Tọa đàm Xây dựng Đề án Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương 2030

Thứ ba - 27/08/2019 21:21

Ngày 27/8/2019, Trường ĐHBK Hà Nội phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương tổ chức buổi tọa đàm “Xây dựng Đề án công nghiệp sinh học ngành công thương 2030” tại phòng Hội thảo C2.

Chủ trì buổi tọa đàm có ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương; GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội; cùng đông đảo sự tham gia của cán bộ, giảng viên của hai đơn vị.


Ông Trần Việt Hòa phát biểu tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, đại diện Bộ Công thương đã tóm tắt những ý chính của Đề án Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 do Vụ Khoa học và Công nghệ soạn thảo. Đánh giá về việc triển khai Đề án trong giai đoạn qua, ông Trần Việt Hòa nhìn nhận: Đề án đã triển khai quá nhiều đề tài mang tính học thuật, không có tính đột phá. Việc đầu tư dàn trải trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước rất hạn chế, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Do đó, trong định hướng đến năm 2030, quan điểm của Bộ Công Thương là tập trung nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng, nhằm thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa sản phẩm ra thị trường. 

Trong khi đó, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường ĐHBK Hà Nội luôn là một địa chỉ tin cậy của Bộ Công Thương nhiều năm nay trong lĩnh vực công nghiệp sinh học. Trường ĐHBK Hà Nội có Phòng thí nghiệm trọng điểm Nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học, đây là điều kiện thuận lợi để thực hiện Đề án.


Đông đảo các cán bộ, nhà khoa học tham dự tọa đàm

Chia sẻ về định hướng phát triển của Trường ĐHBK Hà Nội trong thời gian tới, GS Đinh Văn Phong cho biết, Trường sẽ lấy doanh nghiệp làm trọng tâm với các ngành công nghệ sinh học – công nghiệp thực phẩm; quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm; công nghệ hóa – môi trường; Quá trình và thiết bị. 

Trường ĐHBK Hà Nội đề xuất 6 giải pháp phát triển Đề án Công nghiệp Sinh học ngành Công Thương. Cụ thể: (1) Phát triển và ứng dùng công nghệ enzyme và vi sinh vật để sản xuất sản phẩm có hoạt tính sinh học, nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp thực phẩm; (2) Nghiên cứu thiết kế chế tạo và sản xuất các hệ thống thiết bị, dây chuyền đồng bộ phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học; (3) Xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát và phát triển giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; (4) Xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ sinh học công nghiệp; (5) Xây dựng hệ thống quản trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; (6) Ứng dụng giải pháp công nghệ sinh học công nghiệp xử lý chất thải trong công nghiệp chế biến để kiểm soát môi trường và tạo thành các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.



Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu thảo luận về dự kiến Khung Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030. Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đi thăm Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, trực tiếp xem các sản phẩm công nghệ sinh học được sản xuất tại đây như nước mắm sản xuất từ phụ phẩm của tôm đông lạnh; bia lên men trong chai, các phòng thí nghiệm DNA, phòng thí nghiệm protein, phòng thí nghiệm lên men…


Vũ Thơm
Ảnh: Kim Chi

Tác giả: Trần Ngọc Nam

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây