Đại học Bách khoa Hà Nội

https://www.hust.edu.vn


Bách khoa Hà Nội và Toyota nghiên cứu hiệu quả của xe xăng lai điện

Ôtô công nghệ xăng lai điện, một dòng xe thuộc họ xe điện thân thiện với môi trường, được coi là giải pháp cho tương lai khi mà nguồn cung nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và vấn đề ô nhiễm không khí trở nên cấp bách.

Bách khoa Hà Nội và công ty Toyota hôm nay chính thức khởi động chương trình hợp tác nghiên cứu hiệu quả công nghệ hybrid xăng lai điện trong điều kiện sử dụng tại Việt Nam.

Tại lễ công bố, Toyota bàn giao hai xe Corolla Cross, một chiếc thuộc dòng xe xăng và chiếc còn lại sử dụng động cơ truyền thống kết hợp với động cơ điện. Viện Cơ khí Động lực của Bách khoa Hà Nội sẽ chạy thử nghiệm, theo dõi, so sánh và đánh giá hiệu suất sử dụng nhiên liệu, lượng khí thải xả ra môi trường và hiệu quả hoạt động thực tế của dòng xe xăng lai điện mới nhất vừa được giới thiệu tại thị trường Việt Nam.

“Bách khoa Hà Nội là đại học khoa học và kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn hợp tác nghiên cứu với Trường,” ông Ueda Hiroyuki, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam, trả lời báo chí.

Từ trái qua, PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội; GS. Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ khí Động lực, và Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Ueda Hiroyuki tại lễ bàn giao xe ngày 22/10. Ảnh: Toyota Việt Nam.

Đại diện Toyota Việt Nam nhấn mạnh công nghệ hybrid phù hợp với điều kiện sử dụng tại Việt Nam do không yêu cầu cơ sở hạ tầng đặc biệt như trạm nạp điện. Quan trọng hơn, xe xăng lai điện giúp giảm khí thải và nâng cao chất lượng không khí. Ô nhiễm không khí đang là vấn đề nhức nhối ở các thành phố lớn. Theo báo cáo do Greenpeace và AirVisual IQ công bố hồi tháng 3, Hà Nội và TP.HCM nằm trong danh sách 15 thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á. Năm ngoái, Hà Nội chỉ có 8 ngày mà nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí thấp hơn mức tiêu chuẩn quốc gia, tình trạng ở TP. HCM khá hơn với 36 ngày. 

Tổng giám đốc Ueda Hiroyuki cho rằng sẽ khách quan hơn nếu có một cơ quan độc lập nghiên cứu dòng xe hybrid này trong điều kiện giao thông thực tế tại Việt Nam. "Nếu chúng tôi tự nói tốt về sản phẩm của mình thì đó chỉ là ý kiến chủ quan và nghe giống như tuyên truyền," ông Hiroyuki chia sẻ. Vì vậy, thông qua dự án kéo dài một năm, Toyota trông cậy vào sự đánh giá của các chuyên gia tại Bách khoa Hà Nội.

PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng, hy vọng dự án đánh giá công nghệ xăng lai điện của Toyota Việt Nam và Viện Cơ khí Động lực sẽ có tác động tích cực đối với nghiên cứu chung của Trường cũng như giúp sinh viên chuyên ngành kỹ thuật ôtô cải thiện kỹ năng thực hành và kiến thức thực tiễn.

“Nhờ những dự án như thế này, sinh viên có cơ hội cập nhật công nghệ mới trên thế giới. Sau này đi làm, tiếp xúc với thực tế, chúng tôi sẽ không bị bỡ ngỡ và choáng ngợp,” Phạm Đức Kiên, sinh viên Chương trình tiên tiến ngành Kỹ thuật Ôtô, nói muốn được tận mắt nhìn thấy bộ động cơ của chiếc xe hybrid “vốn còn xa lạ với người Việt Nam”.

Nam sinh viên năm thứ hai đặc biệt ấn tượng với công nghệ tự sạc của xe hybrid Toyota, theo đó, khi người lái buông chân ga hoặc phanh để giảm tốc, động cơ xe sẽ đóng vai trò máy phát, hấp thụ động năng lãng phí khi phanh để nạp điện cho pin.

Sinh viên Viện Cơ khí động lực, Đại học Bách khoa Hà Nội quan sát động cơ xe hybrid xăng lai điện tại buổi lễ công bố dự án hợp tác giữa Trường và Công ty Toyota Việt Nam ngày 22/10. Ảnh: Toyota Việt Nam.

Chiếc xe hybrid đầu tiên của Toyota ra đời vào năm 1997 nhưng đến tận tháng 8 vừa qua, hãng xe Nhật Bản này mới chính thức giới thiệu mẫu xe phổ thông sử dụng công nghệ hybrid xăng lai điện tại Việt Nam. Động cơ hybrid được ưa chuộng nhờ ưu điểm tiết kiệm nhiên liệu và giảm lượng khí thải. Tính đến tháng 2 năm nay, tổng doanh số xe hybrid toàn cầu của Toyota đạt 15 triệu chiếc, giúp tiết kiệm 47.000 triệu lít nhiên liệu và giảm hơn 120 triệu tấn khí thải CO2 so với các loại động cơ đốt trong.

Về cấu tạo, trong khi xe chạy xăng kết nối động cơ với cơ cấu truyền động làm quay bánh xe, xe hybrid có thêm một môtơ điện ở giữa cơ cấu này làm nhiệm vụ chia sẻ hoạt động với động cơ xăng. Công suất cung cấp cho bánh xe chuyển động được phân phối theo tình trạng thực tế xe chạy trên đường. Xe hybrid có chức năng ngắt động cơ xăng mỗi khi dừng lại hoặc đi với tốc độ chậm. Chức năng này đặc biệt hữu dụng trong điều kiện giao thông ở các thành phố lớn đông đúc vì lượng nhiên liệu lãng phí khi động cơ chạy không tải được cắt giảm hoàn toàn.

GS. Lê Anh Tuấn, Viện trưởng Cơ khí Động lực, nhận xét họ xe điện thân thiện với môi trường như xe lai (hybrid), xe chạy điện hoàn toàn (battery electric vehicle) và xe sử dụng pin nhiên liệu hydro (fuel cell vehicle) là những chiếc xe của tương lai. Ông dẫn phân tích của Bloomberg cho rằng trong bối cảnh đại dịch Covid 19, số lượng và tỉ lệ xe điện bán ra không những không giảm mà còn có nhiều triển vọng tăng trong năm 2020, tạo sức bật cho những năm tiếp theo. 

Toyota hiện là nhà phân phối xe con lớn nhất ở Việt Nam với 37% thị phần. Toyota và Bách khoa Hà Nội vốn đã có nhiều dự án hợp tác. Bên cạnh chương trình đào tạo Monozukuri hay còn gọi là "Bí quyết thành công trong sản xuất và kinh doanh" thực hiện từ năm 2005 với Bách Khoa Hà Nội, Toyota Việt Nam còn trao nhiều học bổng cho sinh viên ngành cơ khí kỹ thuật và môi trường đồng thời tặng các bộ động cơ cùng trang thiết bị giảng dạy khác.

Thành lập năm 1956, Bách khoa Hà Nội, tên viết tắt tiếng Anh là HUST, hiện đào tạo các chuyên ngành từ khoa học cơ bản, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện, khoa học máy tính, công nghệ thông tin, quản lý kinh tế đến ngôn ngữ. Trong 5 năm tới, Bách khoa Hà Nội đặt mục tiêu vươn lên nhóm 601-800 các trường đại học tốt nhất thế giới.

Viện Cơ khí Động lực của Bách khoa Hà Nội có quy mô đào tạo 1.900 cử nhân và kỹ sư, 100 học viên cao học và 40 nghiên cứu sinh tiến sĩ, ở ba ngành đào tạo bao gồm Kỹ thuật Cơ khí động lực, Kỹ thuật Ôtô và Kỹ thuật hàng không. Năm 2020, các ngành đào tạo của Viện, thuộc lĩnh vực Cơ khí - Hàng không - Chế tạo, được tổ chức xếp hạng quốc tế danh tiếng QS xếp hạng 351-400 thế giới, tăng 100 bậc so với năm 2019.

                                                                Hồng Hạnh

TIN LIÊN QUAN

Bách khoa Hà Nội hợp tác cùng châu Âu về năng lượng tái tạo

Bách khoa Hà Nội nhận tài trợ nghiên cứu từ Vingroup

Tác giả: Phạm Thanh Huyền

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây