài toán cân bằng trong các lĩnh vực giao thông, kinh tế, y học… Đây là đề tài nhiều nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đã “cày xới” 20 năm qua với không ít bài báo công bố trên tạp khí khoa học quốc tế. Với một đề tài nhiều người đã nghiên cứu, để tìm ra được một hướng đi mới, một hướng nghiên cứu chỉ của riêng mình không hề đơn giản. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực và quyết tâm anh Hải đã dần tìm ra được hướng nghiên cứu cho mình, mà kết quả cụ thể là nhiều bài báo khoa học đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành thuộc danh mục ISI.

TS Lê Quang Thủy – Viện trưởng Viện Toán ứng dụng và Tin học - một trong hai giáo viên hướng dẫn anh Trịnh Ngọc Hải tự hào nhận xét: “Hải là nghiên cứu sinh đầu tiên tôi hướng dẫn. Hải có kiến thức nền tảng tốt và khả năng làm việc độc lập rất cao. Nhiều khi thầy chỉ cần đưa ra ý tưởng, Hải sẽ tự mày mò làm hết mọi việc còn lại, tôi không phải nhúng tay vào chi tiết. Nhiều người nói trò giỏi thế thì thầy chắc áp lực lắm. Không hề! Có một học trò như Hải, tôi rất nhàn!”

Nghiên cứu sinh Trịnh Ngọc Hải và thầy giáo hướng dẫn – TS Lê Quang Thủy

Còn GS.TSKH Phạm Kỳ Anh – giáo viên hướng dẫn anh Trịnh Ngọc Hải thì trìu mến nói: ”Anh Hải là một người được đào tạo bài bản ở nước ngoài, kiến thức rất vững. Khi làm NCS anh Hải có tinh thần học tập rất nghiêm túc, thu được nhiều kết quả tốt và rất khiêm tốn học tập. Trịnh Ngọc Hải là một trong những học viên NCS gây ấn tượng nhất với tôi!”.

Từ phải sang: TS Trịnh Ngọc Hải, GS.TSKH Phạm Kỳ Anh và

TS. Đặng Văn Hiếu (học trò của thầy Phạm Kỳ Anh)

Tự hào với tấm bằng TS từ Bách khoa Hà Nội

Nhìn lại hành trình làm NCS, điều khiến anh Trịnh Ngọc Hải hạnh phúc nhất là những kết quả nghiên cứu được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín. Ngoài ra, anh Hải cho rằng “món quà” anh nhận được là cơ hội được tiếp cận với các nhà khoa học, các thầy cô khiến anh cảm thấy kính trọng về đạo đức, về con người.

Trịnh Ngọc Hải cùng các NCS tại Trường ĐH Bách khoa nói chung và Viện Toán ứng dụng và Tin học nói riêng rất ấn tượng với thái độ ân cần, chu đáo, chuyên nghiệp của các thầy cô và cán bộ quản lý với học viên NCS. Trường ĐH Bách khoa có hẳn một hệ thống quản lý NCS thông qua trang web của nhà trường, các NCS có thể truy cập để tìm các mẫu hồ sơ, khi hoàn thành các giấy tờ, NCS có thể dựa vào trang web để làm, không phải tất tả chạy đi hỏi người này người kia, giảm rất nhiều thời gian, công sức trong thời gian làm NCS. Những thuận lợi này cùng sự chủ động trong nghiên cứu đã góp phần giúp anh Hải xuất sắc hoàn thành chương trình tiến sĩ trước thời hạn với thời gian hơn 2 năm.

Với cá nhân anh Hải, trong quá trình học, anh được lãnh đạo Viện Toán ứng dụng và Tin học nơi anh công tác quan tâm, sắp xếp về mặt thời gian, giờ dạy, được ưu tiên theo chế độ của NCS nói chung. Anh Hải chia sẻ:  "Vì là cán bộ của trường nên toàn bộ học phí được nhà trường trang trải; được ưu tiên về giờ giảng dạy; một số giải thưởng, học bổng cũng ưu tiên cho NCS… Tính ra, tôi chẳng mất gì về mặt vật chất.”

Về học thuật, chuyên môn, anh Hải và các NCS đánh giá Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một trong những trường đòi hỏi khắt khe nhất trong tất cả các cơ sở giáo dục đào tạo tiến sĩ. Những yêu cầu cao về quy định về học phần, chuyên đề tiến sĩ, quy định về bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế… đều vì mục tiêu đảm bảo chất lượng đào tạo. “Thế nên tôi càng tự hào, hãnh diện hơn khi được nhận tấm bằng Tiến sĩ từ ngôi trường này” – anh Trịnh Ngọc Hải nhận định.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Viện Toán ứng dụng và Tin học đã có những cải cách đột phá về chế độ đãi ngộ cho những cán bộ giảng dạy có năng lực nghiên cứu như anh Trịnh Ngọc Hải. Lãnh đạo Viện thường xuyên trao đổi nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cán bộ, giảng viên, tạo điều kiện tối đa cho mọi người làm việc. Với chính sách và chế độ đãi ngộ như hiện tại, ưu tiên cán bộ giảng dạy có năng lực nghiên cứu khoa học, anh Hải là một trong số cán bộ trẻ có mức lương cao so với mặt bằng chung của cán bộ Viện Toán ứng dụng và Tin học cũng như cán bộ Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ngày 9/10/2019 tới đây, anh Hải sẽ cùng hơn 80 bạn học nhận bằng Tiến sĩ. Tân tiến sĩ Trịnh Ngọc Hải sẽ vẫn tiếp tục công việc giảng dạy nghiên cứu tại Viện Toán ứng dụng và Tin học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cố gắng duy trì mạch nghiên cứu không bị đứt đoạn. Anh Hải cho rằng tấm bằng tiến sĩ chỉ là khởi đầu, còn rất nhiều nhiệm vụ tiếp theo anh cần làm để thỏa đam mê của nhà khoa học – cống hiến cho xã hội, cống hiến cho ngôi trường Bách khoa thân yêu!

CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TIẾN SĨ TRƯỜNG ĐH BÁCH KHOA HÀ NỘI

* Năm 2019, Trường có 1 NCS xuất sắc công bố 14 bài báo ISI;

* Năm 2018, Trường có 2 NCS bảo vệ luận án xuất sắc, trong đó 1 NCS có 7/7 bài báo ISI, 1 NCS có 4/8 bài báo ISI;

* Năm 2017, Trường có một NCS bảo vệ luận án xuất sắc, công bố 4 bài báo khoa học trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín nằm trong danh mục  ISI.

* Năm 2018, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có số lượng bài báo khoa học đăng tạp chí quốc tế nhiều nhất trong các cơ sở GD ĐH Việt Nam được Bộ GD&ĐT khen thưởng hơn 1,1 tỉ đồng. 

Mỹ Linh

Ảnh: NVCC

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây